Thăm dò dư luận cho thấy, ứng viên Francois Hollande- đối thủ của ông Nicolas Sarkozy- đang giành được sự ủng hộ nhiều hơn. 85.000 điểm bỏ phiếu trong cả nước đã chính thức mở cửa lúc 8 giờ sáng (tức 6 giờ GMT).
Theo kế hoạch, các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 18 giờ hoặc 20 giờ (theo giờ địa phương) tại các thành phố lớn.
Cử tri sẽ lựa chọn một trong số 10 ứng cử viên tổng thống trong vòng một của cuộc bầu cử này, trong đó Tổng thống Sarkozy - ứng cử viên của Đảng Cánh hữu cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) - và ứng cử viên Đảng Cánh tả Xã hội (PS), Francois Hollande là hai ứng cử viên đang dẫn đầu và có nhiều lợi thế hơn so với các ứng cử viên khác như bà Marine Le Pen của Đảng Mặt trận quốc gia cực hữu (FN), ông Jean-Luc Mélencho) của Đảng Mặt trận Cánh tả (FG) và ông Francois Bayrou theo đường lối trung dung.
|
Ông Hollande (trái) được dư luận đánh giá là người mềm mỏng hơn đương kim Tổng thống Sarkozy. |
Theo quy định, nếu không ứng cử viên nào giành được hơn 50% số phiếu bầu, 2 ứng cử viên có phiếu bầu cao nhất sẽ bước vào cuộc bầu cử vòng hai, dự kiến diễn ra vào ngày 6.5 tới. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy ông Sarkozy và đối thủ Hollande bám đuổi nhau sát nút và đều không nhận được số phiếu ủng hộ quá bán.
Sau 5 năm ông Sarkozy nắm quyền, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp tăng vọt lên 10%, cao nhất trong vòng 13 năm qua. Các tập đoàn nhà nước thua lỗ 124,3 tỷ euro (163,13 tỷ USD), nợ công tăng từ 64% GDP năm 2007 lên gần 90%.
Hollande được dự báo là sẽ vượt qua đối thủ Sarkozy ở vòng hai với tỷ lệ 55-45% và đắc cử tổng thống. Ông Hollande (57 tuổi), hứa hẹn cắt giảm chi tiêu ít mạnh mẽ hơn so với ông Sarkozy và muốn đánh thuế cao hơn với người giàu để hỗ trợ nhà nước tạo ra việc làm, đặc biệt là việc đánh thuế 75% với những ai có thu nhập nhiều hơn 1 triệu euro (1,32 triệu USD).
Nếu chiến thắng, ông sẽ trở thành tổng thống cánh tả đầu tiên ở Pháp kể từ thời ông Francois Mitterand, người đã đánh bại Tổng thống đương nhiệm Valery Giscard-d'Estaing hồi năm 1981.
Trong khi đó, ông Sarkozy (57 tuổi), nói ông là lựa chọn an toàn hơn cho tương lai, nhưng nhiều công nhân và các cử tri trẻ bị thu hút bởi lời hứa trả lương cao hơn vào năm 2007 của ông đã rời bỏ Sarkozy khi tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp đã lên đến mức cao nhất trong 12 năm qua.
Trọng Vũ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.