Hướng lợi ích đến nông dân

Thứ năm, ngày 01/07/2010 18:06 PM (GMT+7)
(NTNN) - Trao đổi với NTNN, nhiều chuyên gia cho rằng, việc có hình thành các tập đoàn lương thực hay không không quan trọng, điều cần thiết là phải có lợi cho người nông dân.
Bình luận 0
 img
Việc tổ chức lại các doanh nghiệp kinh doanh lương thực phải dựa vào các địa phương.

Tập đoàn phải làm lợi cho người dân

Hiện trong ngành lương thực, nước ta đang có hai Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và miền Nam (Vinafood 2). Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu có hình thành tập đoàn thì cũng trên cơ sở của hai tổng công ty này. Ông Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: "Thành lập tập đoàn hay không thì trong sản xuất lúa cũng phải có sự liên kết, nhất là liên kết vùng và "bốn nhà". Tức là doanh nghiệp kinh doanh lương thực phải có sự đầu tư cho dân, có vùng nguyên liệu của riêng mình nếu không thì thành lập tập đoàn cũng không có nhiều ý nghĩa.

Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định tổ chức lại Vinafood 1 và Vinafood 2 như hiện nay với chức năng chính là tổ chức sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lương thực, nông sản và chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Hiện tại cả Vinafood 1 và Vinafood 2 đang hoạt động theo mô hình "công ty mẹ- công ty con" với 100% vốn nhà nước.

Về chức năng của tập đoàn, theo ông Bảnh: "Điều quan trọng của doanh nghiệp kinh doanh lương thực là phải có sự liên kết với người dân, theo đó cần đặt hàng cho người dân trồng giống gì, sẽ thu mua với giá thành ra sao, chứ không phải cứ để cho người dân muốn trồng gì thì trồng. Thái Lan họ phát triển ngành lúa gạo mạnh như thế, nhưng có thấy thành lập tập đoàn nào đâu".

Vinafood 1, đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành một tập đoàn sản xuất, chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu Việt Nam. Tập đoàn sẽ hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, đa sở hữu, trong phạm vi cả nước. Như vậy, việc đảm bảo an ninh lương thực gần như bị bỏ ngỏ.

Về vấn đề này, ông Bảnh nhận định: "Trên thế giới, đa số những doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lương thực không giàu, vì họ còn có một chức năng quan trọng là đảm bảo an ninh lương thực, vì đây là hàng hoá đặc biệt. Do đó, kể cả có thành lập tập đoàn hay không, nhà nước cũng phải nắm được ngành này, nếu không dễ dẫn đến việc tập đoàn sẽ lũng đoạn, độc quyền, như thế rất nguy hiểm. Theo tôi, dù là mô hình gì, chúng ta cũng cần phải cải tiến lại các khâu từ phương thức sản xuất đến thu mua, tiêu thụ lương thực còn việc thành lập tập đoàn cần nghiên cứu và xem xét rất kỹ. Bởi nếu thành lập tập đoàn mà chỉ có đi mua sẵn lúa do dân trồng ra, không có sự đầu tư cho sản xuất, thì cũng chẳng làm gì cả".

Tốt nhất là hình thành các công ty cổ phần

TS.Nguyễn Quang A - chuyên gia kinh tế cao cấp nói thẳng: "Ngay cả với mô hình như hiện nay, thị trường lương thực cũng đã bị lũng đoạn và phần nào đó là độc quyền rồi, nếu có nâng cấp lên thành tập đoàn thì chỉ có làm tăng thêm tính độc quyền. Theo tôi, việc tổ chức lại xuất, nhập khẩu, buôn bán lương thực là rất quan trọng, còn tên gọi muốn là gì cũng được, nhưng không phải là tổ chức độc quyền và coi rẻ quyền lợi của người nông dân".

Trao đổi với NTNN xung quanh kiến nghị xây dựng tập đoàn lương thực, một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng: Việc xây dựng các tập đoàn lương thực sẽ tăng nguồn lực để can thiệp, chi phối và bình ổn thị trường lương thực.

TS. Nguyễn Quang A đề xuất: "Chúng ta có thể tổ chức thành 1 - 2 hoặc 3 công ty cổ phần thay vì tập đoàn, công ty đó phải tổ chức được mạng lưới liên kết từ người nông dân đến các thương lái phục vụ việc thu mua lương thực. Trong đó, người nông dân, các thương lái cần có tiếng nói trong công ty đó, có thể dưới dạng cổ đông hoặc người đại diện".

Trao đổi với NTNN, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, công ty kinh doanh lương thực phải có nhiệm vụ hỗ trợ cho người dân giống, vốn, kho chứa, thậm chí cả việc hướng dẫn người dân cấy như thế nào, cấy giống gì, cuối cùng là phải chế biến được lương thực có giá trị cao nhất để xuất khẩu.

TS. Quang A cũng cho rằng: "Việc tổ chức lại các doanh nghiệp kinh doanh lương thực như thế nào phải dựa vào sáng kiến của địa phương. Các công ty đó có vị trí là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, tiêu thụ lương thực, có khả năng điều phối được chuỗi: sản xuất- chế biến- thương mại hoá, nhưng không được bắt chẹt người dân, mà cần tích cực hỗ trợ người dân hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem