Chiều nay (2.6), Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 5.2016. Ngoài sự có mặt của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - người chủ trì cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; cuộc họp báo còn có sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và một số lãnh đạo các bộ ngành khác.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo.
Tính ra đến hôm nay, tròn 55 ngày kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ.
Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, trong cuộc họp Chính phủ diễn ra trong 2 ngày 1 - 2.6, Chính phủ tập trung vào nội dung hoàn thiện thể chế.
Trong 2 ngày 1 - 2.6, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5.2016 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
“Hiện nay để thực hiện 13 luật và pháp lệnh có hiệu lực từ 1.7, thì Chính phủ phải ban hành ban hành 37 nghị định. Đến 31.5, đã ban hành 16 nghị định. Còn 21 nghị định chưa ban hành, trong đó có nhiều nghị định đang thực hiện quy trình thẩm định của Bộ Tư pháp, lấy ý kiến các bộ ngành”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Dũng, để thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Chính phủ phải ban hành 49 NĐ. Đến 31.5 thì đã ban hành 35 nghị định, còn 14 nghị định đang trong quy trình thẩm tra.
Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn tại cuộc họp báo.
Bắt đầu phần hỏi đáp, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn chủ trì phần nội dung này.
Mở đầu, PV Dân Trí và PV Đài Truyền hình Việt Nam cùng hỏi liên quan về thông tin cá chết ở miền Trung thời gian qua, được biết trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ Chính phủ có bàn tới vấn đề này. Đề nghị Bộ trưởng cho biết cụ thể về nội dung này?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Liên quan tới vụ cá chết ở các tỉnh miền Trung, cuộc họp báo hôm nay có thể thông báo như sau: Ngay sau khi phát hiện tình trạng cá chết bất thường, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng cũng đã trực tiếp chỉ đạo kịp thời và quyết liệt các bộ, ngành, địa phương. Như vậy có hơn 30 cơ quan bộ, ngành, địa phương vào cuộc thu thập chứng cứ xác minh tìm ra nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt.
Ngoài ra có mời hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước cùng tham gia để thu thập dữ liệu xác minh điều tra nguyên nhân cá chết trên nguyên tắc: Phải dựa vào các bằng chứng khoa học, khách quan và chặt chẽ về tính pháp lý.
Trong quá trình điều tra, quan điểm của Thủ tướng là, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân nào vi phạm thì xử lý nghiêm, không loại trừ bất cứ tổ chức cá nhân nào.
Đến nay, các nhà khoa học cũng đã xác định được nguyên nhân cá chết. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao các cơ quan chức năng mời tư vấn trong và ngoài nước để phản biện độc lập, hay nói cách khác là trước khi kết luận chính thức có mời các nhà khoa học trong và ngoài nước phản biện. Vì chúng ta xác định đây là vấn đề hết sức hệ trọng, nên khi công bố kết luận phải đảm bảo đủ tính pháp lý, khách quan và đầy đủ bằng chứng.
Đồng thời, Thủ tướng cũng quyết liệt cho triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường kinh doanh, môi trường tự nhiên, đặc biệt là môi trường biển được an toàn. Đây cũng là mong đợi của người dân.
Thủ tướng giao cho Bộ NNPTNT khảo sát khu vực an toàn để đảm bảo đánh bắt thủy sản, giao Bộ TNMT rà soát kiểm tra tất cả các dự án có khả năng liên quan đến xả thải trên phạm vi cả nước. Mục tiêu là chủ động phòng ngừa và cương quyết xử lý vi phạm nếu các tổ chức, cá nhân xả thải không đúng quy định pháp luật.
Đến thời điểm này, thay mặt cơ quan phát ngôn của Chính phủ, xin được thông báo với cơ quan báo chí về kết quả của các cơ quan khoa học.
Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại buổi họp báo.
Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn tiếp lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân, tuy nhiên, do việc điều tra nguyên nhân là của tập thể nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước nên cần sự phản biện của nhiều nhà khoa học mới đảm bảo khách quan. Bất cứ kết luận vội vàng nào sẽ dẫn đến việc khắc phục hậu quả hết sức khó khăn.
Việc xác định thủ phạm không chỉ bằng các chứng cứ khoa học mà còn phải bằng các chứng cứ về pháp luật môi trường. Như Thủ tướng khẳng định không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật, vì vậy cần có điều tra kỹ lưỡng mới có thể xác định nguyên nhân.
Việc cá chết hàng loạt là sự cố môi trường rất nghiêm trọng, chưa từng xảy ra. Dư luận quan tâm tới nguyên nhân và cách xử lý là hoàn toàn đúng. Chính phủ có trách nhiệm công bố kết quả cho người dân biết.
Thời gian qua, có nhiều tờ báo đưa thông tin hỗ trợ kịp thời, tuy nhiên cũng có một số cơ quan báo chí đưa tin không chính xác gây hoang mang dư luận. Chúng ta phải đưa thông tin khách quan, đảm bảo chính xác kịp thời, không gây nhiễu dư luận - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Dự kiến trong tháng 6 sẽ công bố nguyên nhân cá chết
Kết thúc cuộc họp báo, trả lời báo chí bên lề họp báo, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn cho biết thêm: Về nguyên nhân cá chết đã có, nhưng chờ các nhà khoa học phản biện, dự kiến trong tháng 6 sẽ công bố chính thức nguyên nhân cá chết hàng loạt.
Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn trả lời PV bên lề họp báo.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tuấn cũng cho biết thêm: Đây là cuộc điều tra về nguyên nhân cá chết. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng tiến hành thêm một cuộc điều tra để tìm ra thủ phạm gây ra tình trạng cá chết. Và cuộc điều tra này thì phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tuấn không nói rõ là hai cuộc điều tra này được tiến hành song song hay tiến hành lần lượt từng cuộc một.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.