Hy hữu: Nhãn cầu lồi ra ngoài hốc mắt mà không phải cắt bỏ

Bạch Dương Thứ hai, ngày 31/08/2020 12:34 PM (GMT+7)
Ngày 31/8, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã thông tin về một trường hợp bé trai bị lồi toàn bộ mắt ra ngoài ổ mắt đã được bảo tồn, đưa nhãn cầu vào trong ổ mắt mà không phải cắt bỏ.
Bình luận 0
Hy hữu: Nhãn cầu lồi ra ngoài hốc mắt mà không phải cắt bỏ - Ảnh 1.

Tình trạng mắt của bé qua phim chụp khi nhập viện.

BS Trần Châu Thái, khoa Mắt Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bé trai 9 tuổi (quê Cà Mau) đang đạp xe đạp thì bị ngã, tay lái xe đạp đập vào mắt trái khiến mắt của bé lồi hẳn ra bên ngoài. Gia đình đưa bé cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau, sau khi sơ cứu đã chuyển bé đến Bệnh viện Mắt TP.HCM.

Tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, bé được chẩn đoán lồi nhãn cầu, phần phụ mắt lồi ra khỏi ổ mắt, xuất huyết giác mạc, phản xạ yếu, giác mạc mờ đục. Bên cạnh đó, bé còn chấn thương sọ não, dịch não chảy vào hốc mắt nên Bệnh viện Mắt đã chuyển bé sang Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.

BS Thái cho biết, khi nhập viện, bé trong tình trạng lồi nhãn cầu, vỡ sàn sọ bờ ngoài ổ mắt trái, gãy xương vùng hàm mặt. Nhận thấy nhãn cầu của bé chưa bị tổn thương, các bác sĩ đã xem xét tìm cách bảo tồn, đưa nhãn cầu trở lại hốc mắt

Hy hữu: Nhãn cầu lồi ra ngoài hốc mắt mà không phải cắt bỏ - Ảnh 2.

BS Thái kiểm tra lại tình trạng mắt của bé ngày 31/8.

BS Thái chia sẻ, hơn 30 năm làm việc tại bệnh viện, đây là lần đầu tiên gặp một ca nhãn cầu bị lồi hoàn toàn ra ngoài mà gần như không bị tổn thương, không dập vỡ, không tụ máu, vì thế các bác sĩ đã tìm cách cố gắng bảo tồn trọn vẹn mắt cho bé.

Đây là trường hợp chưa từng gặp trong y văn nên các bác sĩ đã tự tìm hiểu, nghĩ cách, cuối cùng đã quyết định cắt dây chằng mí ngoài, đặt 4 mũi chỉ để kéo mí lên, tạo chỗ trống để nhãn cầu từ từ vào lại trong hốc mắt sau đó nối dây chằng, bảo tồn trọn vẹn mắt trái cho bé. Sau ca mổ, mắt của bé đang phục hồi tốt, mắt trái từ chỗ mờ đục, hiện tại thị lực đã được 6/10.

BS Thái cho biết, lúc mới tiếp nhận bệnh nhi, ai cũng nghĩ đến việc phải cắt bỏ mắt trái của bé vì mắt bị lồi ra quá lâu (hơn 1 ngày), qua "giai đoạn vàng" để phục hồi (6 giờ đầu sau tai nạn), nguy cơ hỏng thần kinh thị giác, hoại tử rất cao. Rất may khi kiểm tra, tình trạng nhãn cầu và sức khỏe của bé vẫn duy trì được nên các bác sĩ đã hội chẩn nhiều chuyên khoa, quyết tâm bằng mọi giá giữ lại mắt cho bé.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem