Tại sự kiện đặc biệt của “làng báo” này có rất nhiều điểm nhấn, trong đó đáng nói nhất là tinh thần đổi mới, sáng tạo; đề cao trách nhiệm của người cầm bút gắn với đạo đức nghề nghiệp…
Đổi mới, sáng tạo
Tại cuộc họp báo giới thiệu về sự kiện mới đây, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Hội Báo toàn quốc 2019 chia sẻ: Ba Hội báo tổ chức trong các năm từ 2016 đến 1018 đều có chủ đề chung là “Báo chí Việt Nam đồng hành với đất nước đổi mới”. Đây là tinh thần đồng hành của báo chí lúc nào cũng cần có, năm nay cũng vậy.
Quang cảnh họp báo. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Tuy nhiên, trước tình hình mới của xã hội, của đời sống báo chí, đặc biệt là những thách thức, khó khăn mà báo chí đang phải đương đầu trong thời đại truyền thông kỹ thuật số với sự phát triển mạnh mẽ, rất khó kiểm soát của mạng xã hội - đây là cơ hội và cũng là thách thức lớn đòi hỏi chúng ta phải có những đổi mới, sáng tạo. Chủ đề “đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân” đã được lựa chọn để kế tiếp, phát huy sức mạnh của chủ đề trước.
Thực tế mấy năm qua, trên bình diện thế giới cũng như báo chí của Việt Nam, những cơ quan báo chí nào bắt kịp được xu hướng của thời đại, tận dụng được nền tảng công nghệ mới kết hợp với nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các nhà báo thì vượt qua được khó khăn, phát triển ổn định.
Với quy mô toàn quốc, trong thời gian 3 ngày, từ 15-17.3, Hội Báo toàn quốc 2019 thu hút sự tham gia rộng rãi của các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo địa phương, và nhiều tổ chức, đơn vị có nhiều đóng góp vào sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.
Hội báo năm nay diễn ra trong bối cảnh nền báo chí nước nhà có nhiều chuyển biến tích cực, và có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2018, Việt Nam đạt được nhiều thành tích ấn tượng về mọi mặt, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của lực lượng báo chí. Báo chí đã phát huy tốt vai trò, tích cực tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ, chương trình về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước... Năm 2018, báo chí Việt Nam hoạt động kỷ cương, chuyên nghiệp hơn; hình thức thể hiện cũng phong phú, sinh động hơn; ý thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp được quan tâm hơn.
Từ những thành tựu ấy, những người làm báo Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc yêu cầu nóng bỏng phải đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm để vượt qua những thách thức, khó khăn, không ngừng vươn lên, nâng cao tính chiến đấu và tính nhân văn báo chí vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Chủ đề “đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân” cũng là lời khẳng định của giới báo chí nước nhà trước Đảng, nhân dân.
Để hưởng ứng chủ đề này, năm nay, tuổi trẻ Học viện Báo chí tuyên truyền, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có những chương trình công phu, huy động đông đảo thanh niên, sinh viên tham gia. Đáng chú ý trong đó, một chương trình hội trại diễn ra suốt 3 ngày trong khu vực diễn ra Hội báo có sự tham gia của 8 trường đại học; lập 11 khu trại tại khuôn viên Bảo tàng Hà Nội. Những hoạt động này cũng giúp cho Hội báo thêm giàu sức trẻ, giàu sự sáng tạo.
Gắn trách nhiệm với đạo đức
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: Đổi mới sáng tạo cũng phải gắn với trách nhiệm của người làm báo, nhất là đạo đức, lý tưởng làm nghề của mỗi nhà báo. Đó là những người làm nghề phải khách quan, công tâm, trung thực, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý, bảo vệ sự thật. Chúng ta xây dựng nền báo chí vừa giàu tính chiến đấu, vừa giàu tính nhân văn, nhưng phải phục vụ lợi ích của đất nước và nhân dân. Đây cũng chính là mục đích cao quý, tốt đẹp của báo chí.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Thực tế báo chí trong những năm qua, bên cạnh những nhà báo tiếp tục phát huy được tinh thần cống hiến, phục vụ tốt cho lợi ích cộng đồng, đất nước, trở thành những tấm gương sáng, thì cũng có một bộ phận nhà báo, những người mang danh nhà báo có những sai phạm, vi phạm pháp luật, vi phạm cả đạo đức nghề nghiệp. Điều này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến thanh danh của những người làm báo chân chính. Từ đó, vấn đề nêu cao đạo đức nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu, gắn với trách nhiệm làm nghề trở thành vấn đề nóng bỏng, sống còn của báo chí nước ta.
Chính vì vậy, Hội Nhà báo Việt Nam cùng với việc thực hiện Luật Báo chí năm 2016 đã ban hành 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Hơn 2 năm qua, những hiệu quả bước đầu của việc làm này đã được khẳng định trong hoạt động báo chí nước ta. Báo chí của Việt Nam đang hoạt động có kỷ cương hơn, có nền nếp hơn và đạo đức nghề nghiệp được nêu cao hơn.
“Trách nhiệm của người cầm bút gắn với đạo đức nghề nghiệp, vai trò, trách nhiệm với mỗi tác phẩm báo chí là nhiệm vụ quan trọng của người làm báo trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Điểm nhấn này, sự đặc sắc này chắc chắn sẽ thể hiện rõ nét trong Hội báo Toàn quốc 2019 thông qua các ấn phẩm, các chương trình đặc sắc” - nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Những khu vực trưng bày của các đơn vị lớn cũng được kỳ vọng sẽ “hút” được những người làm báo, công chúng báo chí quan tâm đến vấn đề đạo đức nghề báo cũng như trách nhiệm xã hội. Đáng chú ý là các khu vực trưng bày: “Nguồn thông tin tin cậy nhất”của Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam; “Báo Nhân dân với công tác xây dựng Đảng” của Liên Chi hội Nhà báo báo Nhân dân; “Báo chí với công cuộc phòng chống tham nhũng” của Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam; “Báo chí với kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo” của Cổng thông tin điện tử Chính phủ; “Báo chí với những sự kiện nổi bật của đất nước” của Bộ Thông tin và Truyền thông...
Nhà báo Trần Bá Dung cho biết thêm: Trong Hội Báo toàn quốc năm nay, các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, vấn đề đạo đức nghề báo gắn với trách nhiệm của người cầm bút cũng được nhiều đơn vị báo chí, truyền thông đề cao hơn qua nhiều sự kiện. Công chúng yêu mến hội báo sẽ dễ dàng nhận thấy điều này tại tọa đàm về nhà báo Huỳnh Văn Tiểng, nguyên lãnh đạo cấp cao của Hội Nhà báo Việt Nam chiều 15/3 do Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức; diễn đàn “Báo chí – Cầu nối doanh nghiệp và chính phủ” do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Truyền thông Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chiều 16/3. Liên Chi hội Nhà báo cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cũng chủ trì diễn đàn “Nhà báo trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ” kết hợp với giao lưu ”Nhà báo trẻ với các thế hệ nhà báo”…
Đặc biệt, mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” trong khuôn khổ Hội báo. Hoạt động này sẽ được tổ chức sáng 16/3 nhằm nói lên trách nhiệm của báo chí trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và phát huy giá trị trong tình hình mới.
Cũng theo nhà báo Trần Bá Dung, trong Hội báo năm nay có 6 loại giải được trao, trong đó có 1 loại giải toát lên đầy đủ tinh thần trách nhiệm của báo chí, đó là Giải "Phóng sự xuất sắc về chủ đề môi trường biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai", tôn vinh trách nhiệm cao cả của báo chí và những người làm báo với biến đổi khí hậu.
Mỹ Bình (TTXVN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.