Ngày 27/8/2014, Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức công nhận cặp vợ chồng cụ Cao Viễn -106 tuổi và Vũ Thị Hai - 101 tuổi, ở làng Phượng Lịch (xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, Nghệ An) là cặp vợ chồng cao tuổi nhất châu Á. Sống qua 3 thế kỷ, chứng kiến bao đổi thay thời cuộc, các cụ là những nhân chứng sống của lịch sử. Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi, PV Báo GĐ&XH đã về xứ Nghệ gặp hai cụ, nghe lại câu chuyện cuộc đời xuyên thế kỉ và hơn 100 cái Tết đi qua của cặp “Bách niên giai lão” này.
Kí ức một thời nghèo khó
Lúc chúng tôi đến, hai cụ đã dùng xong bữa sáng, đang ngồi cạnh nhau chăm chú vào màn hình tivi xem chương trình thời sự. Ngôi nhà ngói nhỏ của hai cụ khá khang trang, treo rất nhiều thiệp mừng thọ, trong đó có thiệp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Dù đã “bách niên giai lão” nhưng hai cụ đi lại vẫn rất nhanh nhẹn, cách nói chuyện hài hước, đặc biệt là vẫn giữ được trí nhớ mẫn tiệp. Cụ ông hơi lãng tai, mỗi khi trò chuyện phải nhờ đến máy trợ thính, tuy nhiên, chuyện của cụ hóm hỉnh, chi tiết đến không ngờ.
Chân dung cụ ông và cụ bà cao tuổi nhất châu Á. Ảnh: HTL
Hai cụ đều quê gốc ở huyện Diễn Châu, kết hôn khi ông 23 tuổi, còn bà 18 tuổi. Cưới nhau được 7 tháng, cha mẹ cho hai vợ chồng ra ở riêng với của hồi môn là một đôi quang gánh, 7 đôi đũa, một tấm vải xú (dạng vải thô bố sợi nhỏ) và 7 quan tiền. Năm tháng qua đi, sống trong cảnh nghèo chung thời cuộc nhưng ông bà rất hạnh phúc. Họ sinh được 8 người con (2 người đã mất), đến nay đã có 130 cháu chắt nội ngoại.
Hàng ngày, bà Cao Thị Tứ (71 tuổi), con gái thứ 4 của các cụ ở làng bên đi chợ mua thức ăn mang qua cho bố mẹ. Đích thân cụ ông sẽ vào bếp chế biến, nấu nướng... Con gái của hai cụ chia sẻ, cụ bà giờ sức yếu, mỗi bữa chỉ ăn được vài thìa cơm hoặc bát cháo loãng, tuy nhiên cụ ông thì vẫn đều đặn ngày ba bữa với hai lưng bát cơm. “Thường thì buổi sáng các cụ sẽ ăn vài miếng bánh mướt (bánh cuốn), buổi trưa các cụ ăn cơm hoặc cháo, chiều ăn cơm. Ngoài món rau “nhặt” trong vườn thì bữa ăn không bao giờ thiếu cá kho mặn - món các cụ vẫn ăn từ bao năm qua”, bà Tứ kể.
Thiệp mừng thọ do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi mừng cụ bà Vũ Thị Hai tròn 100 tuổi. Ảnh: HTL
Trò chuyện với PV, cụ Vũ Thị Hai kể, cụ ông là con út trong gia đình 3 anh em còn cụ bà là chị gái thứ 2 trong gia đình có 7 anh chị em. Ngày xưa cha mẹ đều làm nông lại sinh nhiều con nên lúc nào cũng thiếu ăn thiếu mặc. Bữa ăn hàng ngày chủ yếu là cám lợn nấu với rau má, hôm nào có giỗ chạp, cưới hỏi thì mới có nắm xôi miếng thịt. Quần áo cũng chủ yếu là vải xúc hoặc vải xú, do mẹ mua sợi về tự dệt thành vải rồi nhuộm nâu. Dù nhà nghèo khó nhưng cha mẹ vẫn cố gắng cho các con ăn học, ai cũng biết chữ, biết đạo lý Thánh hiền.
Cụ Cao Viễn chia sẻ, ngày xưa gia đình làm nông, quanh năm toàn đói ăn thiếu mặc nên ai cũng mong đến Tết. Người xứ Nghệ xưa có thói quen, bình thường thiếu thốn, kham khổ mấy cũng chịu được nhưng ba ngày Tết thì kiểu gì cũng phải có được đôi ba cặp bánh chưng, dăm ba cân thịt lợn và nồi cá kho mặn.
“Thời chúng tôi còn bé, mỗi dịp Tết đến, dăm ba gia đình thân thiết trong làng lại chung nhau ngả một con lợn, người ta gọi là “ăn đụng”. Không khí làng trên xóm dưới, nhà nhỏ, nhà to tổ chức “ăn đụng” rộn ràng lắm. Chỗ nào cũng nghe tiếng dao thớt băm băm, chặt chặt. “Ăn đụng” vì đó cũng trở thành một nét đẹp trong văn hóa ở mỗi làng quê dịp Tết đến xuân về”, cụ Viễn bồi hồi.
Khi có thịt lợn, điều đầu tiên mà các gia đình nghĩ đến đó là gói bánh chưng. Từ khi còn bé, ba anh em cụ Viễn đã được cha hướng dẫn rửa lá, chẻ giang (chẻ lạt), vo nếp và gói bánh. Thường thì vào 27 hoặc 28 tháng Chạp là các gia đình trong làng đã gói xong bánh cho vào nồi luộc, sáng 29 hoặc 30 Tết có bánh dâng cúng tổ tiên. Ngoài 2 món bánh chưng và thịt lợn đón Tết, nhiều gia đình vùng Diễn Châu xưa không thể thiếu nồi cá kho mặn. Cá thường là cá thửng, cắt hết đầu đuôi, chỉ còn phần thân, đem ướp với muối hạt, mật mía rồi bỏ vào nồi đất kho thật kỹ.
Hai cái Tết đau buồn vì tưởng con đã hy sinh
Khi đã có gia đình riêng, cụ Viễn vẫn duy trì thói quen đón Tết theo nếp xưa. Nhưng nếu hồi còn nhỏ cụ rất mong đến Tết thì khi đã làm cha, cụ lại rất… sợ Tết. Sợ vì càng đến Tết càng phải làm việc vất vả hơn, lo lắng nhiều hơn. Cụ Viễn còn nhớ, những năm chiến tranh, nhà chỉ được 3 sào ruộng, cụ bà phải bỏ cả đàn con cho cụ ông chăm sóc, một mình đi lên nông trường Con Cuông (cách Diễn Châu hơn 100km) làm thuê, mót ngô. Cứ một phơi (tức 7 ngày) cụ bà lại mang tiền và mất 2 ngày đi bộ để gánh về 30kg ngô. “Về nhà được vài ngày với chồng con, bà lại vượt hàng trăm cây số đi bộ lên nông trường làm thuê tiếp. Rồi đến gần Tết, bà lại gánh ngô về, một nửa cho các con ăn, một nửa đổi cho người ta để “ăn đụng” thịt, mua bán đồ lễ cúng Tết”, cụ ông nhớ lại.
Trong 106 cái Tết trôi qua, cụ Cao Viễn vẫn nhớ như in mấy cái Tết đặc biệt nhất cuộc đời mình, đó là tết Quý Tỵ (1953), Mậu Thân (1968), Quý Sửu (1973) và Mậu Tý (2008).
“Năm 1953, khi cả gia đình đang quây quần bên mâm cơm chiều 30 Tết thì giặc Pháp đổ về làng. Vừa nghe tiếng kẻng báo động, cả nhà đành bỏ dở bát cơm, cầm cào, cuốc, xẻng, liềm... cùng dân làng chặn giặc. Ngăn được giặc không vào làng xong trở về thì mâm cơm đã nguội tanh, mọi người đành phải ăn vội để chuẩn bị làm cỗ cúng Giao thừa”, cụ Viễn kể.
Cái Tết năm Mậu Thân (1968) là cái Tết đau buồn nhất. Tháng Chạp năm ấy, khi đang háo hức chuẩn bị đón Tết thì gia đình cụ nhận được tin ông Cao Văn Đại, con trai thứ 3 đã hy sinh. “Gia đình đau đớn khôn nguôi, chẳng thiết tha gì đến Tết. Năm đó, ngoài mâm ngũ quả, đôi cặp bánh chưng họ hàng mang biếu, chúng tôi không sắm sửa gì. Không khí gia đình 3 ngày Tết chìm trong nước mắt. Dù sau này chúng tôi mới biết tin Đại hy sinh chỉ là tin đồn, nhưng năm đó coi như không có Tết”, cụ bà kể.
Năm 1973, khi gia đình đang tất bật dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết thì hay tin con trai cả của hai cụ hy sinh. Tin báo về, cụ bà ngất lên ngất xuống, cụ ông chán nản, đau đớn. Các con vừa phải chăm sóc bố mẹ, vừa chuẩn bị thủ tục làm lễ truy điệu anh trai. Rất may, đến gần Rằm tháng Giêng, các cụ lại nhận được thư của con trai cả báo tin vẫn mạnh khỏe. “Chúng tôi chọn ngày Rằm tháng Giêng vừa để cáo yết tổ tiên vừa để… ăn Tết muộn cho đại gia đình”, cụ Viễn hồi tưởng.
Cái Tết lớn nhất trong cuộc đời của hai cụ là cái Tết cách đây 6 năm, khi cụ ông vừa tròn 100 tuổi. Gần 130 con, cháu, dâu rể, chắt, chút... từ khắp mọi miền cùng tập trung về nhà tổ chức “yến lão” mừng cha, ông, cụ, kỵ của mình bước vào tuổi bách niên. Không chỉ có những người thân trong gia đình mà còn có cả đại diện chính quyền địa phương, bà con xóm giềng đến chia vui.
Hỏi cụ ông bí quyết trường thọ, cụ cười nhân từ, rồi đọc mấy câu thơ: “Thiên thời địa lợi nhân hòa/ Ở đời giữ lấy thật thà là xuân/ Chớ ham mấy của phù vân/ Tự mình lao động mang vinh cho đời”. Theo cụ Viễn, con người được sinh ra là do song thân phụ mẫu, tuổi tác do trời đất ban cho, cuộc đời sướng - khổ do số phận sắp đặt... Nhưng đức độ chính mình tự tạo nên từ nết ăn nết ở. Sống lạc quan chỉ một phần nhưng sống sao để hàng xóm láng giềng thương quý mới là điều quan trọng.
Đình Chung (Gia đình & Xã hội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.