Hơn 400 sinh viên khoa Luật "bật ngửa" khi nghe công an, luật sư kể chuyện điều tra vụ án

Tào Nga Thứ năm, ngày 28/11/2024 19:00 PM (GMT+7)
Những câu chuyện phá án đầy bất ngờ, kinh nghiệm thực hiện nghiệp vụ hay kỹ năng cần có của một sinh viên sau khi tốt nghiệp... đã được các khách mời chia sẻ với sinh viên khoa Luật và Lý luận chính trị, Trường Đại học Thủy lợi.
Bình luận 0

Điều tra viên hay luật sư đều phải yêu nghề, nắm chắc luật, tuân thủ theo luật

Ngày 28/11, Khoa Luật và Lý luận chính trị, Trường Đại học Thủy lợi kết hợp cùng Văn phòng Luật sư Chính Pháp đã tổ chức buổi chuyên đề chia sẻ thực tiễn điều tra, truy tố vụ án hình sự và giao lưu định hướng nghề nghiệp với sinh viên. Hơn 400 sinh viên của khoa đã có mặt tại hội trường và không bỏ sót chi tiết nào trong các câu chuyện của các khách mời.

Thượng tá Phan Thị Lệ Tuyên, nguyên điều tra viên Công an Thành phố Hà Nội, Luật sư Văn phòng Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: "Nhìn các bạn sinh viên đầy nhiệt huyết, sức sống hôm nay, tôi như thấy lại tuổi trẻ, thời thanh xuân 20 tuổi của mình. 

Hơn 400 sinh viên khoa Luật "bật ngửa" khi nghe công an, luật sư kể chuyện vụ án ly kỳ  - Ảnh 1.

Các khách mời chia sẻ với sinh viên ngành Luật tại Trường Đại học Thủy lợi. Ảnh: Tào Nga

Tôi bắt đầu nghề luật sư bằng nghề điều tra viên. Ngày đó học hệ 10 năm, tôi lại học sớm nên 16 tuổi đã khoác trên mình quân phục ngành công an. Công việc này cho tôi nhiều cảm xúc khi làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm kinh tế. Đây là đối tượng có tri thức, là doanh nhân nên trong quá trình làm việc cần sự chỉn chu, cẩn thận từng chi tiết. Nếu không sẽ ảnh hưởng cả an ninh kinh tế và chính trị. 

Một điều tra viên trong vai buộc tội phải vừa xử lý nghiêm minh vừa trấn an tội phạm và có biện pháp phòng ngừa để mọi người chấp hành luật pháp. Ai có tội phải xử lý nghiêm theo pháp luật nhưng trong quá trình làm việc, tôi thấy cũng có những người do thiếu hiểu biết, hoàn cảnh đưa đẩy khiến họ phạm tội, thực sự rất đáng thương. Tôi đã có những cảm thông và muốn làm sao để người khác không đi vào con đường như thế, để không phải đối mặt với bản án nào nữa. Từ đó, tôi chuyển từ điều tra viên sang luật sư, đổi từ buộc tội sang gỡ tội.

Năm 2015, tôi chuyển sang làm luật sư. Cả 2 nghề đều phải nắm chắc luật, tuân thủ theo luật và phải giữ đạo đức nghề nghiệp, tình yêu, đam mê với nghề. Điều tra viên trong vai buộc tội thì mình phải tìm chứng cứ để khi đối tượng bị xử lý tâm phục khẩu phục. Luật sư thì làm sao cho thân chủ của mình gỡ tội oan, giảm nhẹ tội nhưng họ biết được sai phạm nào và chấp nhận kết luận cuối cùng".

Đồng quan điểm, Thượng tá Trần Thị Thanh Hương, nguyên điều tra viên Công an Thành phố Hà Nội, Luật sư Văn phòng Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cũng cho biết: "Với 37 năm làm nghề điều tra viên Công an Thành phố Hà Nội trước khi trở thành luật sư, tôi muốn chia sẻ với các bạn sinh viên Luật rằng, đây là nghề cần sự công bằng, chính trực, có tâm".

Hơn 400 sinh viên khoa Luật "bật ngửa" khi nghe công an, luật sư kể chuyện vụ án ly kỳ  - Ảnh 2.

Đông đảo sinh viên của trường tham gia chuyên đề. Ảnh: Tào Nga

Điều tra viên, luật sư phải giỏi hơn tội phạm

Cũng trong buổi nói chuyện, Thượng tá Phan Thị Lệ Tuyên chia sẻ lại câu chuyện về một vụ án giết người bất ngờ. Khi đó, một cô gái bị hiếp dâm và sát hại trong bụi cây cách đường quốc lộ 2-3m. Sau khi rà soát các đối tượng thì thấy có một thanh niên hay đến gần hiện trường. Người này sau đó bị đưa vào diện tình nghi và tự nhận mình là hung thủ. Một bản án nặng đã dành cho đối tượng này vì kể rõ ràng từng tình tiết liên quan đến vụ án. 

Thế nhưng 10 năm sau, một vụ án khác xảy ra và hung thủ đã nhận mình đã giết cô gái đó. Công an mới truy ngược lại vụ án năm xưa khi có 2 người nhận tội. Lúc này, cậu thanh niên kia mới khai thật là không biết vụ án nhưng đứng nhìn công an thực hiện điều tra đã biết được tình tiết vụ án. Do chán gia đình, muốn được vào tù để có cơm ăn nên tự nhận mình là hung thủ. Từ đó, Thượng tá Phan Thị Lệ Tuyên cho biết, ngoài việc hỏi tâm lý xuôi chiều phải hỏi ngược chiều xem đối tượng có đúng là hung thủ hay không.

Thượng tá Quyên cũng thẳng thắn: "Công an cũng là con người, có xúc cảm nên cũng có vụ án khiến bản thân phải khóc. Vi phạm pháp luật thì phải chịu sự trừng phạt nhưng trong mỗi vụ án vừa phải tuân thủ luật pháp vừa có cái tình trong đó nên chúng ta có thể tìm cách bù đắp lại cho tình huống éo le. Ví dụ như tội phạm có mẹ già thì mình có thể hỗ trợ tìm cho người mẹ có nơi nương tựa khi con đi tù hoặc tội phạm có con nhỏ thì tìm nơi chăm sóc cho các bé".

Trung tá Phạm Cảnh Quân, Phó đội trưởng Đội điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Các vụ án về ma túy chiếm một nửa số lượng các vụ án hình sự. Hiện nay có tới 557 chất ma túy thuộc 4 thế hệ. Cứ 7-9 ngày lại có 1 chất ma túy mới. Vì vậy, làm trong ngành này đòi hỏi phải luôn cập nhật kiến thức, phải biết nhiều hơn cả tội phạm".

Điều gì cần có của một sinh viên ngành Luật?

Theo các khách mời, sinh viên ngành Luật cần có một lòng yêu nghề, đam mê với nghề. Ngoài trang bị cho mình kiến thức chuyên môn vững chắc thì bên cạnh đó cần học thêm kỹ năng mềm. Nếu là người yêu thích giao tiếp, có thể trở thành một điều tra viên. Ngược lại các bạn có thể làm pháp chế, tư vấn doanh nghiệp. 

Ngoài ra, một số kinh nghiệm trong quá trình làm việc cần có như kỹ năng vừa ghi chép vừa hỏi cung. Nếu chỉ tập trung ghi chép sẽ không phát hiện được đối tượng nói dối. Ngược lại nếu tập trung vào đối tượng thì đôi khi gặp phải tình huống viết không ai đọc được nội dung. Khi hỏi cung, càng hỏi chi tiết sẽ phát hiện đối tượng nói dối hay không. 

Bên cạnh đó, sinh viên ngành Luật thời hiện đại bắt buộc phải có ngoại ngữ tốt, am hiểu công nghệ thông tin, chăm đọc sách, cập nhật kiến thức. 

Hơn 400 sinh viên khoa Luật "bật ngửa" khi nghe công an, luật sư kể chuyện vụ án ly kỳ  - Ảnh 3.

TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp đã ủng hộ Quỹ học bổng của Khoa Luật và Lý luận chính trị trị giá 10 triệu đồng. Ảnh: Tào Nga

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS. Tô Mạnh Cường, Trưởng khoa Luật và Lý luận chính trị, Trường Đại học Thủy Lợi cho hay: "Mặc dù mới là năm thứ 3 nhưng ngành Luật của trường thu hút đông đảo thí sinh đăng ký xét tuyển. Năm 2023, có tới 2.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển trong khi chỉ tiêu của trường là 180 sinh viên. Điểm chuẩn ngành này các năm khá cao. Năm ngoái, điểm đầu vào theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là 26,62 điểm. Sinh viên ngành Luật tốt nghiệp ra trường có tương lai rộng mở và cũng có mức thu nhập hấp dẫn".

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem