1 chọi 7
Nhân vật được chú ý nhất tại cuộc họp thượng đỉnh lần này không phải Tổng thống (TT) Mỹ Barack Obama, người đàn ông quyền lực nhất thế giới, hay Thủ tướng (TTg) Anh David Cameron, nguyên thủ chủ nhà, mà là TT Nga Vladimir Putin, người có quan điểm khác biệt với hầu hết các nguyên thủ khác trong đa số vấn đề, đặc biệt về chiến sự ở Syria.
|
Một tay súng nổi dậy ở Syria bên chiếc xe tăng vừa “cướp” được của quân đội |
Thủ tướng Canada Steve Harper ý thức rõ về sự khác biệt này qua phát biểu: “Tôi nghĩ chúng ta không nên tự lừa dối mình. Đây là G7+1. Chúng ta, những nước phương Tây, có quan điểm rất khác biệt về tình huống này. Ông Putin và chính phủ của ông ủng hộ những tên côn đồ chế độ Assad vì những lý do riêng của họ mà tôi cho là không chính đáng, và tôi tin ông Putin biết quan điểm của tôi về điều đó”.
Trong thực tế, cho đến nay các nguyên thủ G7 đều phản đối chế độ của TT Syria Bashar al-Assad. Từ trước đến nay, các nước phương Tây đã nhiều lần kêu gọi TT Assad từ chức để chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu. Trong tuần trước, Mỹ đã tiến thêm một bước sau khi cam kết hỗ trợ quân sự cho phe nổi dậy ở Syria (có thể bằng cung cấp vũ khí). Động thái này diễn ra sau khi điều tra của các nhà khoa học Anh khẳng định chính phủ Syria đã dùng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến đang diễn ra, và TTg Cameron cáo buộc ông Assad đã phạm tội ác chiến tranh.
Dù vậy, TTg Cameron cho rằng các lãnh đạo vẫn có tiếng nói chung: “Nền tảng chung của chúng tôi là đều muốn ngăn chặn thảm họa nhân đạo, sự nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan. Nếu chúng tôi tập trung về điểm chung này, có thể sẽ đạt được tiến bộ”. Ông Putin cũng đồng ý rằng hội nghị thượng đỉnh G8 không phải là vô ích, trái lại là “một trong những phương tiện thích hợp nhất để giải quyết vấn đề của Syria. Vấn đề chỉ có thể giải quyết thông qua các giải pháp ngoại giao”.
Tại sao ủng hộ “bọn ăn thịt người”?
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuần trước cũng đáp ứng đề nghị của Jordan yêu cầu Mỹ để các chiến đấu cơ F-16 và tên lửa Patriot ở lại vương quốc đồng minh này sau khi chấm dứt cuộc tập trận chung trong tuần này, theo lời người phát ngôn của Lầu Năm Góc.
Ngày 14.6, các nhà ngoại giao phương Tây cũng cho biết Washington đang xem xét kế hoạch thiết lập một vùng cấm bay ở một số khu vực tại Syria, nhưng sau đó Nhà Trắng cho biết việc đó sẽ khó khăn, tốn kém hơn nhiều so với ở Libya, và Mỹ không có lợi ích gì trong việc triển khai kế hoạch đó. Ý tưởng thiết lập vùng cấm bay xuất phát từ Ai Cập, nước Ả Rập lớn nhất. TT Ai Cập Mohamed Mursi, TTg Cameron đã ngỏ ý sẽ ủng hộ việc thiết lập vùng cấm bay của Mỹ để chống lại nhà lãnh đạo “độc tài và tàn bạo” Assad.
Tuy nhiên, TT Putin “đứng ở chiến tuyến” ngược lại. Cho đến nay, Moscow đã cung cấp nhiều vũ khí cho chính quyền Assad để chống lại phe nổi dậy. Ông Putin cho rằng chính phủ của ông không làm gì sai, vì chính quyền Assad là chính quyền hợp pháp, trái lại, việc ủng hộ phe nổi dậy chính là hành vi sai trái.
Ông dẫn chứng một sự kiện có thật để nói các tay súng nổi dậy là “bọn ăn thịt người”: “Không thể phủ nhận thực tế là không cần thiết khi đi ủng hộ những người không chỉ giết kẻ thù, mà còn phanh thây họ, ăn nội tạng họ trước công chúng và máy quay phim. Chẳng lẽ các bạn lại muốn ủng hộ những người như vậy? Bạn muốn cung cấp vũ khí cho những người man rợ như thế? Điều đó có thể làm giảm những giá trị nhân văn mà các bạn đã rao giảng ở châu Âu cả hàng trăm năm nay”.
Cho đến nay, các nước châu Âu vẫn chưa quyết có ủng hộ việc cung cấp vũ khí trực tiếp cho phe nổi dậy ở Syria hay không. Bản thân TTg Cameron đã tỏ ý ủng hộ quyết định này, nhưng ông bị phản đối từ ngay trong chính phủ và đảng của mình. Một trong những lý lẽ mạnh nhất được đưa ra là vũ khí được hỗ trợ có thể lọt vào tay những phần tử quá khích trong phe nổi dậy.
Thị trưởng London Boris Johnson viết trên tờ Daily Telegraph: “Một số phần tử phe nổi dậy không phải chiến đấu cho tự do, cho tiến bộ của nhân dân nhưng với mục tiêu thiết lập một quốc gia Hồi giáo nơi họ có thể cai trị. Và có một vấn đề nữa là trong phe nổi dậy ở Syria có những người đang muốn hưởng lợi từ dòng chảy vũ khí từ phương Tây”. Đảng Tự do dân chủ, một liên minh trong chính phủ của TTg Cameron, cũng gây sức ép để buộc chính quyền London không nhúng tay vào xung đột quân sự. Nick Clegg, lãnh đạo Đảng Tự do dân chủ, cho rằng việc can thiệp vào Syria hiện nay cũng không nhìn thấy được kết quả nào rõ ràng hơn việc nhúng tay vào Libya hay Iraq trước đây.
Các quan chức Mỹ mới đây cho biết CIA (Tình báo Mỹ) sẽ cung cấp vũ khí cho các nhóm nổi dậy ở Syria thông qua những căn cứ bí mật ở Thổ Nhĩ Kỹ và Jordan. Dụ kiến việc chuyển giao một số hạn chế súng ống và đạn dược sẽ diễn ra trong vài tuần nữa.
Các quan chức Mỹ cũng cho rằng không cần có những lo lắng như của ông Johnson, vì CIA trong gần đây đã phát triển mạnh ở khu vực và rất am hiểu các nhóm nổi dậy họ dự định cung cấp vũ khí. “Hiện nay chúng tôi có những mối quan hệ ở Syria mà trước đây 6 tháng là rất xa vời”, phó cố vấn an ninh của TT Obama, ông Benjamin Rhodes phát biểu hôm thứ sáu tuần trước.
Vực dậy kinh tế, chống trốn thuế
Ngoài vấn đề nóng nhất là chiến sự ở Syria, các nguyên thủ G8 cũng dành nhiều thời gian cho việc bàn bạc các giải pháp để vực dậy nền kinh tế thế giới, cũng như chống các hành vi gian lận thuế toàn cầu. TTg Nhật Shinzo Abe, TTg Đức Angela Merkel và các lãnh đạo khác quan tâm đặc biệt đến vai trò của các ngân hàng trung ương và chính sách tiền tệ.
TTg Abe sẽ dùng dịp hiếm có này để bảo vệ các chính sách kinh tế gây tranh cãi gần đây của ông, được gọi là “Abenomics”, trong đó có việc in thêm tiền để đạt mức lạm phát 2%. Các chính sách của ông Abe bị chỉ trích làm bùng lên cuộc chiến tranh tiền tệ, khi các nước đua nhau hạ giá nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu.
TTg Cameron cũng thông báo việc chống gian lận thuế sẽ làm một chương trình nghị sự chính thức trong kỳ họp này. Dù vậy, dự báo các lãnh đạo G8 sẽ né tránh các biện pháp mạnh tay chống hoạt động né thuế của các công ty toàn cầu, theo bản dự thảo được tiết lộ. Việc chống né thuế doanh nghiệp đã trở thành một mục tiêu chính trị quốc tế sau khi công chúng nổi giận về những hành vi né thuế khổng lồ của các công ty như Apple và Google, Coca Cola… Nhưng dự thảo cho biết sẽ không có thỏa thuận nào buộc các công ty phải công bố lợi nhuận, doanh thu và tiền nộp thuế ở từng nước. Một nghiên cứu cho biết chính phủ các nước đang phát triển thất thu 80.000 bảng tiền thuế mỗi năm vì né/trốn thuế.
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.