Hồi ức thiêng liêng 59 năm Hội Nông dân giải phóng: Vui sao nước mắt lại trào...

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 03/10/2020 06:15 AM (GMT+7)
Sáng 2/10, gần 100 cựu cán bộ Hội Nông dân (ND) giải phóng miền Nam của 21 tỉnh, thành phía Nam tề tựu tham dự cuộc gặp mặt đầy xúc động tại TP HCM.
Bình luận 0

Sự kiện do Trung ương Hội NDVN phối hợp với Thành ủy TP.HCM tổ chức trong chuỗi Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội ND Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020) và 59 năm Ngày thành lập Hội ND giải phóng miền Nam (21/4/1962-21/4/2020).

Tại một góc hội trường mặt, bà Hai Nhuận (Nguyễn Thị Nhuận đến từ tỉnh Tiền Giang) ngồi trầm tư. Thấy tôi tiến lại, bà đưa tay quẹt vội nước mắt. "Từ ngày đất nước hòa bình thống nhất, cho đến nay đây là lần đầu tiên tui gặp lại những đồng chí hồi cùng công tác tại Hội ND giải phóng miền Nam. Rất nhiều cảm xúc, xúc động!"- bà Hai rưng rưng.

Tình đồng chí đi làm công tác Hội ND

Theo bà Hai Nhuận, Hội ND giải phóng miền Nam thành lập 1961, đến ngày đất nước hòa bình (1975) đã hoàn thành sứ mạng, được sắp xếp lại, chỉ còn một bộ phận nhỏ làm nhiệm vụ liên lạc. Tất cả cán bộ hơn 100 người của Hội ND giải phóng miền Nam tại Trung ương Cục miền Nam "ai về nhà nấy". Bà Hai Nhuận cùng chồng-một phóng viên Trung ương Cục miền Nam, về Tiền Giang sống cho đến nay.

Hồi ức thiêng liêng 59 năm Hội Nông dân giải phóng:  Vui sao nước mắt lại trào... - Ảnh 1.

Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia vui cùng các cựu cán bộ Hội Nông dân giải phóng miền Nam tại buổi họp mặt. Ảnh: P.V

Tại buổi họp mặt, bà Hai Nhuận gặp lại ông Bảy Tôn (Nguyễn Văn Tôn, TP.HCM), nguyên Phó Tổng kho A (Ban Nông nghiệp) và ông Năm Bình (Lê Thanh Bình, Cà Mau), nguyên bảo vệ.

Gần nửa thế kỷ gặp lại, cả 3 từ thuở đầu xanh giờ bạc trắng. Họ vồ vập ôn lại kỷ niệm, hỏi han nhau sức khỏe, gia đình… như thể không thăm hỏi không còn cơ hội. "Hồi tui làm văn thư ở Hội ND giải phóng miền Nam ngày nào chẳng gặp anh Bảy Tôn và anh Năm Bình. Mấy ảnh hồi đó đẹp trai, dễ thương lắm, giờ già quá rồi"- bà Hai Nhuận cười vui.

Ông Năm Bình lay vai ông Bảy Tôn: "Anh nhớ tui hông?". Ông Bảy Tôn nhíu mày, nhìn xăm xoi ông Năm Bình, lắc đầu. Tức mình, ông Năm Bình nhắc khéo: "Năm Bình nè, ngày xưa tui chạy vỏ lãi đi mua gạo với anh đó". Nghe xong, ông Bảy Tôn lựng khựng, rồi gật gù.

Ông Năm Bình kể, hồi ở Hội ND giải phóng miền Nam, ông vừa làm bảo vệ vừa làm "đủ việc không tên". Có lần, ông Bảy Tôn nhờ ông Năm Bình cùng đi mua gạo. "Lấy chiếc vỏ lãi hai anh em tui đi mua gạo. Trên đường về, đến khúc sông Vàm Cỏ Đông thì làm chìm xuồng một anh nông dân. Hai anh em tui nhảy xuống sông lóp ngóp cứu anh nông dân rồi nối dây kéo xuồng về nhà ảnh. Về đến nhà ảnh, tui mở thùng gạo thấy chẳng còn hạt nào. Anh Bảy Tôn bảo tui xúc mấy ký gạo tặng ảnh rồi về"- ông Năm Bình thổ lộ.

Câu chuyện 3 người bạn già tạm dừng khi Chủ tịch Trung ương Hội ND Việt Nam Thào Xuân Sùng đến tận chỗ ngồi của ông Bảy Tôn trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giai cấp nông dân. Vì tuổi già, sức yếu ông Bảy Tôn không thể lên khán đài nhận Kỷ niệm chương như những người khác. Nhận Kỷ niệm chương từ tay Chủ tịch Hội ND Việt Nam, ông Bảy Tôn rất xúc động.

Bản anh hùng ca bất diệt

Tại buổi họp mặt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội ND Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh, là tổ chức chính trị của giai cấp nông dân miền Nam, Hội ND giải phóng miền Nam đã không ngừng phát triển tổ chức, cơ sở, kế thừa truyền thống cách mạng của Nông hội đỏ, Hội ND phản đế và Hội ND cứu quốc. Hội đã nêu cao vai trò tiên phong, nồng cốt trong phong trào ở nông thôn, vận động nông dân tích cực thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chương trình hành động cách mạng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trong mọi lĩnh vực, nhất là trong sản xuất và chiến đấu.

Hồi ức thiêng liêng 59 năm Hội Nông dân giải phóng:  Vui sao nước mắt lại trào... - Ảnh 2.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội ND Việt Nam Thào Xuân Sùng phát biểu tại buổi họp mặt cựu cán bộ Hội ND giải phóng miền Nam. Ảnh: P.V

"Dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn của Hội ND giải phóng miền Nam, nông dân miền Nam đã vượt qua khó khăn, gian khổ, bám đất giữ làng, giữ vững sản xuất, thực hiện khẩu hiệu "hầm tốt hơn nhà tốt", "biến nhà thành công sự, biến đồng ruộng thành trận địa"… Đã xuất hiện nhiều gương nông dân chiến đấu dũng cảm, kiên cường giữ đất, giữ rừng"- Chủ tịch Trung ương Hội ND Việt Nam Thào Xuân Sùng chia sẻ.

Đến tham dự buổi họp mặt cựu cán bộ Hội ND giải phóng miền Nam, ôn lại truyền thống vẻ vang của Hội ND giải phóng miền Nam, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng, đó là "Đội quân chủ lực của cách mạng" là "Trụ cột của chính quyền ở nông thôn, là đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân". Vì thế, theo bà Lệ, cần biết ơn và ghi nhớ công lao các cô chú, anh chị cùng với những kỳ tích oanh liệt của giai cấp nông dân Việt Nam, của nông dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP.HCM mãi mãi trường tồn với chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là bản anh hùng ca bất diệt, ngời sáng cho muôn đời con cháu mai sau.

"Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, trân trọng bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc với các thế hệ cán bộ hội, hội viên Hội ND Việt Nam đã có nhiều hy sinh, vượt qua nhiều khó khăn, có công lao đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng tổ quốc, xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân"- bà Nguyễn Thị Lệ phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Lệ cũng không quên nhắn nhủ, nhân cuộc họp mặt trang trọng này, tập thể Hội ND thành phố tích cực vận động nông dân tham gia phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;giáo dục ý chí cách mạng, tình làng nghĩa xóm, ý chí vươn lên của nông dân thành phố. 

Kiến nghị tuyên dương tập thể anh hùng lực lượng vũ trang

Hôm nay, các cựu cán bộ Hội ND giải phóng miền Nam ngồi bên nhau để thăm hỏi, ôn lại kỷ niệm xưa, một thời cống hiến sức mình vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi xin chia sẻ và kiến nghị một điều. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tầng lớp thanh niên nông dân đã ý thức được trách nhiệm, lòng căm thù quân xâm lược, khoác ba lô lên đường tòng quân giết giặc cứu nước, rất xứng đáng là quân đội chủ lực của cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ chống Mỹ, đã có 32 đồng chí cán bộ, chiến sĩ của Hội ND giải phóng miền Nam ờ miền Nam và nhiều đồng chí cán bộ Hội ND các tỉnh phía Nam đã anh dũng hy sinh trên khắp chiến trường. Đặc biệt, tại thành phố này, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã có 4 đồng chí hy sinh, đổ máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tổ quốc, nhân dân, giai cấp nông dân và chúng ta có mặt hôm nay mãi mãi trân trọng và biết ơn các đồng chí đã ngã xuống.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của những đồng chí đã khuất và để giáo dục thế hệ mai sau, chúng tôi đề nghị Trung ương Hội ND Việt Nam đề nghị với Đảng và Nhà nước xem xét tuyên dương tập thể anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ cứu nước cho Hội ND giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ông Phạm Văn Cuộc - Trưởng Ban liên lạc cựu cán bộ Hội ND giải phóng miền Nam

Sát cánh nông dân để hướng dẫn sản xuất sạch

Tôi tham gia cán bộ hội khi mới 19 đôi mươi. Bà con nông dân lúc bấy giờ gọi chúng tôi là "nông hội nghé" vì còn quá trẻ. Nhiệm vụ của tôi lúc bấy giờ là liên lạc giữa tỉnh và địa phương hoặc bám trụ vận động nông dân, thanh niên bị bắt lính… đứng lên phá bỏ kìm kẹp, chống áp bức, tăng gia sản xuất. Gian khổ, hy sinh nhưng rất vui. Năm 1976, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Hội ND giải phóng miền Nam được sắp xếp về Ban Nông nghiệp T.Ư, hoàn thành sứ mạng lịch sử, tôichuyển sang công tác tại Hội đồng nhân dân tỉnh Long An. Tuy nhiên, dù chuyển sang lĩnh vực công tác nào, là cựu cán bộ hội vẫn tự hào đã từng sống, chiến đấu ở căn cứ T.Ư Cục miền Nam, là cán bộ Hội ND giải phóng miền Nam.

Hiện, tôi đặc biệt chú ý đến việc nông sản Việt Nam làm thế đáp ứng thị trường thế giới khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào các định chế kinh tế - thương mại. Mặc dù thời gian gần đây nông sản Việt chú trọng nhiều hơn đến chất lượng, mẫu mã nhưng như thế vẫn chưa đủ. Muốn đưa nông sản ra thế giới buộc phải làm sạch. Tuy nhiên, hiện nông dân mạnh ai nấy làm tiêu chuẩn VietGAP, manh mún. Vì thế, cán bộ hội lúc này phải có trách nhiệm tham gia, hướng dẫn nông dân làm nông sản sạch, có tổ chức, để nông sản đồng nhất chất lượng, quy mô sản lượng.

Ông Lại Văn Thắng - cựu cán bộ Hội ND giải phóng miền Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem