Cụ thể, ngày 30/12/2019, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành văn bản số 3911/UBND - TH, gửi một số cơ quan chức năng liên quan. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã có ý kiến “thuận chủ trương tiêu hủy lâm sản tồn tại các dự án trên địa bàn tỉnh”.
Trong đó, Dự án “trồng cao su tạo quỹ phục vụ bảo tồn Khu di tích lịch sử Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam” tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết có 1.500,7m3.
Dự án “chuyển đổi diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cao su” tại Nông lâm trường Đăk Mai, thuộc Công ty TNHH MTV cao su Phước Long có 1.035,9m3.
Hình ảnh gỗ tồn tại bãi tập kết Khu công nghiệp Đồng Xoài, TP.Đồng Xoài. Ảnh: H.H
Dự án “chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp” tại Nông lâm trường Tân Lập, thuộc Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước, trong đó tại Tiểu khu 363 là 1.970,7m3 và Tiểu khu 389 là 3.572m3.
Tổng cộng số gỗ tại các dự án trên là 8.079,9m3, thuộc nhóm II - nhóm VIII.
Nguyên nhân phải “tiêu huỷ” 8.079,9m3 gỗ theo UBND tỉnh Bình Phước tại văn bản 3911 là do “toàn bộ lâm sản tồn tại các dự án trên địa bàn tỉnh đã bị hư hỏng, mục nát, không còn sử dụng được”.
Đặc biệt, hình thức tiêu hủy số lượng gỗ nói trên theo UBND tỉnh Bình Phước là “để tự mục tại hiện trường”.
Gỗ tồn thuộc dự án của Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước. Ảnh: H.H
Trong khi đó, liên quan đến “lâm sản tồn” tại các dự án, trước đó, ngày 1/7/2019, UBND tỉnh Bình Phước cũng ra công văn số 1817/UBND-TH, chấp nhận “hoàn trả cho các doanh nghiệp mua gỗ tận thu và xử lý lâm sản tồn đọng”.
UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo cho Sở Tài chính tìm nguồn kinh phí để hoàn trả 11,1 tỷ đồng cho 4 doanh nghiệp mua gỗ tận thu trên địa bàn tỉnh. 4 doanh nghiệp được hoàn trả tiền gồm: Tổng Công ty Nông lâm nghiệp Việt Nam (2,5 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Công Thành (2 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Phát Lộc (3,4 tỷ đồng) và Công ty TNHH TMDV Hồng Phúc (3,2 tỷ đồng).
Hàng ngàn khối gỗ phơi nắng, phơi mưa, bị xuống cấp, mục nát nghiêm trọng. Ảnh: H.H
Về hiện tượng “lâm sản còn tồn” dẫn tới việc UBND tỉnh Bình Phước phải ra văn bản cho phép “tiêu huỷ” bằng hình thức “để tự mục tại hiện trường”, từ tháng 1/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước từng có báo cáo phản ánh hiện tượng này.
Theo ông Trần Văn Lộc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, báo cáo này cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 dự án đang thực hiện khai thác lâm sản và đã tạm dừng việc khai thác và tiêu tụ lâm sản, theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Trên hiện trường của 10 dự án này đều có lâm sản đã khai thác, nhưng chưa được vận chuyển (tức lâm sản còn tồn - PV)”.
Hình ảnh một gốc cây đã được khai thác tại tiểu khu 363, Nông lâm trường Tân Lập, thuộc dự án Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước. Ảnh: H.H
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, ngoại trừ Dự án “trồng rừng kết hợp chăn nuôi tại tiểu khu 69, Nông lâm trường Bù Đốp” do chưa có kết luận của Cơ quan điều tra, qua kiểm tra tại 9 dự án khác ở những khu vực đã khai thác, khu vực lâm sản được tập kết, đa phần lâm sản đã có dấu hiệu xuống cấp, đặc biệt là cây gỗ lớn.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là: Các cơ quan chức năng quản lý thế nào mà suốt thời gian dài, từ năm 2017 đến nay, để số lượng lâm sản tồn tại các dự án “bị hư hỏng, mục nát”, lãng phí như vậy? Trách nhiệm thuộc về ai? Xử lý trách nhiệm như thế nào?
Các cơ quan liên quan hiện chưa có câu trả lời, tuy nhiên, tại văn bản 3911, UBND tỉnh Bình Phước chỉ… “yêu cầu các đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc bảo quản và tham mưu xử lý lâm sản tồn”(!?).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.