Hơn 6.000 người sơ tán vì lũ: Không có chuyện người dân bị đói, khát

Thành An Thứ tư, ngày 01/08/2018 14:00 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định: “không có chuyện người dân thiếu nước uống, bị đói”.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định: “không có chuyện người dân thiếu nước uống, bị đói”. Ảnh: THÀNH AN

Liên quan đến tình hình mưa, lũ, lụt, ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: theo dự báo, diễn biến thời tiết còn nhiều phức tạp, chính quyền cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động di chuyển về người, tài sản đề phòng khi có tình huống nước tiếp tục dâng cao, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Đặc biệt, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thông tin, thành phố và huyện đã có phương án, ngay sau khi nước rút sẽ tập trung xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng và quan tâm đến các trường học để sớm ổn định cho học sinh đến trường.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã có ý kiến với bộ, ban, ngành Trung ương quy hoạch khu dân cư vùng úng ngập, nhất là nâng cấp đê đảm bảo an toàn trước các diễn biến phức tạp của thiên tai để ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

img

Anh Nguyễn Văn Thụy (thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) đang chuẩn bị bữa ăn sau khi được sơ tán khỏi lũ. Hiện anh và vợ đang ở tạm nhà thi đấu của xã cùng gần 500 con gà "chạy" được sau khi nước lụt ngập lút nhà, cửa. Ảnh: Thành An

Được biết, liên quan đến tình hình đê tả Bùi, theo lãnh đạo huyện Chương Mỹ, hiện nay nước trên sông Bùi đang giảm nhưng rất chậm. 

Theo báo cáo vủa Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội, hiện nay mực nước sông Nhuệ tại trạm Đồng Quan dưới mức báo động 1; sông Tích tại trạm Kim Quan trên mức báo động 2; sông Tích tại trạm Vĩnh Phúc, sông Bùi tại trạm Yên Duyệt trên mức báo động 3 (trạm Yên Duyệt mức nước thực đo được là 7,28m trên báo động 3 0,28m; mực nước ông Tích tại trạm Vĩnh Phúc là 8,22m trên báo động 3 là 0,22m).

Để cứu trợ cho người dân vùng lũ Chương Mỹ, UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ và tiếp nhận hàng hóa từ các cơ quan, đơn vị hỗ trợ gồm 7.202 thùng mì tôm, 4.952 bình nước và nhiều nhu yếu phẩm cần thiết khác cho người dân. Về tiền mặt, hiện UBND huyện đã nhận được hơn 680 triệu tiền mặt do các đơn vị hỗ trợ. Công ty Nước sạch Hà Đông thường xuyên hỗ trợ nước sạch cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng của các xã, thị trấn.

Về công tác phòng chống dịch bệnh trong khu vực bị ngập lụt, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở đã cử đoàn công tác cùng với Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, Trung tâm Y tế dự phòng, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Mắt Hà Đông để tổ chức kiểm tra sẵn sàng ứng phó, phòng ngừa dịch bệnh trong mùa lũ.

img

Trong 10 ngày sống chung với nước lũ, người dân vùng ngập ở các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ các các địa phương, đơn vị. Trong ảnh là đoàn cán bộ thuộc lực lượng Công an TP.Hà Nội-  cụm thi đua số 8 đến hỏi thăm, động viên tinh thần người dân ở huyện Chương Mỹ. Ảnh: Thành An

Theo đó, đoàn công tác đã tổ chức tuyên truyền, đồng thời, tăng cường hóa chất cho khu vực lũ; phối hợp khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ với mục tiêu "nước rút đến đâu thì triển khai phòng, chống dịch và vệ sinh môi trường đến đó".

Báo cáo của Huyện ủy Chương Mỹ, do ảnh hưởng của mưa lớn, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được từ 300 - hơn 500mm. Hiện có 3.683 hộ bị ngập sâu dưới 2m và 6.083 khẩu phải sơ tán; sập đổ 170m2 nhà ở và 1.804m tường bao, sạt lở 1.885 đường giao thông nông thôn, 3.520m đường giao thông nội đồng, 12.110m chiều dài đê, hồ, đập; hư hỏng 11.910m chiều dài kênh mương, 35 cầu cống, đập ngập và hư hỏng 25 công trình nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, đình, chùa.

Bên cạnh đó, trên địa bàn đang bị thiệt hại nghiêm trọng về diện tích lúa, hoa màu và các công trình công cộng, giao thông do ảnh hưởng của mưa lũ, song các nhu cầu tối thiểu của người dân về đồ ăn, nước uống vẫn được đảm bảo.

img

Lực lượng công an, quân đội phối hợp cùng người dân địa phương đắp những bao tải đất thành đê nhân tạo ngăn nước ngập tràn xuống khu vực thôn Yên Thái xã Đông Yên, huyện Quốc Oai. Ảnh: Thành An

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai thông tin, trên địa bàn huyện vẫn còn 3 khu dân cư thuộc 3 xã bị cô lập do nước lũ bao vây. Theo đó, các thôn Phú Cao (xã Phú Cát), Thông Đạt (xã Liệp Tuyết), Bến Vôi (xã Cấn Hữu) của huyện vẫn bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Tính đến nay, toàn huyện có 8 ngôi nhà bị thiệt hại hơn 70% do ảnh hưởng mưa lũ, hơn 700 ngôi nhà bị ngập, trong đó có 443 ngôi nhà ngập dưới 1m, 258 ngôi nhà ngập từ 1 đến 3m, có 1 ngôi nhà ngập trên 3m, có 2 nhà phải di dời khẩn cấp.

Hiện diện tích lúa bị ngập là 1.816,9ha, trong đó, diện tích ngập trắng là 1.225,39ha; thiệt hại nặng (từ 30-70%) là 551,01ha; thiệt hại một phần (dưới 30%) là 40,5ha. Diện tích rau màu ngập là 118,488ha, trong đó, diện tích ngập trắng, không có khả năng phục hồi là 91,07ha; thiệt hại nặng là 20,418ha; thiệt hại một phần là 7ha. Diện tích cây ăn quả tập trung bị ngập 129,771ha, trong đó, thiệt hại hoàn toàn là 30,23ha, thiệt hại nặng là 20,861ha; thiệt hại một phần là 78,68ha. Về hoa, cây cảnh, thiệt hại hoàn toàn là 1.425 cây, thiệt hại một phần là 198 cây.

Ngày 31.7, tại hội nghị giao ban công tác tháng 7.2018 của UBND TP.Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, các giải pháp để người dân sống chung với lũ từ việc thiết kế về nhà cửa, hệ thống cung cấp nước, hạ tầng giao thông chưa được quan tâm, mặc dù TP đã chủ động. 

Theo Chủ tịch UBND Hà Nội, không có chuyện TP.Hà Nội thờ ơ với người dân. Đây là khu vực nằm trong quy hoạch vùng thoát lũ. Do đó, mặc dù TP đã chủ động ứng phó nhưng do lượng mưa lớn nên ngập úng vẫn xảy ra. 

“Trong thời gian tới, các giải pháp để người dân sống chung với lũ như hệ thống cấp nước, nhà cửa, hạ tầng đi lại sẽ được TP quan tâm hơn" - ông Nguyễn Đức Chung cho hay.
Để đối phó với tình trạng hiện nay, Chủ tịch UBND Hà Nội đề nghị các đơn vị tập trung ứng phó với diễn biến thời tiết khi có mưa lớn, bão lũ. Giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP tiếp tục tổ chức ứng trực, cung cấp nước sạch cho người dân, không để tái diễn việc đuối nước. 

Sở Y tế phối hợp với các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Phúc Thọ tổ chức vệ sinh sạch sẽ, không để dịch bệnh cho người và súc vật, chuẩn bị cơ sở vật chất để chuẩn bị cho học sinh nhập học năm học mới.

Sở Thông tin - Truyền thông chủ động tuyên truyền việc Hà Nội chăm lo cho người dân vùng lũ không bị đói, thiếu nước và ổn định sinh hoạt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem