Thủ tướng: Nếu có tư duy đúng, cách tiếp cận mới, Bắc Kạn sẽ phát triển hơn nữa
Thủ tướng Chính phủ: Nếu có tư duy đúng, cách tiếp cận mới, Bắc Kạn sẽ phát triển hơn nữa
Chiến Hoàng - Linh Văn
Chủ nhật, ngày 16/07/2023 17:43 PM (GMT+7)
"Bắc Kạn khó khăn nhiều nhưng thuận lợi cũng không ít, vấn đề là tư duy phát triển như thế nào. Nếu có tư duy đúng, cách tiếp cận mới, tôi tin rằng Bắc Kạn sẽ sớm đạt được nhiều kết quả tốt hơn nữa. Do vậy, tỉnh Bắc Kạn phải chủ động, tự lực tự cường và tự tin vươn lên", Thủ tướng chia sẻ.
Ngày 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn nhiều khó khăn
Tại buổi làm việc, báo cáo Thủ tướng và Đoàn công tác, ông Nguyễn Đăng Bình - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, sau 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, tỉnh Bắc Kạn đã đạt nhiều kết quả tích cực, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 năm 2021-2022 đạt 5,02%; 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 5,7%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2022 đạt 46,3 triệu đồng, tăng hơn 5 triệu đồng so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ - du lịch.
Nông, lâm nghiệp phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước và đạt trên 73%. Sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ của tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển.
Kết quả thu ngân sách Nhà nước hằng năm đều vượt dự toán giao. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 tăng 11 bậc, đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố; đến năm 2022 tăng 13 bậc, đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố. Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được chú trọng.
Công tác giáo dục và đào tạo, y tế được triển khai hiệu quả. Các chương trình an sinh xã hội được triển khai đồng bộ. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo còn 24,7%. Công tác quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bắc Kạn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về kết cấu hạ tầng, mạng lưới giao thông. Nhiều thôn bản và số hộ dân chưa có điện lưới Quốc gia. Việc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia còn chậm. Số hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, tỉnh Bắc Kạn cũng đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng và các Bộ, ngành trung ương, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm, đó là đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là dự án liên vùng xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang; dự án đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn và đầu tư các tuyến đường lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng trong giai đoạn 2024 – 2025; sớm quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ từ nguồn vốn trung ương cho tỉnh để đầu tư cấp điện cho hơn 3.200 hộ của 117 thôn bản chưa có điện lưới Quốc gia; kiến nghị Thủ tướng xem xét các cơ chế, chính sách liên quan đến rừng; phát triển khu công nghiệp và thu hút đầu tư ngoài ngân sách.
Bắc Kạn cần phát triển dựa vào tiềm năng thế mạnh nổi trội
Cũng tại buổi làm việc, các Bộ trưởng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đã có nhiều ý kiến đóng góp, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Bắc Kạn.
Chia sẻ với những khó khăn của Bắc Kạn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, tỉnh Bắc Kạn có những bất lợi về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng có nhiều tiềm năng về rừng và hồ Ba Bể. Vì vậy nếu Bắc Kạn khơi dậy, phát huy hết những tiềm năng thế mạnh này, thì đây cũng là cơ hội rất tốt để tỉnh bứt phá đi lên.
Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Nguyễn Văn Thắng đồng tình với quan điểm cần tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối kinh tế vùng cho tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh lân cận. Hiện nay, về giao thông Bắc Kạn vẫn chỉ có duy nhất đường bộ, và các tuyến đường bộ vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra cũng có thêm nhiều ý kiến của các bộ trưởng, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương góp ý, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Bắc Kạn như: Định hướng phát triển nông lâm nghiệp, các sản phẩm OCOP; Quy hoạch lại hạ tầng giáo dục đi đôi với việc sắp xếp lại hệ thống trường nội trú, bán trú, trường phổ thông, đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đầu tư phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp; thu hút đầu tư ngoài ngân sách.
Kịp thời tháo dỡ những khó khăn, vướng mắc để Bắc Kạn phát triển
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao lãnh đạo các Bộ, ngành đã sâu sát cơ sở, trăn trở, dành nhiều tâm huyết, giải pháp cho Bắc Kạn. Đồng thời biểu dương tỉnh Bắc Kạn đã đạt nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2023.
Theo Thủ tướng, với địa hình phức tạp, dân cư ít và phân tán, gần 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, hệ thống điện, đường giao thông còn nhiều hạn chế...
"Bắc Kạn khó khăn nhiều nhưng thuận lợi cũng không ít, vấn đề là tư duy phát triển như thế nào. Nếu có tư duy đúng, cách tiếp cận mới, tôi tin rằng Bắc Kạn sẽ sớm đạt được nhiều kết quả tốt hơn nữa. Do vậy, tỉnh Bắc Kạn phải chủ động, tự lực tự cường và tự tin vươn lên", Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, khi hạ tầng và các điều kiện chưa đủ để phát triển khu công nghiệp, tỉnh nên quy hoạch điểm, cụm công nghiệp. Tiếp tục làm tốt công tác cải cách hành chính, tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, tài nguyên môi trường. Về các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ tiếp tục xem xét, giải quyết theo hướng tạo điều kiện nhất cho Bắc Kạn kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề là tư duy, cách làm, cách tiếp cận giải quyết. Bắc Kạn hội tu 3 trụ cột quan trọng để phát triển đó là con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa.
Thủ tướng lạc quan và tin tưởng Bắc Kạn sẽ phát triển mạnh trong thời gian từ 5 đến 10 năm tới; để thực hiện được thắng lợi các mục tiêu đề ra, Bắc Kạn cần phát triển dựa vào tiềm năng thế mạnh nổi trội, hóa giải được những khó khăn vướng mắc, đi lên bằng ý chí tự cường, bàn tay khối óc, miền đất vùng trời của mình; gắn phát triển văn hóa với kinh tế, những lợi thế khác biệt của địa phương.
Khẩn trương cấp điện cho hơn 3.200 hộ dân ở Bắc Kạn
Tại cuộc họp, đối với dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) do UBND tỉnh Bắc Kạn làm chủ đầu tư, đoạn Thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể đang nỗ lực hoàn thành trong năm 2023, Thủ tướng đồng ý về chủ trương sử dụng ngân sách Trung ương và giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, hướng dẫn 2 tỉnh triển khai thực hiện; báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GTVT đẩy nhanh các thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự án đường cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn, khởi công trong quý I/2024 và phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Về dự án đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng (theo quy hoạch được đầu tư sau năm 2030), Thủ tướng giao UBND tỉnh Bắc Kạn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và UBND tỉnh Cao Bằng nghiên cứu, lập dự án cụ thể. Trong đó đề xuất cơ quan chủ quản, hình thức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và thời điểm đầu tư phù hợp; báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Về hỗ trợ đầu tư cấp điện cho khoảng 3.200 hộ dân thuộc 117 thôn, bản chưa có điện trên địa bàn, Thủ tướng đề nghị các cơ quan nghiên cứu, lựa chọn phương án tốt nhất, hiệu quả nhất để khẩn trương triển khai, trong đó có phương án sử dụng máy phát điện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.