Hơn 100.000 học sinh tiểu học “lưu ban”: Bình thường hay bất thường?

Tào Nga Thứ sáu, ngày 28/07/2023 10:09 AM (GMT+7)
Hơn 100.000 học sinh tiểu học cả nước chưa hoàn thành chương trình lớp học năm 2022-2023. Dư luận đặt câu hỏi đây là bình thường hay bất thường khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới được đưa vào thực hiện 3 năm nay?
Bình luận 0

1,14% học sinh chưa hoàn thành chương trình học

Theo báo cáo tổng kết năm học 2022-2023 của Bộ GDĐT, năm học vừa qua, cả nước có 105.734 trên tổng số hơn 9,2 triệu học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học, chiếm tỷ lệ 1,14%. Trong đó, riêng lớp 1 có 52.456 học sinh xếp loại chưa hoàn thành. Con số này chiếm tỷ lệ 2,9% trên tổng số 1.763.961 học sinh lớp 1 của cả nước.

Con số đánh giá chất lượng dạy học ở bậc tiểu học nói chung và lớp 1 nói riêng không khác biệt so với các năm. Học sinh lớp 1 "chưa hoàn thành" nhiều nhất, sau đó lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5 giảm dần.

Lý do học sinh lớp 1 chưa hoàn thành nhiều nhất vì đây là năm đầu tiên của bậc học với nhiều yêu cầu về kỹ năng cần đạt, năng lực cần đạt cũng như tạo nền tảng vững chắc để học sinh thuận lợi học các năm tiếp theo.

Báo cáo cũng nhận định "cách đánh giá mới phản ánh thực chất chất lượng giáo dục trên bình diện toàn quốc". Cũng theo báo cáo, trong 52.456 học sinh chưa hoàn thành lớp 1 có 16.215 là học sinh dân tộc thiểu số, 440 học sinh học lớp ghép (dành cho trẻ lang thang cơ nhỡ) và 3.624 học sinh khuyết tật. Theo Bộ GDĐT, các năm trước tỷ lệ học sinh "chưa hoàn thành" lớp học cao hơn do điều kiện học tập trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn hơn.

Hơn 100.000 học sinh tiểu học “lưu ban”: Bình thường hay bất thường? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 tại một trường trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Chia sẻ với PV, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GDĐT lý giải: "Quan điểm của Bộ GDĐT là quản lý chặt chẽ khối lớp đầu tiên của cấp học vì nếu lỏng lẻo sẽ tạo khoảng trống dẫn đến nguy cơ không thể khắc phục được về sau, trong đó có nguy cơ tái mù chữ và ngồi nhầm lớp.

Theo báo cáo tổng kết năm học 2022-2023 của Bộ GDĐT:

Cả nước có 105.734/9,2 triệu học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học. Trong đó, lớp 1 có 52.456 học sinh xếp loại chưa hoàn thành, chiếm 2,9% trên tổng số 1.763.961 học sinh lớp 1 của cả nước.

Thứ hai là, trước thềm năm học vừa qua, kết quả khảo sát cho thấy có khoảng 2% trẻ 5 tuổi chưa được đi học mầm non, chủ yếu là trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, kết hợp với ảnh hưởng của dịch bệnh. Không được học mẫu giáo, vào lớp 1 trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Con số hơn 52.000 em xếp loại thấp ở lớp 1 năm qua tương đương với con số khoảng 2% trẻ chưa được ra lớp mẫu giáo.

Năm học 2022-2023 cũng là năm đầu tiên học sinh toàn quốc được đi học trực tiếp trọn vẹn sau dịch Covid-19, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nói chung so với thời điểm trước khi có dịch bệnh xảy ra".

Cũng theo ông Tài, 105.700 học sinh "chưa hoàn thành" là chưa hoàn thành chương trình lớp học tương ứng, không phải là số học sinh không hoàn thành chương trình tiểu học 5 năm. Đối với học sinh "chưa hoàn thành", các nhà trường sẽ phải có kế hoạch dạy bù những phần kiến thức, nội dung các em chưa hoàn thành để học sinh đạt được các mục tiêu cần đạt. Việc này nhằm đảo bảo quyền lợi của học sinh, tránh trường hợp học sinh ngồi nhầm lớp, không ảnh hưởng hay mâu thuẫn với chính sách phổ cập giáo dục tiểu học.

Trong số các học sinh "chưa hoàn thành" lớp 1, mỗi em chưa đạt ở một số nội dung, hoạt động khác nhau. Các em khuyết thiếu ở nội dung, hoạt động nào, giáo viên các trường sẽ tăng cường bù đắp cho học sinh ở nội dung đó. Thực tế những năm trước việc này đã được thực hiện và mang lại hiệu quả. Cũng trên thực tế không phải tất cả học sinh sau khi được bồi dưỡng sẽ được lên lớp, sẽ có trường hợp học sinh ở lại lớp nhưng không phải con số hơn 52.000 em.

Chương trình, sách giáo khoa không có lỗi?

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 triển khai chương trình sách giáo khoa mới dành cho lớp 1, 2, 3. Dư luận lo ngại con số hơn 100.000 học sinh chưa hoàn thành trên là "sản phẩm" của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trước băn khoăn này, Vụ trưởng Vụ Tiểu học khẳng định: "Con số hàng chục nghìn học sinh đánh giá, xếp loại "chưa hoàn thành" cuối năm học không xuất phát từ chương trình, sách giáo khoa.

Ông Tài lý giải, khi thiết kế, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục rất quan tâm tới đối tượng học sinh lớp 1 để có những điều chỉnh phù hợp. Ví dụ, môn Tiếng Việt đã được điều chỉnh tăng từ 350 tiết/năm học lên thành 420 tiết/năm học nhưng nội dung kiến thức không tăng. Nghĩa là vẫn chừng đó chữ cái, âm vần nhưng tăng thời gian thực hành để học sinh thuận lợi hơn khi nắm được kiến thức.

"Bộ GDĐT rất mong các địa phương tạo điều kiện, vượt khó để tất cả học sinh trong độ tuổi 5-6, nhất là trẻ vùng sâu vùng xa tiếp cận được chương trình mầm non. Thực tế hiện nay còn có khoảng 2% trẻ 5 tuổi chưa được ra lớp ở bậc mầm non là rất khó khăn cho các em khi vào lớp 1", ông Thái Văn Tài nói.

Ngược lại, chương trình, sách giáo khoa mới điều chỉnh môn học, điều chỉnh phương pháp, tăng tính thực hành, qua đó giúp việc học tập nhẹ nhàng, dễ đạt mục tiêu cần đạt hơn so với chương trình hiện hành.

"Bộ GDĐT rất mong các địa phương tạo điều kiện, vượt khó để tất cả học sinh trong độ tuổi 5-6, nhất là trẻ vùng sâu vùng xa tiếp cận được chương trình mầm non. Thực tế hiện nay còn có khoảng 2% trẻ 5 tuổi chưa được ra lớp ở bậc mầm non là rất khó khăn cho các em khi vào lớp 1.

Bộ GDĐT cũng đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư về dạy học Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Theo đó, sẽ có những nội dung bù đắp kiến thức, kết nối chương trình giáo dục mầm non với bậc tiểu học và nhiệm vụ này được các trường tiểu học thực hiện tại trường trước khi bước vào khai giảng năm học mới.

Ngoài ra, tôi cũng cho rằng, việc tiếp tục tăng cường giám sát thực chất chất lượng dạy học vẫn là giải pháp cần làm. Không vì thành tích mà thiếu chặt chẽ trong đánh giá, giám sát chất lượng", Vụ trưởng Vụ Tiểu học nói.

Cần phải nhìn thẳng vào thực trạng

"Trên quan điểm cá nhân của tôi, những con số được thống kê không phải bất thường vì chiếm tỉ lệ nhiều mà là chúng chưa phản ánh đúng thực tế đang diễn ra hiện nay. Nếu chúng ta đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá phản ánh đúng năng lực của học sinh thì các con số trên sẽ còn lớn hơn nhiều. Với sự khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạ tầng; sự thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng giảng dạy của giáo viên như hiện nay đã dẫn đến nhiều học sinh chưa hoàn thành chương trình. Bên cạnh lý do về những thiệt thòi của học sinh dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa và những hệ quả tác động sau dịch Covid-19, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thực trạng của vấn đề và tìm ra giải pháp".

Thầy Nguyễn Duy Khánh, nguyên giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ

Thực tế còn nhiều hơn

"Tôi vẫn cho rằng, trẻ con không nên đánh giá đạt hay không đạt và cũng không nên so học sinh này với học sinh khác. Có em thông minh hơn, nhanh hơn thì hoàn thành tốt chương trình, còn với bạn học kém thì phải các nhân hóa từng học sinh. Tiểu học là cấp vô cùng quan trọng, vì vậy giáo viên cần phải giúp các em hoàn thành chương trình thì thôi.

Nếu một năm học với hơn 1% học sinh chưa hoàn thành chương trình thì không phải nhiều vì thực tế còn hơn thế. Con số này mới chỉ là thầy cô đưa lên báo cáo. Nhiều vùng sâu xa, miền núi có khi nửa lớp chưa đọc, cộng trừ thành thạo".

Cô Bùi Thị Hường, nguyên giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

Giáo dục không nên chạy theo thành tích

Theo PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT: "Đối với một cấp học, tỉ lệ 1,14% học sinh không hoàn thành là chuyện bình thường. Không phải tất cả các em đi học đều hoàn thành chương trình. Trong tỉ lệ đó phải xem xét vùng nào, nếu ở vùng miền núi khó khăn thì con số đó dễ hiểu. Nhiệm vụ của chúng ta là phải có biện pháp cho số học sinh này đạt được yêu cầu chủ trương phổ cập tiểu học.

Các trường có những em "chưa hoàn thành" phải tổ chức bồi dưỡng thêm cho các em những môn còn thiếu hụt đó và đánh giá lại. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần tìm hiểu sâu về điều kiện gia đình, động viên, hỗ trợ kịp thời để các em được học tập".

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cũng nêu quan điểm: "Chúng ta cần thống kê cả quá trình. Tỉ lệ học sinh "hoàn thành" được hơn 99% như vậy là… quá giỏi. Chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng con số này có đúng không vì nếu đạt được ngay trong giai đoạn đầu đổi mới như thế cần suy nghĩ. Liệu có bệnh thành tích ở các địa phương không?

Trong giáo dục, tôi quan sát trình độ học sinh chung tất cả các cấp học chỉ khoảng 80-85%. Nếu cao quá phải xem lại việc chấm điểm, đánh giá đã chính xác chưa. Giáo viên có phải do động cơ đạt danh hiệu nào đó để nâng điểm lên cho các em không. Nhà giáo là người cầm cân nảy mực, đánh giá chất lượng học tập cho xã hội. Do vậy lương tâm nhà giáo phải có trách nhiệm với xã hội.

Mặt khác, giáo viên dạy học cũng cần bằng cái tâm. Nhà giáo lười biếng, để xảy ra tình trạng học sinh "chưa hoàn thành" cũng cần phải xem xét lại cách dạy của mình".

Trước những khó khăn của ngành trong năm học qua, trong năm học tới Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: "Năm học 2023-2024 là năm ý nghĩa, quan trọng trong tiến trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi vừa nhìn lại kết quả 3 năm thực hiện chương trình mới vừa tiếp tục triển khai các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị các điều kiện triển khai các lớp cuối cùng. Đây được xem là đoạn bứt tốc để chuẩn bị cho giai đoạn cuối của quá trình triển khai Chương trình.

Năm khởi động có cái khó riêng, năm tăng tốc có cái khó riêng, năm gói lại có cái khó riêng. Chúng ta đang đứng trước năm học với khối lượng công việc nhiều nhất trong toàn bộ chu trình đổi mới. Chúng ta đã tích luỹ được một số năm, đã nhìn thấy ưu điểm, khuyết điểm để rút kinh nghiệm, nếu năm nay không vượt qua được, khuyết điểm sẽ vẫn còn nguyên, khó khăn sẽ tích thêm và ảnh hưởng tới cả quá trình đổi mới giáo dục phổ thông".

Với những học sinh chưa hoàn thành chương trình, các nhà trường và giáo viên cần có các biện pháp, giải pháp để trang bị đầy đủ cho các bạn về kiến thức và kỹ năng chứ không chỉ dạy qua loa vài buổi đối phó, hay nhẹ tay đánh giá để các bạn qua môn. Hơn thế nữa, chúng ta cần tránh bệnh thành tích khi xét thi đua để các nhà trường, các thầy cô hoàn toàn công tâm, công bằng và nghiêm túc kiếm tra, đánh giá để phản ánh chính xác năng lực của học sinh. Cha mẹ học sinh cũng cần nắm bắt được năng lực thực sự của con mình để phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục để các con nhận thức được năng lực của bản thân, có mục tiêu cụ thể và nghiêm túc trong học tập và rèn luyện.

Thanh Nga (ghi)



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem