Kazuyoshi Miura: "Cây trường sinh bất tử" và mùa Xuân thứ 52

Thứ hai, ngày 11/03/2019 05:10 AM (GMT+7)
Lại một mùa xuân nữa Kazuyoshi Miura đứng trên thảm cỏ xanh. King Kazu vừa gia hạn thêm 12 tháng hợp đồng với Yokohama FC để viết tiếp câu chuyện cổ tích đương đại của bóng đá thế giới.
Bình luận 0

img

Chống lại thế giới

Ngày 26.02, Kazu Miura vừa tròn tuổi 52. Nhưng ông chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào muốn “nghỉ hưu”. Miura mới gia hạn thêm 1 năm với Yokomaha FC, đội bóng đang chơi ở giải hạng Nhì Nhật Bản.

Năm thứ 14 liên tiếp, Miura ký hợp đồng từng năm một với Yokomaha FC. Ông không chỉ phá kỷ lục cầu thủ lớn tuổi nhất thi đấu chuyên nghiệp của Stanley Matthews (50 tuổi, 5 ngày), mà còn tự xô đổ các cột mốc phi thường do chính mình tạo ra.

Dù là thần tượng châu Á hay ngôi sao thế giới, không cái tên nào có một sự nghiệp kéo dài như Miura. Thủ môn huyền thoại Sebastiano Rossi treo găng năm 39 tuổi, Rivaldo giải nghệ năm 42 tuổi và ngay cả Luca Toni, trường hợp hy hữu của bóng đá châu Âu cũng phải dừng lại ở tuổi 40. 

Miura đã bắt đầu hành trình sân cỏ của mình bằng tâm niệm “Chống lại thế giới”. Ông khởi đầu giấc mơ với vỏn vẹn 700 USD trong túi và tự mình tìm tới Brazil năm 15 tuổi. Trong thời đại của Miura, Nhật Bản chưa có giải VĐQG chuyên nghiệp, nên nếu muốn theo nghiệp quần đùi áo số Miura không thể chôn chân ở quê nhà.

Khi giáo viên cấp 3 hỏi Miura: “Em sẽ làm gì sau khi rời trường học”, Miura dõng dạc trả lời “Em sẽ đến Brazil”. Phải rồi, những năm 70-80 thế kỷ trước, Brazil – cái nôi túc cầu luôn là điểm đến mơ ước của những cậu bé tới từ những nền bóng đá thuộc thế giới thứ ba. Ở Nhật lúc bấy giờ, Yasuhiko Okudera là CLB duy nhất được gọi là chuyên nghiệp, sau khi nhận viện trợ từ Cologne ở Đức. Miura sẽ tới Brazil và cố gắng thử vận may giống nhân vật truyện tranh viễn tưởng Tsubasa.

img

Kazu Miura vẫn dẻo dai trong từng bước chạy dù đã sắp 52 tuổi

Qua người quen của bố, Miura được nhận vào học viện đào tạo trẻ của Atletico Juventus, CLB đóng quân tại Sao Paulo. Nhưng Brazil là một vùng đất khác xa tưởng tượng của Miura. Ở đó, người ta chơi thứ bóng đá với tốc độ kinh hoàng, còn khán giả coi Miura là chú hề di động tới từ châu Á. Rất nhiều lần Miura bị dè bỉu là “Miếng bánh tempura cháy dở” khi bước vào sân tập. Phân biệt chủng tộc là những gì Miura phải chịu đựng trong những tháng đầu tiên ở Brazil và nó khiến ông không thể hiện được những phẩm chất tốt nhất trên sân.

Atletico Juventus muốn trả Miura về Nhật, nhưng vì nể bố Miura nên mới gửi ông sang XV de Jau, một đội bóng bán chuyên trong vùng. Từ đây, Miura tìm thấy vận may cuộc đời. Mira ghi bàn trên chấm phạt đền trong một trận đấu cấp quận, rồi tiếp tục ấn định tỷ số 3-2 giúp XV de Jau đánh bại “ông kẹ” Corinthians trong giải vô địch toàn bang. Lần đầu tiên sau gần 8 tháng ở Brazil, Miura được nghe tên mình trên các khán đài, thay vì các “mỹ từ” khán giả thường mô tả về chú lùn từ Nhật Bản.

Những khoảnh khắc huy hoàng ấy đã thay đổi cuộc đời Miura. Coritiba, Palmeiras và Santos lần lượt trải thảm, mời Miura tới thi đấu. Ngay trên thánh địa của bóng đá, Miura là ngôi sao, là bạn thân của Mirandinha – cầu thủ Brazil đầu tiên tới Anh chơi bóng và tạo ra chỗ đứng vững chắc.

Cổ tích thời hiện đại

Năm 1990, Miura nghe ngóng ở Nhật, các nhà điều hành bóng đá chuẩn bị thành lập giải VĐQG chuyên nghiệp. Vấn đề ở chỗ, nền tảng của J-League là Shizuoka, hệ thống giải đấu bóng đá sinh viên đề cao tính tổ chức và tinh thần đồng đội. Miura, sản phẩm đặc trưng của bóng đá… Brazil, hoàn toàn lạc lõng trong dòng chảy ấy. Ông nhanh, mạnh, khéo và thường sử dụng kỹ thuật cá nhân.

Có hàng nghìn đội bóng sinh viên ở Shizuoka tồn tại từ khi mô hình này ra đời vào năm 1967. 15% số cầu thủ thi đấu trong mùa giải J-League đầu tiên xuất thân từ Shizuoka. Tổng số cầu thủ trưởng thành từ Shizuoka chiếm 2% dân số Nhật Bản.

Dù vậy, Miura vẫn quyết định mạo hiểm. Ông muốn được công nhận trên chính quê hương, lĩnh ấn tiên phong dẫn dắt nền bóng đá non trẻ. Miura gia nhập Yomiuri, tiền thân của Tokyo Verdy. Sau 1 tháng hòa nhập môi trường mới, Miura biến hình thành con “quái thú”, nhanh chóng trở thành thần tượng của bóng đá Nhật Bản.

img

Năm 1993, Miura ghi 16 bàn trong 16 trận, giật giải Cầu thủ xuất sắc nhất và ẵm luôn danh hiệu Vua phá lưới, vượt qua những huyền thoại của bóng đá thế giới như Zico, Gary Lineker. Cho tới năm 1998, Miura ghi tới 100 bàn. Biệt danh King Kazu ra đời từ đó.

Ở cấp ĐTQG, Miura là hạt nhân trong lối chơi của mọi triều đại HLV. Tại vòng loại World Cup 1994, Miura ghi tới 13 bàn. Dù không giúp Nhật Bản giành vé dự World Cup, song Miura đã thật sự mở ra thời đại mới cho bóng đá xứ sở mặt trời mọc.

Ông là người Nhật đầu tiên tới Serie A chơi bóng (trong màu áo Genoa), là người Nhật đầu tiên thi đấu tại Champions League khi chuyển tới Dinamo Zagreb và là một phần của bản hợp đồng thương mại thuyết phục đài truyền hình Fuji mang bóng đá Italia tới Nhật Bản.

Mùa giải 2005, Miura ký hợp đồng với Yokohama FC. Ban đầu, ông nghĩ đơn giản là sẽ chơi thêm 2 năm nữa cho tròn tuổi 40 rồi nghỉ hưu. Nhưng 14 mùa xuân đã trôi qua, đến hẹn lại lên Miura lại được tái ký hợp đồng. Ở tuổi lên ông lên bà, Miura vẫn tuân thủ chế độ dinh dưỡng và tập luyện nghiêm khắc.

“Khi 20, tôi chẳng dám nghĩ mình sẽ thi đấu quá 35 tuổi. Nhưng ở tuổi 50, tôi lại thấy mình không thể sống thiếu bóng đá được”, Miura trả lời Thời báo Nhật Bản sau khi đồng ý chơi thêm 1 mùa giải cho Yokohama FC.

Năm 2019, có lẽ sẽ chưa phải điểm dừng chân cuối cùng trong sự nghiệp mang sắc màu cổ tích của King Kazu.

7 CẦU THỦ GIÀ NHẤT CHƠI BÓNG

John Burridge:

Sinh ngày 03.12.1951, là thủ môn chuyên nghiệp của bóng đá Anh trong 28 năm (1969-1997). Burridge treo găng năm 46 tuổi trong màu áo Blyth Spartans.

img

Faryd Mondragon:

21.06.1971, thành viên thế hệ vàng bóng đá Colombia trong thập niên 90 thế kỷ 20. Thủ môn này giải nghệ năm 43 tuổi sau 24 năm chơi bóng.

Marco Ballotta:

03.04.1964, giữ kỷ lục cầu thủ già nhất từng chơi ở Serie A và Champions League. Thủ môn này chỉ giã từ sự nghiệp ở tuổi 43 năm 2008, sau khi không được Lazio gia hạn.

img

Aleksandar Duric:

12.08.1970, người gốc Bosnia, huyền thoại của bóng đá Singapore. Năm 2014, Duric treo giày ở tuổi 44 sau 22 năm theo nghiệp quần đùi áo số.

Andrea Pierobon:

19.07.1969, 28 năm làm thủ môn, giữ kỷ lục cầu thủ lớn tuổi nhất ra sân trong một trận đấu chuyên nghiệp tại Italia, ở tuổi 44.

Stanley Matthews:

01.02.1915-23.02.2000, cố huyền thoại bóng đá Anh, người chơi bóng chuyên nghệp và ghi bàn ở tuổi 50. Ông là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử được Hoàng gia Anh phong tước “Hiệp Sỹ”.

img

Kazu Miura:

26.02.1967, đang trải qua mùa giải thứ 32 trong sự nghiệp và mới tái ký hợp đồng với Yokohama FC. Tháng 03.2017, Miura lập kỷ lục cầu thủ lớn tuổi nhất ghi bàn trong một trận đấu (vào lưới Thespakusatsu Gunma).

Cẩm Chi (Báo Bóng đá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem