Những lợi ích bất ngờ từ việc chuyển đổi du lịch xanh

Huy Hoàng Thứ sáu, ngày 12/04/2024 15:30 PM (GMT+7)
Ngày 12/4, Diễn đàn Du lịch Việt Nam chuyển đổi xanh để phát triển bền vững do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức đã diễn ra và thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, người làm du lịch trong nước và quốc tế.
Bình luận 0

Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam: Chuyển đổi du lịch xanh, phát triển bền vững

Những lợi ích bất ngờ từ việc chuyển đổi du lịch xanh - Ảnh 1.

Diễn đàn Du lịch Việt Nam chuyển đổi xanh để phát triển bền vững tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam. (Ảnh: Huy Hoàng)

Phát biểu đề dẫn tại diễn đàn, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường đã trở thành nhu cầu cấp bách của toàn thế giới. Chính phủ đã thể hiện quyết tâm chung tay giải quyết khủng hoảng khí hậu và giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thích ứng với biến đổi khí hậu là trách nhiệm, cơ hội để Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

"Du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, dự báo đóng góp hơn 6,4% GDP trong năm 2024. Du lịch Việt Nam sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Do tác động của biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang phát triển bền vững là tất yếu. Chuyển đổi xanh trong du lịch mang lại lợi ích cho môi trường, thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện đời sống cho cộng đồng làm du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trên tinh thần đó, Diễn đàn Du lịch Việt Nam chuyển đổi xanh để phát triển bền vững được tổ chức để từng bước đưa du lịch xanh vào cuộc sống, hướng hoạt động của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam thực hiện phát triển các hoạt động du lịch không sử dụng rác thải nhựa, xây dựng các tour du lịch không sử dụng phương tiện cơ giới (đi bộ, đi xe đạp), phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn, vận động dọn rác thải ở các điểm du lịch...", ông Bình cho hay.

Chia sẻ quan điểm tại diễn đàn, ông Patrick Harvemann, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, du lịch Việt Nam sở hữu những vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức như tình trạng mất mát đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.

"Theo quan điểm của tôi, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào 4 vấn đề: quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả; du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp; du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên. Tôi đánh giá cao việc nhiều địa phương tại Việt Nam đã bắt đầu quá trình "xanh hóa" du lịch bằng cách giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần từ nhiều năm nay như phố cổ Hội An (Quảng Nam) và huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), thể hiện cam kết mạnh về quản lý môi trường", ông Patrick Harvemann nói.

Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam: Chuyển đổi du lịch xanh chính là tiền

Những lợi ích bất ngờ từ việc chuyển đổi du lịch xanh - Ảnh 2.

Ngay sau Diễn đàn Diễn đàn Du lịch Việt Nam chuyển đổi xanh để phát triển bền vững là lễ ký thỏa thuận hợp truyền thông về chuyển đổi xanh cho du lịch Việt Nam. (Ảnh: Huy Hoàng)

Dưới góc nhìn của địa phương đang thực hiện tốt chuyển đổi du lịch xanh, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch HHDL tỉnh Quảng Nam chia sẻ, phát triển du lịch xanh chính là tiền.

"Phát triển du lịch xanh là hướng tới phát triển du lịch bền vững, hướng tới cộng đồng, hướng tới bảo vệ môi trường. Du lịch xanh giải quyết được quá tải điểm đến, rác thải. Khi chúng ta làm được những điều đó thì đó chính là giảm chi phí, giảm tiền. 

Tôi ví dụ, chúng ta đưa năng lượng mặt trời vào sử dụng là chúng ta đang giảm chi phí điện. Giảm rác thải cũng là giảm chi phí. Khi chúng ta quản lý tốt điểm đến thì sẽ không xảy ra tình trạng quá tải du khách, như vậy lượng khách cao cấp sẽ đến nhiều hơn. 1 khách cao cấp chi tiêu bằng 10 khách thông thường, đó chính là tiền từ du lịch xanh", ông Phan Xuân Thanh cho hay.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng: "Hiện nay, trước những biến động khó lường của khí hậu, dịch bệnh, du lịch lại là đỉnh cao trong phục vụ con người, du khách cần xanh nên du lịch phải xanh. Hơn nữa, chuyển đổi xanh, du lịch xanh là câu chuyện của cạnh tranh quốc gia, gắn với các hệ sinh thái. Trước kia, chúng ta nhìn du lịch là con người, là cái tôi đi du lịch, là trải nghiệm, khám phá, thụ hưởng dịch vụ. Đến nay, 90% khách du lịch muốn đóng góp cho cộng đồng, cho văn hoá cộng đồng khi đi du lịch. Đây là sự thay đổi rất lớn của cộng đồng đối với xã hội".

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi xanh du lịch cũng có nhiều thách thức. Việt Nam cần sự hỗ trợ của quốc tế trong lĩnh vực này, trong đó UNDP.

Ông Võ Trí Thành cho rằng, có 5 trụ cột then chốt trong khung khổ phát triển du lịch bền vững ASEAN là tăng trưởng kinh tế bền vững; bao trùm xã hội, việc làm và giảm nghèo; hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; đa dạng giá trị văn hoá và di sản; hiểu biết lẫn nhau, hoà bình, sức khoẻ, an ninh, an toàn.

Chia sẻ về kết quả thu được khi thực hiện chuyển đổi xanh, bà Hà Thị Diệu Viên – Phó Tổng quản lý – Khu nghỉ dưỡng Silk Sense Hoi An River Resort, một trong những khách sạn được đánh giá là xanh nhất Hội An cho hay, để thực hiện chuyển đổi xanh, khách sạn đã đưa ra 70 tiêu chí. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó có cái khó từ người làm đến người cung cấp dịch vụ và khách hàng. Tuy nhiên, khách sạn đã kiên trì và đưa ra những cam kết để các chủ thể thực hiện và đến nay khách sạn đã được công nhận là khách sạn không còn rác thải nhựa thải ra môi trường, không còn đồ nhựa dùng một lần.

Cũng tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh cần song song với đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả năng lượng, tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính. Cùng với đó là tăng cường quản lý điểm đến du lịch, hoàn thiện và phát huy hiệu quả chính sách phát triển du lịch, chuyển đổi số để khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển, đảm bảo thành công của quá trình xanh hóa.

Bên cạnh đó, các bên liên quan cần phát triển loại hình du lịch có trách nhiệm, tạo cơ hội việc làm, chia sẻ lợi ích với cộng đồng, đa dạng hóa loại hình dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy tiêu dùng du lịch và mua sắm xanh, bền vững thông qua các chương trình dán nhãn năng lượng, nhãn sinh thái, nhãn xanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem