Hơn 16.000ha lúa lép: Cục vẫn khuyến cáo dùng giống BC 15

Thứ sáu, ngày 24/05/2013 08:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vì sao trong khi vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hơn 16.000ha diện tích lúa có sử dụng giống BC 15 bị lép hạt, thì Cục Trồng trọt lại khuyến cáo các địa phương có thể bố trí giống này vào vụ mùa tới?
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), nói: "Chúng tôi khuyến cáo như vậy, còn việc có sử dụng hay không là do người nông dân lựa chọn. Nếu không dùng giống này, họ có thể thay thế bằng giống khác".

img
Nông dân Nghệ An mất mùa vì nhiều diện tích lúa BC15 không có hạt.

Mặc dù Cục xác nhận nguyên nhân ban đầu là do thời tiết, song Sở NNPTNT Vĩnh Phúc lại cho rằng do giống. Hơn nữa, khung thời vụ ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ khác nhau, nên thời điểm trỗ cũng khác nhau, còn thời gian rét thì giống nhau, vậy tại sao chúng ta lại đổ lỗi hết do thời tiết được?

- Trước ý kiến của tỉnh Vĩnh Phúc, Cục đã giao cho Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng quốc gia, Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình và Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra lại. Nếu cần thiết thì tiến hành khảo nghiệm để xem có thêm nguyên nhân do chất lượng giống hay không. Còn trước mắt, chúng tôi vẫn xác định nguyên nhân đầu tiên là do thời tiết.

Thêm Hải Dương bị thiệt hại

Số liệu mới nhất của Cục Trồng trọt cho biết, đã có 2 huyện ở Hải Dương có cấy giống BC 15 với 1.100ha bị lép hạt. Như vậy, tổng số diện tích lúa BC 15 bị thiệt hại tới nay đã tăng lên trên 16.000ha.

Có ý kiến cho rằng, giống lúa này tuy có năng suất cao, phẩm chất tốt, nhưng lại dễ mắc bệnh đạo ôn và bị thiếu gen kháng đạo ôn, nên mới dẫn đến hiện tượng lép hàng loạt, chứ không thể đổ lỗi hết do thời tiết được?

- Đạo ôn có 2 dạng là đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông. Đạo ôn lá làm cho cây lúa lụi đi, không sinh trưởng phát triển được, thì chẳng bao giờ có bông trỗ. Nếu phòng trừ tốt, cây lúa sẽ phục hồi sau đạo ôn lá và vẫn có thể cho phát triển sinh trưởng bình thường. Còn đạo ôn cổ bông là gây hại cổ bông, làm cho bông lúa bị khô héo, lép. Theo tôi, 2 nguyên nhân, biểu hiện không liên quan trong trường hợp BC 15 lép hạt.

Thực tế cho thấy, BC 15 mẫn cảm với thời tiết cả nóng và lạnh và hay bị đạo ôn, Cục Trồng trọt có đưa ra khuyến cáo gì cho vụ mùa tới?

- Thực ra, mẫn cảm với nhiệt độ thấp đã được kiểm chứng và được kết luận rõ ràng. Còn có ý kiến cho rằng, BC 15 còn mẫn cảm với cả nhiệt độ cao cần theo dõi thêm. Bản chất giống này được chọn ra từ giống IR 17494 và trong thực tiễn cũng chưa có ai nhận xét, đánh giá tính chịu nóng. Do đó, việc mẫn cảm với thời tiết nóng cần được kiểm chứng thêm.

Trong thực tiễn nhiều năm qua, các địa phương đều xếp BC 15 là giống chủ lực của vụ mùa, cho năng suất cao, gạo thơm ngon. Cho nên, về phía Cục Trồng trọt cho rằng, chúng tôi cho rằng vẫn hoàn toàn có thể bố trí giống này cho vụ hè thu và vụ mùa.

Tức là Cục vẫn đưa ra khuyến cáo gieo cấy giống BC 15 trong vụ hè thu và mùa tới. Vậy trong trường hợp lúa tiếp tục bị lép hạt như vụ đông xuân này, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

- Bất cứ một giống nào, ngay cả trong vụ mùa này, nếu gặp thời tiết quá bất thuận, chúng ta phải chấp nhận. Bởi sản xuất ngoài đồng ruộng hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của thời tiết, không thể điều chỉnh được.

Căn cứ vào thời điểm, thời gian sinh trưởng của giống để chúng ta bố trí thời điểm gieo cấy như thế nào, chăm sóc ra sao, cấy ở chân đất nào để cây lúa phát triển thuận lợi, tránh được rủi ro có thể xảy ra. Sản xuất trồng trọt là nền sản xuất phụ thuộc vào thời tiết, phải chấp nhận rủi ro. Trách nhiệm của chúng ta là phải đưa ra phương án tránh được rủi ro nhất.

Về phía Cục, chúng tôi dựa trên đặc tính của giống, dựa trên điều kiện cụ thể của vụ hè thu và vụ mùa trên cơ sở tổng kết nhiều năm để đưa ra định hướng sử dụng.

Như Cục Trồng trọt đã nói, sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất hỗ trợ cho người nông dân có diện tích lúa bị lép hạt. Việc hỗ trợ này sẽ được thực hiện ra sao?

- Trước hết, cần xác định nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là do diễn biến bất thường của thời tiết. Do đó, Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho nông dân. Như vậy, người nông dân sẽ phải chịu sự thiệt thòi, còn nếu xác định là đền bù thì lại khác. Chủ trương của chúng tôi là đề xuất hỗ trợ nông dân khắc phục, giảm bớt thiệt hại trong bối cảnh hiện nay, áp dụng theo Nghị định 42 và Quyết định 142 của Thủ tướng, người dân có thể được hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Ngoài ra, một số tỉnh cũng đã có ý kiến đề xuất hỗ trợ cứu đói, giáp hạt, vì sẽ có nhiều hộ bị thiếu gạo ăn.

Riêng đối với doanh nghiệp, hiện Cục đã có đề nghị triển khai sớm hỗ trợ đối với nông dân ở các nơi bị thiệt hại, hình thức hỗ trợ có thể bằng giống để nông dân gieo cấy trong vụ tới.

Xin cảm ơn ông!

PGS-TS Tạ Minh Sơn - nguyên quyền Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp VN: Cấy BC 15 ở vụ mùa có thể rủi ro

BC 15 là giống lúa không ổn định, bền vững với bệnh đạo ôn, mà bệnh đạo ôn thường hay xảy ra trong vụ mùa, nên nếu cấy trong vụ mùa, có thể được ăn, có thể mất ăn. Đặc biệt, BC 15 cũng mẫn cảm với thời tiết nóng, không chống được đạo ôn, bạc lá, rầy nâu được tý nào, khả năng nhiễm bệnh bạc lá trong vụ mùa là rất cao. Do vậy, nếu chấp nhận rủi ro, thì bà con cứ làm, bởi nếu được thì năng suất sẽ rất cao, ngược lại sẽ mất ăn như vụ đông xuân này.

Ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc: Sẽ không bố trí BC 15 vào vụ mùa

BC 15 là giống có vòi nhụy rất dài, do đó khi thụ tinh, khả năng phân ly là rất lớn, cao hơn các giống khác. Trong quá trình ra đồng kiểm tra, nhiều nông dân đã khóc với chúng tôi vì bị mất mùa. Do vậy, trong vụ mùa tới Vĩnh Phúc sẽ không bố trí BC 15 vào sản xuất, bởi ngoài lý do bị lép hạt như hiện nay, giống này còn có thời gian sinh trưởng dài hơn, không thích hợp với những chân đất 3 vụ.

Lê Hân (ghi)

Đề xuất hỗ trợ bằng tiền cho nông dân

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp vẫn được mùa và không có giống nào bị mất mùa như BC15, qua đó cần phải kết luận và có sự chỉ đạo sát thực tiễn như sau:

- Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra, đánh giá trung thực thiệt hại để có biện pháp chỉ đạo kiên quyết, tránh để lặp lại tình trạng này.

- Đối với cơ quan quản lý địa phương: Yêu cầu phải bố trí cơ cấu giống hợp lý, không nên quá tập trung vào một giống để phân tán rủi ro và đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái.

- Đối với doanh nghiệp khi quảng bá và truyền thông sản phẩm giống phải trung thực và đúng mức.

Việc khắc phục hậu quả giống BC15 hiện nay là rất nặng nề; cần có sự chia sẻ của cả Nhà nước, doanh nghiệp với nông dân, vì đây là điều không ai mong muốn. Trước mắt, cần yêu cầu doanh nghiệp phải chủ động có phương án chia sẻ cho nông dân vùng thiệt hại, mà phải hỗ trợ bằng tiền, có tiền nông dân sẽ mua được giống, được vật tư và gạo với giá rẻ nhất.

Đặc biệt, việc hỗ trợ bằng giống chỉ có ý nghĩa khi công ty cho không. Chỉ cần doanh nghiệp chia sẻ cho bà con nông dân 50% lợi nhuận của mình, sẽ giảm bớt khó khăn cho nông dân.

(Một chuyên gia thuộc Bộ NNPTNT)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem