Hướng dẫn viên Vườn Quốc gia Cúc Phương: "Không ngại xuyên rừng, ngủ bản, dẫn tour đêm"
Hướng dẫn viên Vườn Quốc gia Cúc Phương kể chuyện "xuyên rừng, ngủ bản, dẫn tour đêm"
Trung Hiếu - Thùy Anh
Chủ nhật, ngày 25/08/2024 18:00 PM (GMT+7)
Theo các hướng dẫn viên tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, công việc này thường đòi hỏi rất nhiều yếu tố, khả năng riêng biệt. Nếu muốn nhận được sự tín nhiệm từ du khách, người làm nghề cần không ngại "xuyên rừng, ngủ bản", dẫn tour đêm.
Tâm sự nghề hướng dẫn viên vườn quốc gia: “Không ngại dẫn tour "xuyên rừng, ngủ bản", kể cả ban đêm”
Ở Vườn Quốc gia Cúc Phương (Nho Quan, Ninh Bình), chị Bùi Thị Tích (42 tuổi) là một trong số ít hướng dẫn viên nữ có thâm niên làm việc lâu năm. Chị Tích tâm sự, suốt thời gian công tác tại đây, công việc này trở thành một phần không thể thiếu đối với chị. “Hơn 17 năm nay, càng làm, tôi càng yêu hơn công việc của mình. Tôi hạnh phúc khi có cơ hội chia sẻ về thực trạng của các động vật trong những chương trình cứu hộ của Vườn Quốc gia tới toàn thể du khách gần xa”.
Theo chân một đoàn khách đồng hành cùng chị Tích đi dưới tán rừng nguyên sơ, rậm rạp của Vườn Quốc gia Cúc Phương, phóng viên cảm nhận rõ nét sự nhiệt huyết và tình yêu nghề của nữ hướng dẫn viên này. Đi một hồi thấy mưa đã thấm thịt da, nhưng gương mặt người phụ nữ 42 tuổi vẫn rạng rỡ nụ cười. Bất chợt nghe thấy thanh âm lanh lảnh, vang xa và cao vút, chị Tích lại từ tốn giới thiệu với du khách, đó là âm thanh mà những con voọc dùng để “chào ngày mới”.
“Hiện nay, ở Việt Nam có 25 loài thú linh trưởng khác nhau. Trong đó, đại đa số động vật trong 14 loài thuộc chương trình cứu hộ đều thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm, đang có nguy cơ bị tuyệt chủng rất lớn. Ví dụ như voọc Cát Bà chỉ còn 70 cá thể, hay voọc mông trắng chỉ còn khoảng 300 cá thể ở Việt Nam…”. Vừa dứt lời, chị Tích liền nói nhỏ với phóng viên Dân Việt: “Bản thân tôi mong muốn khi du khách tới trải nghiệm ở đây sẽ có thể nắm bắt đầy đủ cả thực tiễn của bản địa và của khoa học nên từ những ‘tín hiệu’ trong thực tế, tôi sẽ chia sẻ thêm những thông tin mang tính khoa học về các loài”.
Cho đến nay, từng ngọn cây, địa hình của các tour du lịch ở Vườn, chị Tích đều thân thuộc như trong lòng bàn tay. “Du khách có thể lựa chọn hoạt động trải nghiệm ngắn ngày hoặc dài ngày, có thể đi xuyên rừng, ngủ bản để tìm hiểu về văn hóa hay tìm hiểu về phong cảnh thiên nhiên, các loài động vật…”, chị Tích nói thêm.
Người phụ nữ 42 tuổi tâm sự: “Vì bản thân mình là nữ nên thường sẽ được các anh em hướng dẫn viên khác ưu ái nhường dẫn các tour gần. Riêng những tour đi xem thú đêm, đa số các anh em nam giới sẽ đảm nhận vai trò hướng dẫn viên. Tuy nhiên, có những hôm lượng khách tới tham quan rất đông, lúc đó tất cả các hướng dẫn viên sẽ đều tham gia, bất kể tour ngày hay đêm, chị em phụ nữ cũng sẽ vào cuộc”.
Theo chị Tích, chị không ngại dẫn các tour xuyên rừng, ngủ bản, kể cả vào ban đêm: “Điều duy nhất khiến tôi lo sợ là du khách không tín nhiệm mình. Do đó, tôi thường xuyên tìm tòi, nâng cao trình độ để phát triển nghề. Trong một chuyến đi, điều may mắn nhất là cơ duyên giao hòa giữa thiên nhiên với con người, tức là đoàn khách tham quan có thể gặp được nhiều loài động vật, từ đó tôi cũng có cơ hội chia sẻ nhiều hơn. Đó là điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi thực hiện nhiệm vụ”.
Hướng dẫn viên cần linh hoạt để phục vụ khách nội, khách ngoại?
Những năm trở lại đây, nhiều du khách, nhất là khách quốc tế, khi tới Ninh Bình đều mong muốn tới Vườn Quốc gia Cúc Phương để khám phá cảnh sắc thiên nhiên và những loài động vật quý hiếm.
Nhân kỳ nghỉ dài ngày, ông Christian (54 tuổi, du khách Đức) cùng gia đình tới trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, người đàn ông 54 tuổi cho biết: “Dù đã nghiên cứu trước các thông tin về vườn nhưng khi tới đây, tôi và gia đình lại có những trải nghiệm vô cùng mới mẻ. Tôi cảm nhận được sự nguyên sơ, hùng vĩ, không khí trong lành... đến từ tự nhiên. Đây chắc chắn sẽ là trải nghiệm mà tôi không thể quên được”.
Theo chị Tích - hướng dẫn viên du lịch tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, quá trình đồng hành cùng khách Việt Nam và khách nước ngoài có những điểm khác biệt. “Thông thường, khách nội địa trước khi tới tham quan sẽ chưa biết được những hoạt động trải nghiệm cụ thể là gì, chỉ sau khi được hướng dẫn viên truyền tải các nội dung thì họ mới nắm rõ. Tuy nhiên, du khách nước ngoài trước khi tới đây họ đã tìm hiểu rất kỹ thông tin của Vườn rồi và họ còn chia sẻ thêm rất nhiều điều liên quan tới quốc gia của họ nữa”.
Chia sẻ về một kỷ niệm trong quá trình công tác tại Vườn, chị Tích nhớ lại: “Tôi nhớ nhất là có một lần, tôi có cơ hội chia sẻ thực trạng của những bạn động vật ‘mồ côi’ từ nhỏ tới một gia đình người Pháp có năm thành viên, trong đó có 3 bạn nhỏ. Khi biết thông tin mẹ của một bạn động vật bị bắn chết nhưng nó vẫn bám trên thân thể của mẹ nó để được sống. Cuối cùng, bạn động vật ấy được giải cứu về Vườn. Khi nghe câu chuyện này, một bạn nhỏ trong gia đình người Pháp đã cảm động và khóc. Bạn ấy hẹn rằng khi lớn lên sẽ làm một điều gì đó để giúp đỡ cho các bạn động vật gặp nguy hiểm và cũng mong muốn rằng mọi người sẽ cùng giúp đỡ các bạn ấy giống như các cô chú ở Việt Nam”.
Chị Tích cho biết thêm: “Tôi tự hào vì bản thân tôi cùng các anh chị em hướng dẫn viên khác đã ươm mầm được tình yêu thiên nhiên cho du khách khi tới đây. Chính những câu chuyện từ thực tế đã chạm đến trái tim và hành động của con người, như trong câu chuyện phía trên tôi chia sẻ. Qua đó, tôi cảm thấy công việc mình làm mỗi ngày càng trở nên ý nghĩa hơn”.
Nữ hướng dẫn viên bày tỏ hy vọng: “Tôi mong rằng tất cả du khách khi đến Vườn Quốc gia Cúc Phương hay bất cứ Vườn Quốc gia nào, cũng đừng nên coi đó là nơi đáp ứng sự hiếu kỳ về thiên nhiên mà hãy suy nghĩ rằng những địa điểm này là ‘tài sản’ quý giá của quốc gia và cần sự chung tay bảo vệ của tất cả mọi người”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.