Ngành Thú y tạo "lá chắn" bảo vệ 31 triệu con lợn, 575 triệu con gia cầm, 2 triệu con trâu, bò
Ngành Thú y tạo "lá chắn" bảo vệ 31 triệu con lợn, 575 triệu con gia cầm, 2 triệu con trâu, bò
Khánh Nguyên
Thứ bảy, ngày 04/01/2025 13:59 PM (GMT+7)
Năm 2024, ngành chăn nuôi đạt mức tăng trưởng 5,2 - 5,5%, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Có được kết quả này một phần rất lớn là nhờ ngành thú y đã kiểm soát hiệu quả nhiều dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên phạm vi cả nước.
Hôm nay, 4/1, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị phòng chống dịch bệnh động vật và kiểm soát giết mổ, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Văn Long đồng chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị phòng chống dịch bệnh động vật và kiểm soát giết mổ, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Ảnh: Tùng Đinh.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, năm 2024, ngành Thú y tiếp tục kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển ước đạt từ 5,2-5,5%, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, một số loại dịch bệnh nguy hiểm có chiều hướng gia tăng so với năm 2023.
Đơn cử như bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, năm 2024, cả nước đã xảy ra 1.609 ổ dịch tại 48 tỉnh, thành phố, số lợn chết và tiêu hủy là 89.580 con.
So với cùng kỳ năm trước, số ổ dịch tăng 69,01%, số lợn bị phải tiêu hủy tăng 2,01 lần. Hiện nay, có 32 xã thuộc 28 huyện của 18 tỉnh chưa qua 21 ngày. Số mắc bệnh là 2.332 con lợn; tổng chết và tiêu hủy là 2.489 con lợn.
Đối với bệnh Cúm gia cầm, năm 2024, cả nước xảy ra 16 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 10 tỉnh, thành phố; số gia cầm mắc bệnh là 98.436 con, số gia cầm chết và tiêu hủy là 113.270 con. Hiện nay, có 2 xã thuộc 2 huyện của tỉnh Thanh Hóa chưa qua 21 ngày. Số gia cầm mắc bệnh là 7.763 con; tổng chết và tiêu hủy là 15.271 con.
Đáng chú ý, năm 2024, dịch Cúm A/H5N1 đã xảy ra trên động vật hoang dã tại Vườn thú Mỹ Quỳnh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với số chết, tiêu hủy là 30 con và Khu Du lịch sinh thái Vườn Xoài của tỉnh Đồng Nai làm chết, tiêu hủy 21 con (20 con hổ, 01 con báo).
Đối với bệnh Lở mồm long móng, cả nước đã xảy ra 74 ổ dịch lở mồm long móng típ O tại 21 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 2.309 con, số gia súc chết và tiêu hủy là 169 con. Hiện nay, cả nước còn 2 xã thuộc 2 huyện của 2 tỉnh Lào Cai và Đắk Lắk chưa qua 21 ngày. Số mắc bệnh là 69 con; tổng chết và tiêu hủy là 6 con.
Đối với bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò, cả nước xảy ra 150 ổ dịch tại 20 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 719 con, số gia súc chết và tiêu hủy là 167 con. Hiện nay, có 4 xã thuộc 2 huyện của tỉnh Tiền Giang chưa qua 21 ngày. Số mắc bệnh là 10 con.
Trong khi đó, theo Cục Thú y, bệnh Dại vẫn diễn biến phức tạp. Báo cáo của ngành Y tế cho thấy, năm 2024, cả nước ghi nhận 86 trường hợp tử vong do bệnh Dại tại 33/63 tỉnh, nhiều hơn 4 trường hợp so với cùng kì năm 2023 (82 ca).
Từ đầu năm đến nay có 290 ổ dịch bệnh Dại trên động vật tại 36 tỉnh, thành phố với số động vật mắc bệnh là 390 con, số động vật chết và tiêu hủy là 671 con. So sánh với cùng kỳ năm trước, số ổ dịch tăng 20,83%, số động vật mắc bệnh tăng 11,11%, số động vật tiêu hủy tăng 43,99%.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, nguy cơ tái phát và lây lan diện rộng ở một số dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao.
Đơn cử như việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi, mặc dù đã có vắc xin Dịch tả lợn châu Phi phòng bệnh cho lợn thịt, nhưng việc quan tâm, sử dụng vắc xin còn hạn chế; một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh.
Trong khi đó, đối với bệnh cúm gia cầm, các ổ dịch chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm; thời tiết thay đổi, số lượng gia cầm nuôi, việc vận chuyển giữa các địa phương tăng cao để phục vụ nhu cầu cuối năm.
Đó là chưa kể, việc chấp hành các quy định của pháp luật về thú y của một số tổ chức, cá nhân còn chưa cao, chưa tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin. Công tác giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời, chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, người dân bán chạy động vật mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh.
Tăng nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch
Theo ông Nguyễn Văn Long, năm 2025, ngành Thú y sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật báo cáo tình hình dịch bệnh trên cả nước, nhất là các bệnh nguy hiểm; đôn đốc, giám sát, tổ chức triển khai thực hiện 05 Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật; tăng cường phối hợp với ngành Y tế trong việc chia sẻ thông tin về các bệnh truyền lây giữa động vật và người, đặc biệt đối với bệnh Dại để có biện pháp xử lý kịp thời.
"Đến nay, đã cơ bản có đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật, Chương trình, Kế hoạch quốc gia, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT rất chi tiết, cụ thể cho từng bệnh, từng thời kỳ. Do đó, việc quan trọng nhất hiện nay là tổ chức thực hiện của các địa phương (nhất là cấp huyện, cấp xã), các doanh nghiệp và người chăn nuôi", ông Long nhấn mạnh.
Để đạt được các mục tiêu này, ngành Thú y đề xuất một số giải pháp như: Tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản theo đúng quy định của pháp luật về Thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.
Trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực hợp pháp để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường;
Tổ chức triển khai việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng vật nuôi hiện có được tiêm phòng, trong thời gian sớm nhất có thể;
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh;
Bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật, ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật;
Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Cục Thú y cũng đề nghị chính quyền các địa phương khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực thú y các cấp theo Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan thú y các cấp giai đoạn 2021 – 2030 để bảo đảm các nguồn lực phòng, chống dịch bệnh động vật. Chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc xin không bảo đảm chất lượng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả mà ngành Thú y đã đạt trong năm 2024, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển, đảm bảo thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, từng bước ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc gia cầm.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, cuối năm là thời điểm thuận lợi để dịch bệnh bùng phát, hoạt động thương mại tăng, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan. Thứ trưởng đề nghị ngành Thú y tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, đảm bảo đủ nguồn thịt cung cấp cho thị trường, đặc biệt là khi Tết Ất Tỵ đang đến gần.
Để thực hiện được mục tiêu phòng chống dịch bên trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đưa ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp.
Theo Thứ trưởng, hiện nay, cơ chế, chính sách đã cơ bản hoàn thiện nhưng cần có giải pháp hiệu quả để đưa vào cuộc sống, đến tận cơ sở. Thứ hai là đẩy mạnh tiêm phòng các dịch bệnh có nguy cơ cao, đặt biệt là dịch tả lợn Châu Phi.
Nhiệm vụ tiếp theo là đẩy nhanh tiến độ tổ chức nghiên cứu, khảo kiểm nghiệm để rút ngắn thời gian cho ra đời các loại vắc xin. Cùng với đó, tổ chức xây dựng vùng sản xuất an toàn dịch bệnh nhưng cần kiểm chứng, đánh giá và cần tới sự phối hợp giữa chăn nuôi và thú y.
Một giải pháp quan trọng nữa là tăng cường quản lý các cơ sở giết mổ, tăng tập trung, giảm nhỏ lẻ. Muốn làm được cần chú trọng quy hoạch, thu hút đầu tư và tổ chức thực hiện, giám sát một cách hiệu lực, hiệu quả.
"Muốn kiểm soát tốt dịch bệnh chúng ta phải quản lý tốt buôn lậu, công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Cùng với đó là kiểm soát tốt khâu nhập khẩu để phòng trừ mầm bệnh từ nước ngoài", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo thống kê, đàn lợn của cả nước đạt hơn 31 triệu con (bao gồm hơn 4 triệu lợn con chưa tách mẹ), tăng 3,3% so với năm 2023. Đàn gia cầm hơn 575 triệu con (tăng 2,8%). Tổng đàn trâu hơn 2 triệu con (giảm 3%), đàn bò hơn 6 triệu con (giảm 0,6%). Sản lượng thịt hơi các loại đạt hơn 8 triệu tấn (tăng 5,4% so với năm 2023).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.