Huỷ giải đua xe công thức 1: Chấp nhận hi sinh vì lợi ích lâu dài
Huỷ giải đua xe công thức 1: Chấp nhận hi sinh vì lợi ích lâu dài
Theo Tổ Quốc
Thứ sáu, ngày 16/10/2020 13:20 PM (GMT+7)
Đánh giá về quyết định huỷ giải đua Công thức 1 tại Việt Nam năm 2020, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, chúng ta chấp nhận hi sinh (lãng phí vốn đầu tư) tại thời điểm này, tuy nhiên, về lâu dài, quyết định đó chính là tiết kiệm và bảo vệ nguồn lực.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, UBND TP Hà Nội, Công ty TNHH Hiệp hội Thể thao Xe động cơ (VMA) và Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix (VGPC) chính thức thông báo hủy chặng đua xe công thức 1 tại Việt Nam đang nhận được sự đồng tình ủng hộ từ các chuyên gia và dư luận.
Tại sao cần phải huỷ giải đua F1 và tại sao các chuyên gia kinh tế, dư luận lại đồng tình với quyết định này của UBND TP Hà Nôi? Nếu là người theo dõi những diễn biến dịch Covid-19 và nền kinh tế của toàn thế giới thay đổi theo từng ngày thì, ai đó cũng sẽ hiểu được việc huỷ giải đấu là rất cần thiết!.
Cần thiết là bởi, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, thì sự lựa chọn của Hà Nội được đánh giá là rất đúng đắn và sang suốt. Vì quyết định này, nhắm tới sự phát triển "dài hơi", đảm bảo an toàn cho xã hội và cho nền kinh tế trước làn sóng Covid-19.
Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc hủy chặng đua F1 không chỉ là điều nên làm mà còn là điều phải làm. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh thế này, khả năng có một cuộc đua hấp dẫn theo cách truyền thống, thu hút hàng triệu khách du lịch, nhờ đó, có thể thu hồi vốn như dự kiến, chắc chắn là không tưởng. Hủy tổ chức giải đua từ góc nhìn kinh tế chính là để giảm thiểu thiệt hại cho nguồn lực xã hội, nói rộng hơn nữa là cho cả nền kinh tế trong tương lai.
Đánh giá về quyết định huỷ giải đuaCông thức 1 tại Việt Nam năm 2020, PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng,chúng ta chấp nhận hi sinh (lãng phí vốn đầu tư) tại thời điểm này, tuy nhiên, về lâu dài, quyết định đó chính là tiết kiệm và bảo vệ nguồn lực.
Thưa ông! dưới góc độ kinh tế, ông đánh giá thế nào về việc huỷ giải đuaCông thức 1 tại Việt Nam năm 2020?
Đây không phải là lãng phí, mà là sự hi sinh cần thiết. Ít nhất nó cũng giống như thao tác "cắt lỗ" trong đầu tư chứng khoán. Vấn đề lúc này là lựa chọn mục tiêu mới: chặn xu thế lỗ để giảm tổn thất. Rộng hơn, có thể là dành nguồn lực cho mục tiêu ưu tiên khác, giải quyết vấn đề sống còn đại cục.
Covid-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu trở nên bất thường, bất định và bất ổn. Xã hội thì bất an. Điều Việt Nam cần làm lúc này là giảm thiểu tất cả những yếu tố ấy, gây dựng sự ổn định, phục hồi và cả khả năng tóm bắt cơ hội. Một chặng đua F1 với số tiền đầu tư lớn nhưng tương lai ít lạc quan chính là điều bất định - khó đoán được kết quả, mà ta cần tránh.
Tôi không nói F1 là sự kiện tiêu cực. Một sự kiện như F1 chỉ nên xem xét khi có đủ yếu tố "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa", hội đủ điều kiện về an toàn, hiệu quả quảng bá và hiệu quả kinh tế. Trước đại dịch, một chặng đua F1 có thể phục vụ nhu cầu giải trí, du lịch của nhiều người nhưng hiện tại, dừng lại cũng là một cách phù hợp để "cứu" nền kinh tế.
Ở một góc nhìn rộng hơn, chúng ta chấp nhận hi sinh (lãng phí vốn đầu tư) tại thời điểm này nhưng về lâu dài, quyết định đó chính là tiết kiệm và bảo vệ nguồn lực.
