HỘP THẦM KÍN: Làm sao bỏ thói quen nhìn vùng nhạy cảm người đối diện?

Thứ năm, ngày 09/10/2014 10:31 AM (GMT+7)
Chào bác sĩ. Không hiểu sao em có thói quen nhìn vào những nơi nhạy cảm của người đối diện, mặc dù em không cố ý.
Bình luận 0

BS đừng cười, thật sự em rất cố gắng để nhìn vào mắt họ nhưng được 5 giây là trở về thói quen đó. Em hoang mang vì nó làm cho người khác có ác cảm về em, khiến em không tự tin khi giao tiếp, mặc dù em rất muốn nói chuyện với mọi người.

Cứ thế này thì em không biết làm thế nào để giao tiếp, tìm bạn đời, tìm việc làm. Mong bác sĩ hướng dẫn em bài tập để có thể nhìn thẳng vào mắt người khác khi nói chuyện. Em chân thành cảm ơn.

 (Nam Nhân - TPHCM)

img

 

Chào Nam Nhân,

Với một thông tin duy nhất mà em nêu trong thư - hay nhìn vào những vị trí nhạy cảm của người đối diện, tôi chỉ có thể xác định được rằng em có ý nghĩ ám ảnh liên quan đến tình dục. Có thể có 2 khả năng sau:

1. Hoặc em bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, nội dung liên quan đến tình dục. Trong đầu xuất hiện các ý nghĩ liên quan, khiến em phải nhìn vào bộ phận tình dục của người đối diện. Em nhận biết hành vi trên là không phù hợp với hoàn cảnh nhưng không kiểm soát được, hoặc kiểm soát được rất ít - việc kiểm soát này đem lại cảm giác lo âu bất an cho bản thân. Ngược lại khi hành vi cưỡng chế được thực hiện, cảm giác lo âu được xóa bỏ. Đôi khi hành vi cưỡng chế này lại xuất phát từ ý nghĩ ám ảnh sợ nhìn thấy bộ phận tình dục của đối phương, nên thôi thúc phải nhìn để đảm bảo không thấy!

2. Hoặc đây là một biểu hiện của bệnh cảnh rối loạn hành vi tình dục - người mắc rối loạn này thích nhìn bộ phận tình dục của người khác và đạt được khoái cảm - thậm chí dẫn tới cương dương vật và xuất tinh. Bản thân người bệnh biết được hành vi này là không phù hợp nhưng họ không cưỡng lại được. Ở bệnh cảnh này, thông thường người bệnh có thể có các rối loạn hành vi liên quan đến tình dục khác đi kèm như: thủ dâm, thôi thúc xem các hình ảnh khiêu dâm...

Để có thể xác định em thuộc vào trường hợp nào, cốt yếu phải dựa vào thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, phân tích cảm xúc, ý nghĩ của em tại thời điểm em xuất hiện thôi thúc nêu trên.

Đối với việc điều trị: tùy vào bệnh cảnh em mắc phải là trường hợp 1 hay 2 mà có hướng xử trí hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, rõ ràng em đã cố gắng kiểm soát hành vi của mình nhưng không thành công, điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống xã hội, đòi hỏi can thiệp bằng thuốc men. Một cách khái quát, điều trị cả 2 trường hợp này bao gồm thuốc (đều là nhóm chống trầm cảm, nhưng tùy bệnh cảnh sẽ có chọn lựa ưu tiên khác nhau; kết hợp với thuốc chống lo âu hoặc chống loạn thần nếu cần thiết); kết hợp với điều trị tâm lý: trị liệu nhận thức hành vi với trị liệu nâng đỡ tâm lý.

Không có bài tập hướng dẫn nhìn vào mắt nào có thể cải thiện hành vi của em mà không thông qua phân tích bệnh cảnh, cũng như không thông qua tác động trị liệu tâm lý. Do đó, để có thể nhanh chóng phục hồi cuộc sống xã hội như mong muốn, em nên đến khám chuyên khoa tâm thần để được đánh giá chính xác và điều trị phù hợp.

 Thân chào em.

img
(Theo Alobacsi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem