Bí quyết nào giúp các khu công nghiệp "hồi sinh" nhanh chóng sau bão số 3?
Bí quyết nào giúp các khu công nghiệp "hồi sinh" nhanh chóng sau bão số 3?
Nhóm PV
Thứ sáu, ngày 11/10/2024 09:00 AM (GMT+7)
Sau bão số 3, nhiều khu công nghiệp ngổn ngang, nhà xưởng của các doanh nghiệp hư hỏng nặng nề. Giờ đây, những dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp đang dần khởi động trở lại, đánh dấu sự khởi đầu cho quá trình phục hồi mạnh mẽ.
Clip: Khung cảnh ngổn ngang tại hệ thống xưởng sản xuất cọc bê tông ly tâm dự ứng lực có diện tích trên 10.000m2 của Công ty TNHH bê tông xây dựng Phúc Tiến, sau khi đã đi vào hoạt động trở lại. Thực hiện: Thu Thuỷ
Bão số 3 đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp tại các tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh,... Nhất là việc mất điện kéo dài, khiến hoạt động sản xuất bị ngưng trệ trong một thời gian dài.
Nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN)
Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, sau bão số 3, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã bắt đầu khôi phục sản xuất, từ sửa chữa nhà xưởng, cơ sở hạ tầng cho đến tiếp tục sản xuất tại những nhà máy ít bị ảnh hưởng. Đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khôi phục hoàn toàn hệ thống cấp điện, nước và giao thông nội bộ cũng đã trở lại bình thường.
Công ty TNHH Điện tử Tonly Việt Nam (Khu công nghiệp Đông Mai, TX Quảng Yên) là một trong những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề, với tổn thất ước tính khoảng 150 tỷ đồng do ngập nước làm hư hỏng hệ thống máy móc và linh kiện.
Tuy nhiên, công ty đã nhanh chóng đưa hệ thống máy phát điện vào sử dụng để duy trì sản xuất tại một số dây chuyền. Ngay khi có điện trở lại, công ty đã tăng ca, huy động toàn bộ nhân lực làm việc liên tục để đáp ứng tiến độ các đơn hàng bị gián đoạn bởi cơn bão.
Ông Phùng Kỳ Luân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Tonly Việt Nam, cho biết, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong việc khôi phục nhanh chóng hệ thống điện, nước, và giao thông đã giúp công ty đẩy nhanh quá trình sửa chữa máy móc, ổn định sản xuất.
Hiện tại, hơn 4.200 cán bộ, công nhân của công ty đang làm việc liên tục để hoàn thành đơn hàng.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp khác tại Khu công nghiệp Đông Mai cũng đã quay lại hoạt động bình thường, đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp chế biến và chế tạo của tỉnh Quảng Ninh. Có thể kể đến Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng - đơn vị sản xuất, lắp ráp xe du lịch thương hiệu Skoda với công suất 120.000 xe/năm theo chương trình hợp tác đầu tư của hãng ô tô hàng đầu Cộng hòa Séc với Tập đoàn Thành Công, cũng đã phục hồi và tiếp tục các kế hoạch sản xuất.
Ông Nguyễn Anh Ngọc, Phó Giám đốc Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng, chia sẻ rằng dù bão số 3 đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhà máy, nhưng công ty không thay đổi kế hoạch ra mắt sản phẩm ô tô đầu tiên vào cuối năm 2024 và cung cấp ra thị trường vào đầu năm 2025. Sự khôi phục nhanh chóng của các doanh nghiệp lớn nhỏ tại Quảng Ninh đã cho thấy tinh thần quyết tâm vượt qua khó khăn, cùng nhau tái thiết lại nền sản xuất của tỉnh.
Không chỉ Đông Mai, các cụm công nghiệp khác cũng nhanh chóng trở lại guồng quay sản xuất. Theo ông Bùi Xuân Tờ, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh, hiện các cụm công nghiệp gồm Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả), Phương Nam (TP Uông Bí), và Hà Khánh (TP Hạ Long) đã khôi phục hoạt động từ ngày 16/9. Với gần 400 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất thứ cấp tại các cụm công nghiệp này, sự ổn định đã trở lại, giúp duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế địa phương.
Tại Hải Phòng, cơn bão số 3 cũng đã gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, với khoảng 250 doanh nghiệp trong tổng số 589 doanh nghiệp chịu tổn thất.
Tổng thiệt hại ước tính lên đến 1.600 tỷ đồng, với mức thiệt hại từ 30% đến 90% tùy từng doanh nghiệp. Nhà xưởng bị tốc mái, tường đổ, cửa tôn bị lật là những cảnh tượng phổ biến sau bão.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, 100% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Hải Phòng đến nay đã quay lại hoạt động sản xuất, đồng thời phối hợp khắc phục hậu quả.
Ông Pan Xing Hua, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Global Material Handling, chia sẻ rằng sau bão, công ty đã chủ động bắt tay ngay vào việc đánh giá thiệt hại, đồng thời phối hợp với các nhà thầu sửa chữa những phần nhà xưởng bị hư hỏng, đảm bảo công nhân sớm quay lại làm việc.
"Không để gián đoạn nhiệm vụ sản xuất, sau bão tất cả các nhà thầu đã đến hiện trường đánh giá thiệt hại, sau đó đưa ra tiến độ thực hiện khắc phục. Trước đó, chúng tôi cũng đã mua những tấm bạt để che chắn các thiết bị máy móc, kiểm tra điện của thiết bị và tiến hành thổi khô, sấy khô; sau đó mới cấp điện để hoạt động" - ông Hua chia sẻ.
Ông Bruno Jaspert, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, cho biết rằng 90% các công ty tại đây bị ảnh hưởng, trong đó ít nhất 50% chịu tổn thất nặng nề. Một số doanh nghiệp cần đến 1-2 tháng mới có thể khôi phục hoàn toàn. Các doanh nghiệp vừa phải sửa chữa cơ sở vật chất, vừa phải bảo vệ hàng hóa tránh mưa và đối phó với những cơn bão kế tiếp.
Giải pháp hỗ trợ
Tại một số khu công nghiệp trên các tỉnh thành bão số 3 "càn quét", ban quản lý đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục sau bão như việc đề xuất hoãn các đợt thanh tra, kiểm tra, đồng thời yêu cầu các công ty bảo hiểm đẩy nhanh quá trình thẩm định và bồi thường cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, đề xuất Cục Hải quan tạo điều kiện và rút ngắn thời gian thông quan, nhập khẩu các vật tư, vật liệu, thiết bị máy móc để cung cấp cho các doanh nghiệp kịp thời sửa chữa các hạng mục công trình bị ảnh hưởng sau bão.
Một số địa phương cũng đã hoàn tất rà soát, thống kê thiệt hại do cơn bão của các doanh nghiệp, gửi thông tin đến các cơ quan thuế, cùng Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Bảo hiểm Xã hội,… để các cơ quan chức năng kịp thời phối hợp hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn này.
Ngày 15/9 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng...; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí; Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...
Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố góp ý để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về khắc phục hậu quả siêu bão số 3, ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.