Hôm nay, xét xử giám đốc thẩm vụ "tử tù" Hồ Duy Hải

PV Thứ tư, ngày 06/05/2020 07:24 AM (GMT+7)
Hôm nay (6/5), TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị kết án về 2 tội "Giết người" và "Cướp tài sản", xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An năm 2008.
Bình luận 0

Phiên giám đốc thẩm được mở do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa.

Ngoài các ủy viên của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và đại diện Viện KSND tối cao, TAND tối cao và đại diện các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An, TAND Tối cao đã mời luật sư Trần Hồng Phong tham gia phiên xét xử với tư cách người bào chữa cho Hồ Duy Hải.

img

 Hồ Duy Hải tại toà phúc thẩm. Ảnh: Giao Thông

Theo nội dung vụ án, tối 13/1/2008, 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại dã man tại nơi làm việc.

Tại bản án hình sự sơ thẩm ngày 28/11 - 1/12/2008, TAND tỉnh Long An tuyên phạt Hồ Duy Hải tử hình về tội “Giết người", 5 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung cho cả 2 tội là tử hình.

Trong thời hạn luật định, Hồ Duy Hải kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại Bản án hình sự phúc thẩm ngày 28/4/2009, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với Hồ Duy Hải.

Sau đó, Hồ Duy Hải và bà Nguyễn Thị Loan (mẹ đẻ của bị cáo) có đơn kêu oan; bà Nguyễn Thị Rưởi (dì ruột của Hải) và chị Hồ Thị Thu Thủy (em gái của Hải) có đơn đề nghị hoãn thi hành án đối với Hải.

Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải và yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSNDTC chỉ đạo xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước.

Ngày 4/12/2014, Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Long An ra quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Tiếp đến ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị Viện trưởng VKSNDTC xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải.

Và ngày 4/12/2014, Hội đồng thi hành án tử hình Long An ra quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Ngày 20/1/2015, bà Lê Thị Nga (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) có bản kiến nghị về việc xem xét kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải; ngày 12/2/2018, Ủy ban Tư pháp Quốc hội kiến nghị với Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.

Và ngày 23/7/2018, Văn phòng Chủ tịch nước yêu cầu cầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội có văn bản thể hiện quan điểm, cách giải quyết cụ thể để xử lý dứt điểm vụ án.

Cuối năm 2019, VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử lại, hủy toàn bộ 2 bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND Long An và phúc thẩm năm 2009 của TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội "Giết người", "Cướp tài sản" để điều tra lại, đồng thời tạm đình chỉ thi hành bản án.

VKSND Tối cao cho rằng, tòa hai cấp có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Việc thu thập dấu vết hiện trường, đánh giá các chứng cứ, tài liệu... chưa đầy đủ. Nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn.

Những thiếu sót, vi phạm nêu trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị chứng minh của chứng cứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những căn cứ kết luận hành vi phạm tội của bị cáo.

Theo điều 386 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sau khi chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án.

Các thành viên khác của hội đồng sẽ hỏi thêm về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Trường hợp viện kiểm sát kháng nghị thì kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.

Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án. Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án.

Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước tòa.

Sau đó, các thành viên phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Cuối cùng, Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem