Trong ngành công nghiệp ô tô, Unibody và Body-on-Frame (Khung gầm liền khối/khung gầm rời) chính là hai cấu trúc thiết kế phổ biến nhất hiện nay. Với mục đích sử dụng và công năng của dòng Pickup, Body-on-frame đang là cấu trúc được sử dụng rộng rãi hơn. Tuy nhiên, Honda đã có một hướng suy nghĩ khác biệt: Kết hợp cả 2, và Honda Ridgeline chính là thành quả đầu tiên. Mẫu xe Pick-up này là sản phẩm duy nhất trên thị trường sử dụng cấu trúc Unibody, và được gia cố thêm bằng 1 khung sườn thép phía dưới sàn xe. Đây có thể xem là một thành tựu nổi bật trong ngành công nghiệp ô tô trong nhiều năm trở lại đây, mở ra nhiều cơ hội mới cho các mẫu xe SUV hay bán tải khác.
Kéo dài từ đầu xe đến đuôi xe, toàn bộ thân xe của Honda Ridgeline vẫn được thiết kế trên khung sườn thếp tương tự như các mẫu xe truyền thống. Tuy nhiên, thay vì thiết kế rời, bộ phận khung sườn này và toàn bộ body được hàn chết với nhau, tạo ra một liên kết chặt chẽ. Ở phía trên, thân xe được thiết kế bằng một khung thép với nhiều điểm hấp thụ xung lực khi xảy ra va chạm (1 cấu trúc unibody điển hình).
Vậy đâu là sự khác biệt giữa cấu trúc Body-on-frame truyền thống và cấu trúc mới của Ridgeline (cấu trúc Unibody, gia cố thêm bằng một khung sườn được hàn chết phía bên dưới)?
Với loại Body-on-frame, 2 mảnh tách biệt của cấu trúc được liên kết với nhau với các khớp nối/bu lông riêng biệt, tăng cường thêm các vòng đệm cao su giảm chấn. Việc này giúp cho những mẫu xe khung gầm rời có khoang lái cách biệt, tĩnh lặng hơn, bớt ồn hơn (Với điều kiện hệ thống treo hoạt động hiệu quả). Tuy nhiên, độ vững chắc tổng thể của xe sẽ bị suy giảm bởi chúng hoàn toàn là những chi tiết rời rạc, và có những lớp cao su đệm giữa.
Với một cấu trúc mà Ridgeline đang sở hữu, chúng ta có được một bộ khung hoàn chỉnh, liên kết cố định giữa khoang hành khách và thùng tải phía sau, với độ cứng xoắn cao hơn. Tuy nhiên, nếu như đây đơn thuần chỉ là một cấu trúc Unibody cơ bản, thì thân xe có thể dễ dàng bị bẻ đôi, trong trường hợp quá tải trọng. Và vì vậy, Honda đã nghiên cứu và gia cố thêm một khung sườn theo phong cách truyền thống, để phòng tránh tình trạng này xảy ra. Ở cấu trúc mới này, chúng ta có được sự gắn kết chặt chẽ giữa các bộ phận, từ đó có được một độ cứng xoắn tốt hơn các sản phẩm khác, và đồng thời vẫn sỡ hữu khả năng chịu tải cao, nhờ vào một “bệ đỡ” phía dưới.
Ông Kerry McClure, kĩ sư trưởng của nhóm thiết kế Ridgeline chia sẻ thêm: “Đây lần đầu tiên chúng ta sở hữu một mẫu Pick-up mà khoang cabin và thùng xe được liên kết một cách chặt chẽ như vậy. Với các kết cấu truyền thống, phần thùng phía sau sẽ không cố định, và dễ dàng bị xê dịch. Với kết cấu mới của chúng tôi, tất cả đều là một thể thống nhất, và từ đó, mọi thứ sẽ chắc chắn hơn. 2 mảnh bên hông của thùng xe liên kết cứng với khoang cabin, từ đó độ cứng xoắn tổng thể cũng sẽ được tăng cường đáng kể.”
Phía sau khoang cabin, phần tiếp giáp với thùng xe được tăng cường một tấm kim loại, góp phần tăng cường sự an toàn trong các tình huống va chạm. Thử hình dung về việc một khối hàng hóa phía sau lao thẳng về trước khi gặp tai nạn, và tấm kim loại này chính là tấm chắn an toàn, ngăn cách mọi vật thể có thể bay vào khoang cabin. Đây là một tình huống và tiêu chuẩn có trong các bài thử nghiệm tại châu u, tuy nhiên vẫn chưa bắt buộc tại Mỹ. Dù không được yêu cầu, nhưng Honda cũng đã tự mình kiểm nghiệm tình huống này, dựa trên các bài test của xe du lịch, nhằm đảm bảo sự an toàn tối đa cho tất cả các hành khách ngồi trên xe.
Từ việc nâng cấp nội thất để giống một mẫu xe du lịch hơn, cho tới việc thay đổi cấu tạo về cấu trúc của xe Pickup truyền thống, có vẻ như Honda Ridgeline đang xây dựng những nền móng đầu tiên về một khái niệm mới, một định nghĩa mới về các mẫu xe bán tải. Sẽ thật thú vị nếu trong tương lai, một trào lưu mới sẽ được hình thành, tương tự như những gì mà dòng xe Crossover CUV đang làm được. Chúng ta hãy cùng chờ đợi xem.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.