Huyết tương của bệnh nhân hồi phục – ‘thần dược’ trong các dịch bệnh

Thứ năm, ngày 02/04/2020 18:32 PM (GMT+7)
Trước khi phát minh ra vắc-xin, các bác sĩ đã “mượn” kháng thể từ các bệnh nhân mới hồi phục để cứu sống hàng ngàn sinh mạng trong nhiều dịch bệnh khác nhau.
Bình luận 0

img

Bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục đang hiến huyết tương để cứu các bệnh nhân khác. Ảnh: Getty Images

Các bác sĩ đã lần đầu tiên thử tiêm huyết tương cho bệnh nhân vào đầu những năm 1900. Phương pháp này được sử dụng để chống lại bệnh bạch hầu, dịch cúm Tây Ban Nha, sởi và Ebola.

Năm 1934, một bác sĩ ở Pennsylvania, Mỹ, đã thử một phương pháp độc đáo để ngăn chặn dịch sởi chết người. Bác sĩ J. Roswell Gallagher đã chiết xuất huyết tương từ một sinh viên mới khỏi bệnh sởi thể nặng, tiêm nó vào 62 cậu bé khác có nguy cơ mắc bệnh cao. Kết quả, chỉ có 3 học sinh mắc bệnh sởi và tất cả đều là những trường hợp nhẹ.

Phương pháp này nghe tương đối mới lạ, nhưng thực ra không phải là mới đối với giới khoa học. Trên thực tế, giải thưởng Nobel về Sinh lý học và Y học đầu tiên đã được trao vào năm 1901 cho Emil von Behring vì công trình phát triển một phương pháp chữa bệnh bạch hầu, một bệnh nhiễm trùng gây tử vong đặc biệt ở trẻ em, giúp cứu sống nhiều sinh mạng. Phương pháp điều trị đột phá của Behring, được gọi là chống độc bạch hầu, được tiến hành bằng cách tiêm cho bệnh nhân những kháng thể lấy từ động vật đã khỏi bệnh.

Thuốc kháng độc tố mà Von Behring sử dụng không phải là một loại vắc-xin, nhưng là ví dụ sớm nhất về phương pháp điều trị có tên là ‘huyết tương dưỡng” (huyết tương của những người đang dưỡng bệnh), hiện đang được xem xét như một phương pháp điều trị tiềm năng cho bệnh nhân COVID-19. Huyết tương dưỡng là huyết tương được chiết xuất từ ​​động vật hoặc bệnh nhân mới khỏi chính căn bệnh đó.

img

Nhà vi khuẩn học - sinh lý học người Đức Emil Adolf von Behring (phải), từng đoạt giải Nobel, tiêm cho chuột bạch trong phòng thí nghiệm, năm 1890.

“Huyết tương dưỡng đã được sử dụng trong suốt lịch sử khi đối mặt với một bệnh truyền nhiễm, nơi có những người đã hồi phục và không có liệu pháp nào khác”, ông Warner Greene, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu điều trị HIV tại Viện Gladstone (Mỹ), cho biết. “Phải có một cái gì đó trong huyết tương của họ, một loại kháng thể giúp người bệnh phục hồi”.

Huyết tương dưỡng tương tác với hệ miễn dịch khác với vắc-xin. Khi một người được điều trị bằng vắc-xin, hệ miễn dịch của họ sẽ chủ động tạo ra các kháng thể để tiêu diệt mọi cuộc chạm trán trong tương lai với mầm bệnh mục tiêu. Đó gọi là miễn dịch tích cực.

Còn huyết tương dưỡng cung cấp cái được gọi là “miễn dịch thụ động”. Cơ thể không tạo ra kháng thể riêng, mà thay vào đó, vay mượn chúng từ một người hoặc động vật khác đã chiến đấu với căn bệnh này. Không giống như vắc-xin, sự bảo vệ của của miễn dịch thụ động không kéo dài suốt đời, nhưng các kháng thể được “mượn” có thể làm giảm đáng kể thời gian phục hồi và thậm chí là yếu tố quyết định sự sống – cái chết.

