Rùng mình với hàng tấn rác thải bủa vây đầm nước mặn Sa Huỳnh
Rùng mình với hàng tấn rác thải bủa vây đầm nước mặn Sa Huỳnh
Độc giả Nguyễn Công - Thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi
Đầm nước mặn Sa Huỳnh gần nhà tôi có diện tích mặt nước rộng hàng trăm ha, được nhiều hộ dân làm nơi nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, khu đầm này trong tình trạng cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra. Rác thải sinh hoạt tràn lan, từ trên đường, vỉa hè đến dưới nước, đâu đâu cũng có. Rác thải chủ yếu là phao xốp, chai nhựa, túi nilon, quần áo, xác động vật,… bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sức khỏe của hàng trăm người dân nơi đây.
Mong chương trình Nông Thôn Xanh phản ánh mạnh mẽ để tình trạng này có thể được cải thiện trong thời gian sớm.
Người dân vô ý thức xả rác thải sinh hoạt ngay tại vườn quốc gia
Người dân vô ý thức xả rác thải sinh hoạt ngay tại vườn quốc gia
Độc giả Thiện Nhân - tỉnh Đồng Nai
Khu rừng thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên trước cửa nhà tôi đang xảy ra tình trạng người dân xả rác thải sinh hoạt bừa bãi. Nguyên nhân do nhiều hộ dân tiết kiệm không đóng 30.000 đồng tiền rác một tháng mà trực tiếp xả rác ra môi trường rừng, xả vào gốc cây, bụi rậm và xả vào khu vực rừng ngập mặn. Trong đó có rất nhiều loại rác thải sinh hoạt độc hại như tã bỉm trẻ em, túi nilon,… gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, đặc biệt là nguồn đất và nguồn nước, và gây tác động vô cùng xấu tới hệ sinh thái của các loài động thực vật trong rừng.
Tôi thường xuyên phải chủ động đi nhặt và dọn rác tại các khu vực này để có thể gìn giữ môi trường, giúp những loài động thực vật trong rừng có thể sinh sống được. Mong chương trình Nông Thôn Xanh chia sẻ để các hộ dân có ý thức hơn trong việc xả rác thải ra môi trường tự nhiên.
Chàng trai bị liệt nửa người với đam mê "thổi hồn" vào rác
Chàng trai bị liệt nửa người với đam mê làm đồ chơi từ rác
Độc giả Đinh Đồng Giang - Huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh
Mình bị liệt nửa người từ nhỏ, phép màu đã đến với mình khi đã có thể đi lại được sau ca phẫu thuật vào năm 2013. Nhưng cuộc sống của mình càng rực rỡ sắc màu hơn với công việc "thổi hồn" cho rác. Chính việc biến đổi khí hậu, thiên tai và môi trường ngày càng ô nhiễm đã thôi thúc mình tạo ra những tác phẩm xinh xắn, tiện ích để "đánh thức" tình yêu thiên nhiên ở những người xung quanh. Vật liệu nào mình cũng tái chế, nhựa cũng có, sắt cũng có, quả thông bỏ đi cũng có. Những tác phẩm mình làm có tiểu cảnh bằng chậu vỡ. Chai sành thì một số mình làm chuông gió, một số để trồng cây, cho thuyền vào trong chai,… Nhựa thì mình trang trí thành những con rô-bốt, con vật cho các em chơi. Nó lạ nên các em chơi rất vui và thích.
Mong chương trình Nông Thôn Xanh gửi gắm thông điệp của mình tới khán giả: nhà nào cũng có rác, thay vì chúng ta bỏ rác vào thùng thì chúng ta tận dụng để làm cho môi trường xanh, sạch và đẹp hơn.
Chiến dịch giải cứu vỏ hộp sữa giấy đến với trẻ em bản làng Đắk Lắk
Chiến dịch giải cứu vỏ hộp sữa giấy đến với trẻ em bản làng Đắk Lắk
Độc giả Lê Xuân Cường - Đại diện nhóm Tobito
Mới đây, Tobito chúng mình đã phát động chiến dịch thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giấy. Chúng mình đã cùng các sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức một buổi hướng dẫn các em nhỏ tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cách thu gom vỏ hộp sữa giấy. Chúng mình còn hướng dẫn các em cách rửa sạch và bảo quản bình sữa, đồng thời chia sẻ về lợi ích của việc tái chế sản phẩm nhựa để bảo vệ môi trường.
Buổi hướng dẫn kết thúc bằng việc thực hiện các hoạt động thực tế, giúp các em nhỏ hiểu rõ hơn về cách bảo vệ môi trường và tham gia vào các thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày. Chúng mình sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch tại nhiều địa phương khác, mong chương trình Nông Thôn Xanh lan tỏa để có thật nhiều độc giả biết đến chiến dịch của chúng mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.