Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hoạt động thiết thực, ý nghĩa của Hội Nông dân huyện Nam Sách
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thơm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Sách cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện Nam Sách trong việc tập trung triển khai công tác ứng phó với tình hình lũ sau cơn bão số 3 ở mức độ cao nhất, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Nam Sách cũng nhận thấy bão lũ, nước sông dâng cao gây thiệt hại lớn cho nông dân nuôi cá lồng trên sông. Để giảm bớt thiệt hại, lãnh đạo hộiđã bàn bạc, lên kế hoạch, triển khai công tác hỗ trợ tiêu thụ cá lồng cho bà con.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Hội Nông dân huyện Nam Sách, ngày 10/9 lãnh đạo Hội đã bàn bạc, lập kế hoạch, phương án để thực hiện. Ngày 11 và 12/9, một mặt cán bộ Hội Nông dân huyện đăng thông báo để lan toả thông điệp chung tay hỗ trợ tiêu thụ cá lồng cho nông dân trên các nền tảng mạng xã hội.
Clip: Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Sách nói về việc hỗ trợ tiêu thụ cá lồng cho hội viên nông dân trong huyện. T/h: Nguyễn Việt.
Một mặt, trực tiếp phối hợp cùng với hội nông dân cơ sở, ngành chức năng địa phương vào việc, mượn xe ô tô về địa phương có người dân nuôi cá lồng, kết nối với chủ lồng, vớt cá cho lên ô tô rồi chở về điểm bán gần trường THPT Nam Sách tại thị trấn Nam Sách để bán cho người dân.
"Với tinh thần tương thân tương ái, nhiều người dân thị trấn Nam Sách đã mua cá ủng hộ. Tuy rất mệt nhưng nghĩ về bà con nuôi cá lồng đang gặp khó khăn, chúng tôi lại bảo nhau cố gắng. Trong ngày 12/9 chúng tôi đã bán được hơn 2 tấn", chị Nguyễn Minh Trang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Sách cho hay.
Chị Trang cũng cho biết thêm, sau khi các thông tin về hỗ trợ tiêu thụ cá lồng được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội facebook, zalo đã có nhiều tổ chức doanh nghiệp, tư thương đã liên lạc với cán bộ hội và cán bộ hội lại hướng dẫn kết nối với chủ lồng để về mua cá. Việc lan toả thông tin và kết nối này sẽ giúp chủ lồng chủ động hơn trong việc bán cá và sẽ bán được nhiều hơn.
"Hội có ít người nếu trực tiếp bán sẽ không được bao nhiêu, lại bận không kết nối được với doanh nghiệp, tư thương với chủ lồng cá. Hôm qua, bao nhiêu cuộc gọi mà tôi không có thời gian nghe máy, trả lời điện thoại được. Trong khi đó lượng cá mà các chủ lồng cần bán lại rất nhiều. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi chủ yếu tập trung vào việc kết nối tiêu thụ để giúp các chủ lồng cá bán được nhiều cá hơn, giảm bớt thiệt hại cho bà con", chị Trang chia sẻ.
Phóng viên Dân Việt đã đi cùng với lãnh đạo Hội Nông dân huyện Nam Sách về xã An Sơn, nơi người dân địa phương nuôi cá lồng trên sông Thái Bình. Trong lúc đi, chị Trang thường xuyên nghe, gọi, trả lời nhiều cuộc điện thoại của người có nhu cầu mua cá hỏi, cập nhật thông tin để đến mua.
Mong bán được càng nhiều cá càng tốt
Trên đê sông Thái Bình, lúc này có nhiều người là người dân xã An Sơn đi bộ, đi xe máy; thương lái đi ô tô tải đến mua cá hỗ trợ chủ lồng. Trên các dãy lồng cá, chủ lồng và người nhà, người thân của chủ lồng đang có mặt tại chân đê, trên lồng cá, mỗi người một việc. Người vớt cá từ dưới lồng lên, cá chết được cho vào bao tải, cá sống cho vào thuyền tôn nhỏ. Để tránh bị trôi, người điều khiển thuyền tôn chứa cá sẽ bám vào sợi dây thừng to được buộc từ bè lồng dẫn vào bờ và có người leo giữ để đi vào chân đê.
Sau khi cá được chở vào chân đê, bộ phận trên bờ sẽ bắt cá cho vào các thùng nhựa lớn rồi cân tại chân đê rồi cho lên các thùng chứa nước trên xe đổ cá vào đó. Có gia đình chủ lồng lại áp dụng bê lên mặt đê mới cân. Xe ô tô tải của tư thương đã đỗ ở đó để đợi.
Việc thu hoạch cá của một số chủ lồng ở đây khá hối hả. Chuyến xe nào đầy cá được chở đi luôn cho kịp. Sau đó, xe khác lại vào vị trí chờ "ăn hàng".
Chị Dung, vợ chủ lồng cá Vũ Văn Điểm, thôn Nhuế Sơn, xã An Sơn cho biết, gia đình đã nuôi cá lồng trên sông Thái Bình được hơn 3 năm, với 7 lồng cá, với sản lượng 70 tấn. Từ hôm bão lũ dâng cao, nước chảy xiết cá trong lồng nhà tôi có hiện tượng chết. Lượng cá chết chiếm khoảng 50%. Nhờ sự kết nối của Hội Nông dân với các thương lái nên hôm nay gia đình tôi tiến hành bán cá. Từ sáng đến giờ đã bán được hơn 2 tấn rồi. Mong rằng trong ngày nay bán được 10 tấn.
"Tôi chỉ mong bán được càng nhiều càng tốt, để bớt thiệt hại được ít nào hay ít đấy. Mong các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể của xã của huyện, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân mua ủng hộ giúp người nuôi cá lồng chúng tôi giảm bớt thiệt hại, để các gia đình nuôi cá lồng có cơ hội tái sản xuất, chứ vốn liếng dồn hết vào bè lồng cá này rồi. Lũ bão gây thiệt hại nặng quá", chị Dung cho hay.
Theo thông tin phóng viên Dân Việt tìm hiểu, đối với cá chết (mới chết) giá 50 nghìn đồng/con (1 con cá bình quân có trọng lượng từ 4 - 6 kg), như vậy tức chỉ trên dưới 10.000 đồng/kg; cá còn sống, giá bán 30.000 đồng/kg.
Đến một khu lồng của hộ gia đình chị Lê Thị Nga, thôn An Giới, xã An Sơn cách khu lồng cá của nhà chị Dung không xa. Chị Nga cũng đang cùng người nhà, họ hàng đến giúp thu hoạch cá. Cũng vẫn thực hiện hình thức thu hoạch như những hộ khác. Khi thuyền tôn nhỏ đưa cá vào chân đê, những người ở đó bắt cá cho vào các đồ đựng rồi chuyền nhau đưa lên mặt đê để cân cho thương lái.
Đây là năm đầu gia đình chị Nga nuôi cá lồng trên sông. Nhà chị Nga hiện có 8 lồng cá, với lượng cá trong 8 lồng, trong đó 5 lồng nuôi cá thương phẩm, 3 lồng nuôi cá giống. Ước lượng cá của gia đình khoảng 40 tấn. Khi bị bão lũ, cá trong lồng nhà chị Nga có biểu hiện đỏ vây, mất hết vảy và xuất hiện cá chết. Gia đình chị Nga bán nhằm gỡ gạc lại ít vốn.
Ngoài tư thương đến mua, theo quan sát của phóng viên Dân Việt, nhiều người dân địa phương cũng đến mua ủng hộ chủ lồng, người ít 1 con, người nhiều cả bao về chia cho anh em trong gia đình.
Cụ bà Vương Thị Hưởng, 86 tuổi, thôn An Giới, xã An Sơn cũng lên đê để mua cá ủng hộ người nuôi. Do bà ở một mình nên bà chỉ mua một con cá chép 5 kg với giá 150 nghìn đồng.
"Đợt mưa bão lũ lần này lớn quá, gây thiệt hại rất nhiều cho người nông dân. Như các chủ lồng cá nhà nào có ít lồng cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng, người nuôi nhiều có khi nhiều tỷ đồng. Tôi già rồi, ăn không nhiều nhưng cũng muốn mua để ủng hộ người nuôi. Mình vừa có cái để ăn người nuôi lại bán được để giảm bớt thiết hại", cụ Hưởng cho hay.
Clip: Tư thương, người dân lên đê sông Thái Bình khu vực xã An Sơn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương mua ủng hộ cá lồng cho người nuôi cá. T/h: Nguyễn Việt.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Nguyễn Minh Trang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Sách cho biết, Hội sẽ hỗ trợ, kết nối tiêu thụ giúp bà con nuôi cá lồng đến khi nào bà con còn nhu cầu. Không chỉ kết nối hỗ trợ tiêu thụ cá lồng, Hội Nông dân huyện còn kết nối hỗ trợ tiêu thụ nhiều nông sản khác như: Bưởi, chuối... cho cán bộ, hội viên nông dân trong huyện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.