Giảm một nửa số ca tử vong do cúm Tây Ban Nha

Sau khi phương pháp điều trị chống độc bạch hầu của Von Behring được triển khai trên thế giới để điều trị bệnh bạch hầu vào năm 1895, các bác sĩ đã thử nghiệm kỹ thuật miễn dịch thụ động tương tự để chữa các bệnh sởi, quai bị, bại liệt và cúm.

img

Nhiều bệnh nhân trong dịch cúm Tây Ban Nha thoát chết nhờ được điều trị bằng huyết tương dưỡng.

Trong đại dịch cúm năm 1918, được gọi là cúm Tây Ban Nha, tỷ lệ tử vong đã giảm một nửa đối với những bệnh nhân được điều trị bằng huyết tương dưỡng so với những người không được tiêm huyết tương. Phương pháp này dường như đặc biệt hiệu quả khi bệnh nhân nhận được kháng thể từ những ngày đầu bị nhiễm bệnh, trước khi hệ miễn dịch của chính họ có cơ hội phản ứng thái quá và làm tổn thương các cơ quan quan trọng.

Vào những năm 1930, các bác sĩ như Gallagher cũng đã sử dụng huyết tương dưỡng để điều trị bệnh sởi một cách hiệu quả.

Chống Hantavirus trong Chiến tranh Triều Tiên

Đến những năm 1940 và 1950, thuốc kháng sinh và vắc-xin bắt đầu thay thế việc sử dụng huyết tương dưỡng để điều trị nhiều đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm, nhưng phương pháp lỗi thời này lại có ích trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên khi hàng ngàn binh sĩ Liên hợp quốc nhiễm bệnh sốt xuất huyết Hàn Quốc, còn gọi là Hantavirus. Không có phương pháp điều trị nào khác, các bác sĩ tại hiện trường đã truyền huyết tương dưỡng cho bệnh nhân và cứu sống nhiều người.

img

Lính Mỹ nhiễm Hantavirus được truyền huyết tương ngay tại một trạm y tế trên mặt trận ở Hàn Quốc, ngày 10/8/1950. Ảnh: Getty Images

Chuyên gia Warner Greene nói rằng huyết tương dưỡng thậm chí đã được sử dụng trong giai đoạn chiến đấu với sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp MERS, SARS và dịch Ebola trong thế kỷ 21 này. Đây đều là các loại virus mới lây lan qua các cộng đồng không có miễn dịch tự nhiên, không có vắc-xin hay thuốc đặc trị.

Ngày nay, phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh Ebola vẫn là một cặp “kháng thể đơn dòng”, một kháng thể riêng biệt được phân lập từ huyết tương dưỡng, sau đó được nhân bản một cách nhân tạo trong phòng thí nghiệm.

Thử nghiệm huyết tương dưỡng trong dịch COVID-19

Một trong những ứng dụng hiện đại được biết đến nhiều nhất của huyết tương dưỡng là sản xuất thuốc chống độc để điều trị rắn độc cắn.

img

Bác sĩ Kong Yuefeng, một bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục, hiến huyết tương ở Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 18/2/2020. Ảnh: Getty Images

Thuốc chống nọc độc rắn được tạo ra bằng cách tiêm một lượng nhỏ nọc rắn vào ngựa và cho phép hệ miễn dịch của ngựa tạo ra các kháng thể trung hòa chất độc. Những kháng thể ở ngựa được phân lập, tinh chế và phân phối cho các bệnh viện dưới dạng kháng nguyên.

Vào tháng 3/2020, các bác sĩ tại Đại học John Hopkins (Mỹ) đã bắt đầu thử nghiệm huyết tương dưỡng như một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn cho bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong khi vẫn tiếp tục phát triển một loại vắc-xin. Ưu điểm của huyết tương dưỡng là nó có thể được lấy từ những bệnh nhân đã hồi phục bằng cách sử dụng công nghệ tách huyết tương giống như tại các ngân hàng máu.

Thu Hằng (Báo tin tức)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem