Indonesia tuyên bố không nhập khẩu gạo trong năm 2025
Giới chức trách Indonesia tuyên bố, nước này sẽ không nhập khẩu gạo, bắp, đường và muối trong năm 2025 nhờ nguồn dự trữ và sản lượng trong nước dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu.
Indonesia cũng dự kiến tăng cường dự trữ gạo trong năm tới bằng cách thu mua gạo của nông dân trong nước. Chính phủ nước này sẽ nâng mức dự trữ gạo lên 2,5 triệu tấn để củng cố năng lực tự cung tự cấp lương thực. Nếu tính cả các nhà bán lẻ, số gạo dự trữ trên toàn quốc ước tính lên tới 8 triệu tấn vào cuối năm nay.
Theo dữ liệu của Cơ quan thống kê trung ương Indonesia (BSP), sản lượng gạo trong nước trong năm 2024 ước tính đạt 30,34 triệu tấn, giảm 2,43% so với mức sản lượng 31,1 triệu tấn được ghi nhận vào năm ngoái.
Chính phủ Indonesia đang triển khai thực hiện chương trình phát triển 3 triệu ha đất trồng lúa mới để củng cố tính bền vững lương thực của đất nước trong bối cảnh đối mặt các thức thách toàn cầu và nhu cầu trong nước ngày càng lớn do dân số tăng.
Nếu Indonesia dừng nhập khẩu gạo trong năm 2025, điều đó sẽ tạo ra một sự sụt giảm về nhu cầu khá lớn trên thị trường quốc tế. Đất nước đông dân nhất Đông Nam Á này là một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Theo BSP, trong 11 tháng năm 2024, Indonesia nhập khẩu 3,85 triệu tấn gạo, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng gạo nhập khẩu này chủ yếu đến từ Thái Lan (1,19 triệu tấn), Việt Nam (1,12 triệu tấn) và Myanmar (642.000 tấn).
Ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, năm 2024 kim ngạch thương mại song phương cũng như kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt mức cao nhất từ trước tới nay, tăng trưởng ở mức hai con số.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tính chung 11 tháng 2024, tổng kim ngạch song phương đạt mức 15,15 tỷ USD, tăng 19,99% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia trong kỳ đạt 5,69 tỷ USD, tăng 21,7%.
"Ước tính cả năm 2024, tổng kim ngạch song phương đạt ít nhất 16 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt hơn 6 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay" - ông Phạm Thế Cường thông tin và cho biết thêm, kim ngạch thương mại song phương ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng trong vòng 4 năm trở lại đây từ mức 8,07 tỷ USD năm 2020 lên mức 16 tỷ của năm 2024.
Xuất khẩu nhóm hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng, gạo là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong kỳ. Số liệu thống kê cho thấy, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng chủ lực Việt Nam sang Indonesia trong kỳ đạt 917,69 triệu USD, tăng 20,4% và chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó gạo là nhóm hàng nông sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong kỳ.
Tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Indonesia trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 1.120.339 tấn, đạt giá trị 679 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và 10,4% về giá trị. Với giá trị và số lượng gạo xuất khẩu trong kỳ, Indonesia tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam trong 2024.
Thị trường gạo sẽ ra sao?
Giá lúa gạo ngày 1/1/2025 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ít biến động với cả gạo và lúa so với ngày hôm qua.
Trong đó, với mặt hàng lúa, giao dịch ngưng trệ, giá lúa đi ngang so với hôm. Theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hiện giá lúa IR 50404 (tươi) dao động ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg; lúa OM 18 (tươi) dao động ở mốc 8.700 - 8.900 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 (tươi) dao động ở mốc 8.800 – 9.000; lúa OM 5451 dao động ở mốc 8.400 - 8.500; lúa OM 380 ở mức 6.600 -6.700 đồng/kg; Nàng Hoa 9 ở mức 9.200 đồng/kg; lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang hiện gạo nguyên liệu IR 504 dao động ở mức 9.000-9.150 đồng/kg; Gạo thành phẩm IR 504 tăng 100 đồng dao động ở 10.700 -10.800 đồng/kg.
Với phụ phẩm, giá các mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động khoảng từ 5.900 - 8.000 đồng/kg. Hiện, giá tấm thơm dao động ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; giá cám khô dao động ở mức 5.900 - 6.000 đồng/kg.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ổn định so với hôm qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện gạo tiêu chuẩn 5% ở mức 481 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 454 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 383 USD/tấn.
Năm 2024 đã khép lại với kết quả xuất khẩu tích cực của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực. Xuất khẩu gạo năm 2024 lần đầu đạt 9 triệu tấn, thu về 5,8 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng nhưng tăng tới 23% về giá trị, cũng là mức cao nhất từ trước tới nay. Đây cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chào và ký kết các hợp đồng bán gạo cho năm 2025.
Giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 03 năm vừa qua, đã có hành trình tăng ấn tượng, tăng tới trên 28%, kéo theo kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, theo Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam, năm 2025 xuất khẩu gạo của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với năm 2024 vì nguồn cung gạo thế giới sẽ trở nên dồi dào hơn.
Nhiều nước xuất khẩu gạo trên thế giới đang nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung lương thực.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nguồn cung lúa gạo toàn cầu năm 2025 sẽ tăng và sản lượng xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 sẽ cao hơn năm 2024 khoảng 2,3 triệu tấn lên 56,3 triệu tấn.
Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: "Nhiều nước xuất khẩu gạo trên thế giới đang nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung lương thực, bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đã mở lại cung hàng. Có thể, vì những lý do trên, giá gạo xuất khẩu trung bình có thể giảm xuống".
Các doanh nghiệp xuất khẩu cùng chung quan điểm với giới chuyên gia, giá gạo có thể giảm khi nguồn cung phục hồi, nhưng cơ hội của gạo Việt Nam vẫn có khi chất lượng được chú trọng để đảm bảo những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh chính của gạo Việt trong thời gian tới.
Thực tế, giá gạo xuất khẩu đã giảm khá mạnh ngay trong tháng 12/2024. Đến cuối tháng 12 giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam chỉ còn ở mức 481 USD/tấn, giảm tới 39 USD so với đầu tháng 12/2024. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã xuống thấp hơn gạo Thái Lan (499 USD/tấn) và ở mức thấp nhất trong 19 tháng qua. Tương tự, giá gạo 25% tấm và 100% tấm cũng giảm sâu, lần lượt đạt 454 USD/tấn và 383 USD/tấn.
Doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp để có nguồn cung gạo chất lượng cao, đồng đều và bền vững. Khi đó, doanh nghiệp yên tâm đa dạng hoá thị trường, mở rộng thị phần phân khúc cao cấp không chỉ ở EU mà cả với Nhật Bản, Trung Quốc và Trung Đông,... Việc tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao không chỉ giúp khẳng định vị thế gạo Việt Nam mà còn là cơ sở để doanh nghiệp chủ động đàm phán về giá bán tương xứng với giá trị, giảm áp lực giá từ thị trường lương thực dự trữ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.