Huawei cam kết chủ động đóng góp tích cực cho hệ sinh thái an ninh mạng
Huawei cam kết chủ động đóng góp tích cực cho hệ sinh thái an ninh mạng
PV
Thứ năm, ngày 23/06/2022 18:43 PM (GMT+7)
Tại Hội thảo về An toàn Không gian Mạng Việt Nam 2022 (Viet Nam Security Summit 2022), chuyên gia cao cấp Xiaoxin Gong đến từ Trung tâm An toàn Bảo mật Toàn cầu của Huawei đã có bài chia sẻ về “Tiêu chuẩn quốc tế về an ninh mạng” cũng như các đóng góp chủ chốt của tập đoàn.
Hội thảo về An toàn Không gian mạng Việt Nam 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, Cục An toàn Thông tin chỉ đạo nội dung, diễn ra vào ngày 23/06 tại Khách sạn JW Marriott, Hà Nội. Sự kiện quy tụ hơn 40 diễn giả đầu ngành, thu hút hơn 600 lãnh đạo cấp cao phụ trách về an toàn không gian mạng và công nghệ thông tin đến từ các khối chính phủ, tài chính - ngân hàng, năng lượng, sản xuất, viễn thông… tham gia.
Hội thảo gồm 01 Phiên toàn thể thảo luận về chủ đề "An toàn thông tin cho nền tảng số quốc gia: Kiến tạo tương lai số bền vững"; 03 Hội thảo chuyên đề xoay quanh "Tăng cường an toàn thông tin mạng cho chính phủ số", "Bảo vệ dữ liệu số của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số" và "Xu hướng công nghệ mới ứng phó các cuộc tấn công mạng trong tương lai"; 01 Triển lãm quốc tế uy tụ hơn 50 công ty công nghệ hàng đầu khu vực đến trưng bày và trình diễn các sản phẩm lẫn dịch vụ công nghệ tiên tiến nhất về an toàn không gian mạng.
Là sự kiện thường niên về an toàn bảo mật hàng đầu trong nước, hội thảo có vai trò cầu nối cho các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia đầu ngành, các nhà cung cấp giải pháp cùng thảo luận và trao đổi về những xu hướng mới trong lĩnh vực an toàn thông tin. Đồng thời, các bên sẽ đề xuất những chiến lược nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với các sự cố trong môi trường rủi ro hiện nay, kết nối và tạo điều kiện cho sự hợp tác trong tương lai.
Các chuyên gia ước tính, thị trường chống đánh cắp dữ liệu doanh nghiệp toàn cầu dự kiến đạt 6.265 tỷ USD vào năm 2026. Tính đến cuối năm 2021, nguy cơ mất an toàn thông tin dự kiến sẽ làm thế giới tổn thất 6.000 tỷ USD và tăng lên 10.500 tỷ USD vào năm 2025. Tại Việt Nam, thị trường an toàn thông tin dự kiến cũng tăng trưởng vượt bậc đạt khoảng 350 triệu USD và giá trị thị trường đám mây sẽ đạt tiềm năng 77,5 tỷ USD vào năm 2026.
So với khu vực, quy mô thị trường an toàn thông tin mạng Việt Nam được dự đoán sẽ đứng thứ nhất ASEAN với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 16% từ năm 2015 đến 2025. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2022, tổng sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam tương đối lớn, lên tới 2.643 sự cố, gồm: 2.022 cuộc tấn công cài mã độc, 378 cuộc tấn công lừa đảo và 243 cuộc tấn công thay đổi giao diện.
Tại hội thảo, ông Xiaoxin Gong, chuyên gia cao cấp đến từ Trung tâm An toàn Bảo mật Toàn cầu của Huawei đã có bài chia sẻ về "Tiêu chuẩn quốc tế về an ninh mạng". Ông Xiaoxin có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc quốc tế về an toàn thông tin mạng trong các ngành tài chính, dược phẩm và giáo dục tại Anh Quốc, trước khi gia nhập Huawei vào năm 2018. Đến nay, ông đã tham gia phát triển các sản phẩm cốt lõi của Huawei như 5G RAN, hệ điều hành HarmonyOS…
Trong bài chia sẻ, ông Xiaoxin Gong nhấn mạnh trong ngành viễn thông, Nhóm Dự án Đối tác Thế hệ thứ 3 (3GPP) đã quy tụ 7 tổ chức viễn thông quốc gia và khu vực cùng nhiều tổ chức thành viên liên kết khác đã được thành lập, đặt trụ sở tại Viện Tiêu chuẩn Viễn thông Châu Âu (Khu công nghệ Sophia Antipolis, Pháp) nhằm thiết kế các tiêu chuẩn cho mạng toàn cầu. Ngoài ra, còn có Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu (GSMA) ra đời năm 1987, quy tụ hơn 750 nhà điều hành mạng và gần 400 công ty di động, quản lý 5,2 tỷ thuê bao di động trên thế giới. Vào năm 2016, GSMA và ngành công nghiệp di động chính là ngành đầu tiên cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG) đến 2030.
Cụ thể, GSMA sẽ đóng góp 600 tỷ USD mỗi năm từ 5G cho nền kinh tế toàn cầu trong 10 năm, quản lý 75% thị trường băng rộng cố định toàn cầu. Để làm được điều này, GSMA đã kết nối 23.000 chuyên gia thông qua cộng đồng trực tuyến InfoCentre2, trên 10,1 tỷ kết nối di động trên toàn thế giới (bao gồm cả IoT). GSMA cũng thu hút 200.000 người tham dự Triển lãm Di động Toàn cầu MWC và Mobile 360 Series, đưa 30 triệu điểm dữ liệu vào cơ sở dữ liệu GSMA Intelligence, tổ chức hơn 600 cuộc họp thông qua GSMA Working Groups trong năm qua.
Để giải quyết vấn đề quy định và nhu cầu bảo mật phân mảnh, chương trình đánh giá an ninh mạng NESAS được chuẩn hóa bởi cả GSMA và 3GPP đã ra đời. NESAS được 3GPP hoàn thiện Cơ chế đánh giá bảo mật vào năm 2012 và được GSMA phát triển Tiêu chí đánh giá quá trình vào năm 2014.
"Là thành viên chủ chốt và đối tác tích cực của hàng loạt tổ chức uy tín về an ninh mạng, Huawei đã chủ động đóng góp vào hệ sinh thái an ninh mạng toàn cầu thông qua các hợp tác trong hệ sinh thái ngành", ông Xiaoxin cho hay.
Từ năm 2020, thiết bị mạng lõi và không dây 5G của Huawei (gồm 5G RAN gNodeB, 5G Core UDG, UDM, UNC, UPCF) và LTE eNodeB đã vượt qua bài đánh giá của NESAS. Hàng năm, Huawei vẫn đệ trình lên 3GPP và được thông qua nhiều đề xuất bảo mật, phát triển tiêu chuẩn bảo mật H(e)NB và đẩy mạnh nghiên cứu bảo mật trên hệ truyền thông máy đến máy M2M.
Ông Xiaoxin nhấn mạnh: "Với Huawei, bảo vệ dữ liệu khách hàng không chỉ đơn thuần là yêu cầu pháp lý, mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Chúng tôi luôn cẩn trọng, tuân thủ luật, quy định về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu ở mọi quốc gia có trụ sở. Là tập đoàn toàn cầu hoạt động tại hơn 170 quốc gia và khu vực, Huawei hiểu rõ tầm quan trọng trong việc cam kết đảm bảo an ninh thông tin cho người dùng, doanh nghiệp và chính phủ. Chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư hơn 100 tỷ USD vào R&D trong 5 năm tới, nhằm giới thiệu những giải pháp an ninh mạng toàn diện và hiệu quả".
Bên lề hội thảo, bà Fiona Li - Phó Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại của Huawei Việt Nam đã chia sẻ về những cam kết của hãng trong việc cung cấp cho các đối tác trong nước những công nghệ sáng tạo và bảo mật nhất, đạt được mục tiêu chuyển đổi số. "Với loạt các giải pháp công nghệ then chốt trên phạm vi rộng, Huawei có thể giúp các doanh nghiệp đạt được tầm nhìn tương lai một cách mạnh mẽ nhất, đáp ứng được các mục tiêu chuyển đổi số của họ. Sự kết hợp giữa 5G, đám mây và AI sẽ giúp thúc đẩy đáng kể các nỗ lực chuyển đổi số của doanh nghiệp.", bà Fiona chia sẻ.
An ninh mạng đã trở thành yêu cầu tất yếu để chuyển đổi số an toàn, nhiều khách hàng lớn tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã chọn Huawei làm đối tác nhờ vào kinh nghiệm hỗ trợ của hãng cho từng địa phương, năng lực chuyên môn cho từng khu vực cùng với lợi thế kinh nghiệm hoạt động trên toàn cầu. Đối với Việt Nam, bà Fiona Li nhấn mạnh, Huawei sẵn sàng chuyển giao những công nghệ, giải pháp tối ưu nhất, cùng với hệ sinh thái tốt nhất nhằm hỗ trợ các đối tác tại đây đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của họ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.