Mất chân vì thuốc lào
Thử thuốc lào tại chợ Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Ảnh: Mạc Li
Ông Nguyễn Văn Quang (43 tuổi, Bình Lục, Hà Nam) vẫn nghĩ mình khỏe như trâu, ăn ngon, ngủ kỹ, mỗi ngày cày băng băng vài thửa ruộng rồi đào ao, chăn lợn quần quật mà không mỏi mệt. Ông cũng chỉn chu với gia đình, chí thú làm ăn chứ không tiêu pha phung phí. Thú vui duy nhất của ông là “bắn” thuốc lào. Buổi sáng vừa từ giường xuống ông đã làm vài “bi” cho sảng khoái, thơm miệng. Ăn sáng xong cũng lại tranh thủ rít vài hơi để phấn chấn đi làm. Trong lúc tạm nghỉ đồng, ông lại cùng bạn cày chia sẻ vài điếu thuốc lào, ít hụm chè xanh làm “đầu câu chuyện”. Thời gian gần đây, ông bắt đầu thấy tê các ngón chân. Lội ruộng về, các đầu ngón chân thâm đen, tê dại, mãi không hồi máu. Nhưng ông vẫn chủ quan.
Đến khi các vết tím đen xuất hiện, ấn cũng không thấy đau, lại lở loét, lan về phía bắp chân, đau không chịu nổi, không đi được, ông Quang mới hốt hoảng đi khám, lên tỉnh rồi lên T.Ư. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm tắc động mạch khiến cho các mạch máu ở chân bị tắc, không đưa máu xuống nuôi chân nên các chi bị hoại tử. Để tránh vết loét lan rộng, các bác sĩ phải tháo khớp chân ông Quang từ đầu gối xuống. Các bác sĩ cho biết, nghiện thuốc lào chính là nguyên nhân khiến cho động mạch nhanh chóng bị xơ vữa dẫn đến viêm tắc. “Xóm tôi đàn ông ai chẳng biết “ăn” thuốc lào thuốc lá từ hồi 13-14 tuổi. Mình có ít tiền thì dùng thuốc lào, cũng nghĩ hút qua nước thì sẽ giảm bớt được khói độc, nào ngờ vẫn có hại vậy. Có lúc hút nhiều cũng bị ho nhưng bỏ được nửa ngày lại thấy buồn phiền, bứt rứt. Lúc vui cũng hút, buồn cũng hút, những lúc tụ tập cùng đám đàn ông trong xóm thì càng “bắn” như liên thanh. Nếu biết có ngày mất chân vì thuốc lào thì ai dám nữa” – ông Quang đau buồn.
4,1 triệu nông dân trước nguy cơ bệnh tật
Theo PGS-TS Đinh Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Viện Tim mạch quốc gia cho biết, số bệnh nhân nhập viện bị nhập viện do xơ vữa động mạch nặng tại viện khá nhiều. Hậu quả của chứng bệnh thường là máu không lưu thông được về các chi khiến cho các đầu ngón tay, ngón chân dần dần bị chết, từ từ lan lên đến đầu gối. Mức nhẹ thì cũng phải điều trị lâu dài để phục hồi, nặng thì phải tháo cụt, cưa chân, tay, “chết” đến đâu cắt bỏ đến đấy. Nhiều bệnh nhân là nông dân, vùng sâu vùng xa, kinh tế khó khăn, chủ quan với bệnh tật thì thường đến khám khi bệnh đã nặng, phải chịu cảnh tàn tật suốt đời.
Ngoài ra, cũng không ít bệnh nhân bị xơ vữa động mạch ở đầu, ở tim dẫn đến đột quỵ, tai biến mạch máu não, nhẹ thì để lại di chứng về sức khỏe, nặng thì mất mạng. Theo TS Hương đáng lưu ý, đa số các bệnh nhân bị xơ vữa động mạch đều có tiền sử nghiện thuốc lá, thuốc lào rất nặng. Có nhiều bệnh nhân là nông dân đã hút thuốc lào 20-30 năm. “Thuốc lá, thuốc lào để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe, nhiều bệnh nhân đã cụt chi hoặc vừa thoát khỏi tử thần, bác sĩ nhắc phải bỏ thuốc lá. Nhưng chưa được bao lâu lại tập tễnh trốn ra ngoài hành lang tranh thủ rít vài hơi” – TS Hương cho biết.
Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành ở Việt Nam, 23,8% người trưởng thành ở Việt Nam hút thuốc lá (khoảng 15,3 triệu người). Ngoài ra còn có hơn 4,1 triệu người hút thuốc lào, trong đó đa số là người dân sống ở nông thôn. Nghiện thuốc lào, hơn 4,1 triệu người nông dân đang đẩy mình vào nguy cơ bệnh tật. Nếu mắc bệnh, người nông dân càng dễ chịu cảnh tàn phế, tử vong do kinh tế khó khăn, điều kiện sống lạc hậu.
Độc như “ăn” thuốc trừ sâu
TS Hương phân tích, trong thuốc lá, thuốc lào có hàng nghìn chất độc có hại đến sức khỏe, trong đó các chất như nicotin, carbon oxit trong khói thuốc, hàng ngày sẽ vào máu, “đóng cặn” trong các mạch máu như cặn vôi trong ấm đun nước, làm cho động mạch hẹp dần rồi tắc hẳn. Máu sẽ không lưu thông đi nuôi cơ thể nên dẫn đến hoại tử các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Ngoài ra có thể gây vỡ mạch máu khiến bệnh nhân bị tai biến, đột quỵ, đau tim đột ngột. Đặc biệt, ở nông dân nghiện thuốc lá, thuốc lào, nguy cơ tắc động mạch còn cao hơn. Do người làm ruộng thường đi đất, ngâm chân trong nước lạnh, nước bẩn nên chân thường tê, chai cứng, mạch máu lưu thông kém. Do đó, khi có các tác động từ chất độc của khói thuốc, các động mạch càng bị xơ vữa nhanh hơn, sớm hơn. Có nông dân mới 33-34 tuổi đã bị xơ vữa động mạch, phải cắt chi, sống cuộc đời tàn tật khi còn trẻ.
Còn bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho biết, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, lá thuốc lá có chứa hơn 7.000 chất độc hóa học thay vì 4.000 chất được công bố trước đây. Trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư. Đây là các chất cực độc có hại đến cơ thể như chất axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), phoóc-môn và CO (khí thải ô tô), toluene (dung môi công nghiệp), methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)… Những người hút thuốc lá, thuốc lào không khác gì “ăn” thuốc trừ sâu, thuốc ướp xác hàng ngày. Các chất độc khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư…
“Nhiều người cho rằng hút thuốc lào thì khói thuốc sẽ lọc chất độc nên ít độc hại hơn thuốc lá. Tuy nhiên, thực tế các chất độc này “hòa tan” trong khói thuốc và ngấm vào cơ thể, còn hít khói thuốc là còn bị nhiễm độc. Ngoài ra, nước điếu lưu cữu lâu ngày còn có nguy sẽ càng có nhiều chất độc hại hơn thậm chí là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhiễm khuẩn…” – bác sĩ Lâm cho biết.
Theo bà Phạm Thị Hoàng Anh (Giám đốc Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam), mỗi năm thuốc lá, thuốc lào giết chết 5 triệu người trên toàn cầu, riêng ở Việt Nam cũng có khoảng hơn 40.000 ca tử vong vì các bệnh tật liên quan đến thuốc lá. Hiện nay, chúng ta đã có hành lang pháp luật phòng chống tác hại thuốc lá, nhiều chương trình phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, chúng ta lại thường nhắc đến tác hại thuốc lá mà không nói đến thuốc lào. Vô hình trung, nhiều người dân vẫn hiểu hút thuốc lào không có hại. Điều đó vô cùng nguy hiểm.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia (Mỹ) đã tiến hàng nghiên cứu so sánh tác hại của thuốc lá và thuốc lào. Những người tình nguyện đã chia làm hai nhóm hút thuốc lá và thuốc lào. Sau mỗi lần hút, những người này được đo lượng nicotin và cacbon monoxit trong máu, cùng với nhịp tim, số lần nuốt khói và thể tích khói đó. Kết quả cho thấy, người hút thuốc lào có lượng cacbon monoxit trong máu còn cao hơn hút thuốc lá. Số lần nuốt khói trung bình của người hút thuốc lào cao hơn hút thuốc lá tới 48 lần và cả hai kiểu hút đều đưa nicotine vào máu. Như vậy, hút thuốc lào thậm chí còn hít nhiều khói độc hơn hút thuốc lá. Theo các nhà nghiên cứu, điều này “đánh đổ” niềm tin cho rằng hút thuốc lá qua bát điếu chứa nước thì không có độc.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.