Học viện Nông nghiệp Việt Nam thành lập trung tâm nghiên cứu sáng tạo, mở hàng về ngành dệt may

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 30/06/2020 09:36 AM (GMT+7)
Chiều 29/6, tại Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) đã phối hợp tổ chức công bố kết quả nghiên cứu “Dệt may Việt Nam: Tác động của Covid-19 và xa hơn nữa”. Đây là kết quả nghiên cứu của Trung tâm đổi mới sáng tạo do Học viện mới thành lập.
Bình luận 0

Theo PGS.TS Phạm Bảo Dương, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu về ngành dệt may là một trong những hoạt động mở đầu cho hợp tác giữa VNUA và AAV.

 Sự khởi đầu này có ý nghĩa sẽ mở ra nhiều hoạt động hợp tác thiết thực và hiệu quả nhằm tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. 

Học viện Nông nghiệp Việt Nam thành lập trung tâm nghiên cứu sáng tạo, mở hàng về ngành dệt may - Ảnh 1.

Ông Phạm Bảo Dương (ngoài cùng bên phái), Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc VNUA.

GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, xác định khoa học công nghệ là xương sống của các trường đại học, các nghiên cứu của Học viện phải đóng góp tích cực cho tái cơ cấu kinh tế, gần đây, Học viện đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo, là nơi quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, thể chế chính sách, nhằm tham gia giải quyết các vấn đề lớn của các bộ ngành, địa phương và tham vấn chính sách cho Chính phủ.

Trước đại dịch Covid-19, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, Học viện đã cùng các nhà khoa học nghiên cứu đánh giá tác động của đại dịch đến một số ngành nghề liên quan đến đời sống người dân và doanh nghiệp, trong đó có ngành dệt may.

Báo cáo tại hội thảo, TS Phạm Sỹ Thành, Trưởng nhóm nghiên cứu - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong-Trung Quốc (MCSS) thuộc VNUA cho biết: “Covid-19 tác động rất tiêu cực đến cả nguồn cung và đầu ra của ngành dệt may. Xét theo các thị trường chủ chốt, 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm 14,9%, thị trường EU giảm 19%. Với hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được phê chuẩn, dệt may Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị gia tăng thêm cho ngành.”

Cụ thể, nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu ngành dệt may hiện đang có giá trị khoảng 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc; trong đó, 70% vải nhập khẩu phục vụ cho mục đích may xuất khẩu. Như vậy, chi phí cho nhập khẩu nguyên phụ liệu đang chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp.

“Sản xuất vải đang là ‘nút thắt cổ chai’ của ngành dệt may Việt Nam”, báo cáo viết.

Cũng theo báo cáo, ngành dệt may Việt Nam không có chuỗi cung ứng đầy đủ nên rất khó tận dụng lợi thế của các FTA. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tận dụng FTA của Việt Nam rất thấp là không tự chủ được vấn đề xuất xứ hàng hóa.

Ghi nhận đến năm 2020, Việt Nam đã ký và có 12 FTA có hiệu lực, 1 FTA đợi phê chuẩn và đang đàm phán 3 FTA khác. Việc kí kết FTA (song phương và đa phương) đem lại cho ngành dệt may những ưu thế cạnh tranh xuất khẩu vô cùng to lớn.

Chẳng hạn, thuế suất áp dụng đối với ngành dệt và nguyên liệu, với ngành may trung bình là 0 – 5% (trong khi đó theo quy chế của WTO, thuế suất với ngành dệt và nguyên liệu trung bình là 12% và với ngành may mặc là 25%).

Mặc dù lợi ích lớn như vậy, nhưng đến nay, các lợi thế này chỉ tồn tại về mặt lý thuyết. Số liệu cho thấy tỷ lệ tận dụng FTA của Việt Nam chỉ đạt trung bình 30 – 35%. Nghĩa là Việt Nam chỉ mới tận dụng được 1/3 lợi ích từ các FTA đã có hiệu lực.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam thành lập trung tâm nghiên cứu sáng tạo, mở hàng về ngành dệt may - Ảnh 2.

Ngành dệt may được đánh giá chịu nhiều tác động của dịch Covid-19. Ảnh: I.T

Theo đánh giá của MCSS, Việt Nam không dễ dàng tận dụng được ưu đãi của các FTA thế hệ mới như EVFTA hay trước đó là CPTPP.

Cụ thể, quy định của EVFTA có thể thay mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi chiến lược nguồn cung vì Việt Nam có thể tăng nhập nguyên liệu từ những nước đã có FTA với Liên minh châu Âu (EU) để đảm bảo quy tắc ROO. Tuy nhiên, quá trình thực hiện trên thực tế có thể không dễ dàng như vậy khi giá nhập khẩu từ một nơi có thể giúp hàng Việt Nam được hưởng C/O vào châu Âu (ví dụ nhập khẩu từ Hàn Quốc) có giá cao hơn 15 – 20% so với nhập khẩu từ Trung Quốc.

Với thị trường các nước thành viên CPTPP, MCSS cũng đánh giá Việt Nam chưa khai thác được các thị trường tiềm năng trong khối như Mexico, Newzealand, Canada, Australia. Đặc biệt, Australia, Canada là hai thị trường có quy mô sử dụng hàng dệt may khá lớn, khoảng 10 tỷ USD/năm, trong khi thị phần xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam vào 2 thị trường này còn nhỏ, chỉ khoảng 500 triệu USD/năm.

Với thị trường Canada, MCSS nhận định cơ hội xuất khẩu hàng may mặc có dư địa cao (hiện mới chiếm 7% tổng thị phần nhập khẩu của Canada) vì nhiều công ty phân phối dệt may hàng đầu thế giới có trụ sở tại Canada. Đặc biệt khi thuế nhập khẩu mặt hàng này vào Canada sẽ giảm xuống còn 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi.

Với Mỹ, mức thuế suất hàng dệt may vào Mỹ vẫn ở mức rất cao. Mặc dù là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng thuế suất mà hàng may mặc Việt Nam bị áp tại Mỹ vẫn ở mức rất cao (17,5%) so với các thị trường khác, đặc biệt là những thị trường mà Việt Nam đã kí FTA song phương hoặc đa phương…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem