Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Hyundai Ninh Bình vừa được đầu tư 10.800 tỷ đồng để mở rộng sản xuất và dự kiến đạt công suất 170 nghìn xe/năm
Ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam sau 20 năm phát triển đã không đạt được hầu hết các mục tiêu. Cùng với đó, trước áp lực mở cửa hàng rào thuế quan theo các cam kết thương mại quốc tế, công nghiệp ô tô đứng trước tình thế “tồn tại hay không tồn tại”. Vì thế, năm 2017 được xác định là thời điểm bản lề, mang tính bước ngoặt để trả lời câu hỏi: “Việt Nam có nên tiếp tục giấc mơ sản xuất ô tô?”.
Lòng tự tôn của người Việt
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam từng nhen nhóm hy vọng có một chiếc xe mang thương hiệu Việt khi ông Bùi Ngọc Huyên xây dựng nhà máy sản xuất ô tô Vinaxuki. Đã có lúc, tưởng như khát vọng ấy đã thành hiện thực khi có những mẫu xe được cho là đã nội địa hóa đến 50 - 60% được giới thiệu trước công chúng. Minh chứng là ông chủ Vinaxuki khi đó từng tự hào khẳng định: “Chiếc xe du lịch VG150 của Vinaxuki sẽ là chiếc xe của người Việt”. Thế nhưng, chẳng bao lâu, khát vọng ấy đã lụi tàn với hình ảnh những công xưởng, nhà máy bị bỏ hoang và hàng nghìn công nhân phải rời bỏ công xưởng.
Khi giấc mơ về chiếc xe “made in Việt Nam” ấy đang lùi dần vào quên lãng cùng với sự thất bại của cả một chiến lược phát triển công nghiệp ô tô được hoạch định mấy chục năm nhưng không đạt mục tiêu, cũng là thời điểm cận kề phải thực hiện các cam kết thương mại quốc tế. Thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN sẽ về 0% từ năm 2018 và nguy cơ hiện hữu là ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở về con số không. Viễn cảnh đường phố Việt Nam tràn ngập xe nhập khẩu từ: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ… đến gần hơn bất cứ lúc nào. Thế nhưng, trong tình cảnh ấy đã nhen nhóm lên những niềm hy vọng mới.
Khi được hỏi về bài học đắt giá của Vinaxuki với giấc mơ ô tô Việt, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công (HTC) đã thẳng thắn: “Đúng là Vinaxuki đã nhen nhóm lên một giấc mơ về thương hiệu ô tô Việt. Ở Việt Nam, Vinaxuki cũng có tình yêu với ngành ô tô, Trường Hải (THACO) và Tập đoàn Thành Công cũng vậy. Thế nhưng, chúng tôi sẽ có cách đi khác…”.
Cũng với niềm khát khao ấy, ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc THACO từng cho biết: “Chúng tôi tin rằng, với một đất nước 90 triệu dân, một đất nước khao khát phát triển sản xuất công nghiệp, chắc chắn sẽ phải có một bước ngoặt lớn sau năm 2018...”.
Niềm tin và sự khát khao sản xuất ô tô trong nước có lẽ đã không chỉ là mong muốn của người dân, các nhà sản xuất, lắp ráp mà còn nhận được sự cổ vũ rất lớn của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu: “Ô tô không phải chỉ là ô tô. Ô tô còn là một thương hiệu quốc gia để đánh giá cả nền sản xuất đó…”.
Nuôi khát vọng bằng cách làm mới
Trả lời câu hỏi “Hyundai và THACO có mạo hiểm khi đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để mở rộng sản xuất trong thời điểm này?, ông Lê Ngọc Đức tự tin cho rằng: “Cái khó nhất là tạo dựng được thị trường, niềm tin và sự ủy quyền của đối tác. Đối với THACO là đối tác Mazda, còn Thành Công là Hyundai. Chúng tôi đã có một quá trình dài để chuẩn bị, đàm phán, mời chào họ đặt nhà máy tại Việt Nam, dần dần chuyển giao công nghệ. Trong thời điểm này, nếu chúng tôi không sản xuất, nội địa hóa thành công thì sẽ mất đi cơ hội tại Việt Nam. Mục tiêu của Hyundai Thành Công sau khi mở rộng sản xuất sẽ nâng công suất lên 170 nghìn xe/năm và sẽ đạt mục tiêu nội địa hóa nội khối ít nhất 40% vào năm 2019”.
Lý giải vì sao phải “bắt tay” với các nhà sản xuất nước ngoài chứ không thể tự mình sản xuất ra một chiếc ô tô hoàn toàn của người Việt, ông Đức cho biết: “Các nhà sản xuất ô tô lớn của thế giới đã nắm bản quyền thương hiệu, thiết kế động cơ, thân vỏ, hộp số… nên không dễ để chúng ta có thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của họ. Thực tế, dù chỉ là sản xuất cái bu lông, ốc vít nhưng nếu muốn lắp được vào chiếc xe của họ cũng phải nhận được sự đồng ý, phải có bản quyền được hãng cấp cho sản phẩm tại quốc gia đó thì mới có thể tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi phải hợp tác với họ để tiếp thu công nghệ, phân phối, lắp ráp rồi mới tiến tới sản xuất”.
Theo ông Đức, nếu muốn phát triển công nghiệp phụ trợ thì không cách nào khác là phải lôi kéo các hãng sản xuất đặt chân, mở nhà máy tại Việt Nam. Để làm được điều này phải bằng cách chứng minh được năng lực và quy mô của thị trường ô tô. Vì vậy, họ phải được cấp phép đặt nhà máy tại Việt Nam để cùng phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước. Giai đoạn giữ chân họ bằng cách cùng đầu tư, mở rộng sản xuất chính là nền tảng để chúng ta dần có bản quyền thiết kế, phát triển công nghiệp phụ trợ và tăng tỷ lệ nội địa hóa. Vấn đề còn lại hiện nay là sự quyết liệt, ủng hộ của Chính phủ và góc nhìn của các nhà chuyên môn.
Giống với cách Thành Công tiếp cận với giấc mơ xe Việt, Trường Hải cũng làm xe hơi nhưng họ vẫn lấy xe thương mại (xe tải và xe khách) làm nền tảng và chỗ dựa tài chính cho doanh nghiệp để cố gắng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu chứ không tham vọng làm ra toàn bộ một chiếc xe.
“Trong phát triển ô tô trên thế giới, xu thế đều bắt đầu bằng sản xuất lắp ráp và bảo vệ thị trường một cách hợp lý. Thông qua đó, nhận chuyển giao công nghệ, rồi gia tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng giải pháp phát triển sản xuất linh kiện phụ tùng, tiến dần đến cùng hợp tác, cùng cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh hội nhập. Đây là luật chơi mới trong kinh doanh”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty ô tô Trường Hải từng cho biết về hướng đi để hiện thực hóa khát vọng không chỉ đáp ứng sản phẩm ô tô cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ngược ra các nước ASEAN.
Để phát triển nền công nghiệp ô tô Việt Nam, hiện 2 doanh nghiệp trong nước là THACO và Hyundai Thành Công đã có trao đổi, thống nhất liên kết, phối hợp để không dẫm chân mà còn có sự bổ trợ cho nhau. Theo đó, những thiết bị, linh kiện nào THACO đã đầu tư sản xuất, Hyundai Thành Công không làm và ngược lại.
Thời điểm năm 2018 đang cận kề. Thời gian không còn nhiều cho những nỗ lực bắt nhịp cơ hội tham gia thị trường chung ASEAN và tìm chỗ đứng ngay trên sân nhà. Hy vọng với quyết tâm và hướng đi mới, những doanh nghiệp mang khát vọng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ kịp đáp chuyến tàu hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nếu chúng ta tổ chức sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa đạt 40%, thì 40% đó không chỉ mang lại công ăn việc làm, tạo ra các sản phẩm công nghiệp mà thậm chí có thể nghĩ xa hơn về cân đối cán cân thanh toán thương mại, bằng cách có thể hy vọng và hướng đến xuất khẩu ngược ra các nước ASEAN khi thuế suất về bằng 0%.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Công ty Ô tô Trường Hải
Để mạnh dạn, quyết tâm mở rộng đầu tư như hiện nay, điều đầu tiên là chúng tôi có sự khát khao và lòng tự trọng của người Việt Nam. Tại sao thời điểm 2017 này, chúng tôi đẩy nhanh mở rộng đầu tư, vì chúng tôi đã có sự đồng hành của đối tác để nuôi tham vọng sản xuất và xuất khẩu trong ASEAN. Để đạt được mục tiêu này, không cách nào khác, chúng tôi phải đạt được tỷ lệ nội khối ít nhất là 40%.
Ông Lê Ngọc Đức - Tổng giám đốc Hyundai Thành Công
|
Tiến Mạnh (Báo Giao Thông)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.