Căn cứ vào khả năng "thoát dịch" và phục hồi tăng trưởng ở cấp độ toàn cầu – mà các dự báo cơ bản hiện nay đều nhất trí là chỉ đạt được mục tiêu đó sau 2-3 năm kể từ bây giờ, theo logic nêu trên, việc hủy chặng đua F1 tại Hà Nội nên kéo dài nhiều năm (7-10 năm) chứ không chỉ "tạm hoãn" năm nay. Bất cứ nguồn lực nào tiết kiệm được lúc này đều là vô cùng quý. Đó có thể là nguồn cứu sinh cho nhiều doanh nghiệp và cho nền kinh tế. Cần nhìn ở góc độ cao nhất là lợi ích của đất nước.
Việc hủy chặng đua thêm 7-10 năm như ông nói có phải lo xa quá không - bởi khi đại dịch qua đi, nếu có một sự kiện lớn như F1, Việt Nam có thể là điểm đến của rất nhiều khách du lịch quốc tế?
Đại dịch Covid đã thay đổi tất cả, một cách sâu sắc và căn bản. Đời sống kinh tế và xã hội chắc chắn sẽ vận hành theo logic rất khác, đặc biệt là khi đặt trên nền tảng kinh tế số và công nghệ cao. Chúng ta không thể tư duy phát triển, kể cả tư duy về cuộc đua F1 theo con mắt cũ.
Đơn cử như du lịch, sau Covid, nhu cầu, cấu trúc và cách thức sẽ rất khác. Mọi người vẫn sẽ tận hưởng cuộc sống nhưng sự quan tâm ưu tiên sẽ là điểm đến an toàn, cự li gần hơn và chi phí thấp. Du lịch kiểu làn sóng người ồ ạt sẽ lắng xuống, nhường chỗ cho du lịch đẳng cấp cao. Giải đua F1 cũng vậy thôi. Nhu cầu, đối tượng sẽ thay đổi mạnh mẽ. Lúc đó, tôi nghĩ sẽ có một cách kết hợp rất khác giữa đua F1 truyền thống (kinh tế vật thể) với đua trên nền tảng công nghệ số (kinh tế số). Cách tổ chức sẽ thay đổi. Logic kiếm tiền cũng thay đổi.
Việt Nam dừng đua "thật" để suy nghĩ đến một công thức đua mới, gắn với thời đại số - phải chăng đó là cách tiếp cận mới mà chúng ta nên tính tới?
Việc huỷ giải đua F1 ở ngay Việt Nam sẽ đem lại lợi ích tới người dân như thế nào thưa ông?
Nếu cứ tổ chức một giải đua tốn kém như F1 thì thậm chí là đi ngược lại với lợi ích và cảm xúc của số đông người dân. F1 cũng chưa phải là một môn thể thao được ưa chuộng tại Việt Nam mà thậm chí còn là vô cùng mới mẻ nên đa phần người dân sẽ thấy không bị ảnh hưởng gì.
Còn thời điểm khó khăn này, Việt Nam cần dành nguồn lực cho những việc quan trọng hơn – cứu sinh lực lượng doanh nghiệp, xây dựng lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp hiện đại để thay máu cho nền kinh tế hậu Covid. Sau dịch phải là "bình thường mới" chứ không thể tồn tại với nhân dạng cũ. Có thế nền kinh tế mới thay máu và bứt lên cùng thời đại được.
Khái niệm trụ vững hiện tại vô cùng quan trọng bởi sau Covid, thế giới sẽ đứng dậy và Việt Nam cũng không thể "nằm bẹp" được. Chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn đứng dậy, kéo theo cả nền kinh tế. Ngay lúc này, Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ cả chính sách và ngân sách cho những doanh nghiệp có thể lan tỏa cho nền kinh tế. Như tôi nói, đó là việc sống còn hiện tại.
Theo ông việc huỷ giải đua công thức 1 này, có ảnh hưởng gì tới nền kinh tế của chúng ta trong tương lai?
Bây giờ không phải là lúc ta lo lắng với những ý kiến có phần nặng về "sĩ diện" như vậy. Cần phải đứng ở tầm cao để nhìn toàn cục, vì lợi ích phát triển lâu dài của cả nước trong cuộc đua tranh toàn cầu sẽ ngày càng khốc liệt.
Hà Nội và Chính phủ cần xem xét và lựa chọn một quyết định cho giải đua F1 với tầm nhìn như vậy. Hơn nữa, qua giai đoạn dịch vừa qua, Việt Nam đã thậm chí tăng uy tín nhiều bậc, được cộng đồng thế giới đánh giá khi là một trong những quốc gia xử lý tốt nhất dịch bệnh. Tôi tin việc dừng tổ chức chặng đua sẽ được quyết định sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.