Kẻ đạp vào xe máy khiến đại úy Hồ Tấn Dương hy sinh có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 05/08/2022 14:42 PM (GMT+7)
Đại uý Hồ Tấn Dương, 36 tuổi, khi truy bắt hai đối tượng nghi trộm tài sản đã bị chúng đạp ngã xe và hy sinh. Hành vi của các đối tượng có thể bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Bình luận 0

Đại uý Hồ Tấn Dương hy sinh khi truy đuổi đối tượng trộm cắp

Ngày 4/8, Công an tỉnh Đồng Tháp thông tin về việc đại úy Hồ Tấn Dương, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế và môi trường Công an huyện Lấp Vò, hy sinh trong quá trình truy bắt tội phạm.

Trưa cùng ngày, đại úy Hồ Tấn Dương cùng đồng đội truy bắt người có dấu hiệu phạm tội trên tuyến quốc lộ N2B.

Kẻ đạp vào xe máy khiến đại úy Hồ Tấn Dương hy sinh có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Đại uý Hồ Tấn Dương đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Ảnh: Công an Đồng Tháp.

Bị chúng đạp vào xe máy dẫn đến té ngã, đại úy Dương chấn thương, tử vong trên đường đến bệnh viện.

Công an huyện Lấp Vò sau đó đã khống chế 2 người nghi trộm tài sản xuất hiện trên một xe tải đậu dọc quốc lộ N2B. Hai đối tượng bị thương, được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Lấp Vò.

Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khám nghiệm, thực hiện điều tra để làm rõ sự việc.

Hành vi của các đối tượng có thể bị xử lý thế nào?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là một vụ việc nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến an ninh trật trự, và đặc biệt là khiến một chiến sỹ công an tử vong nên cơ quan chức năng sẽ sớm khởi tố để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Theo luật sư Khuyên, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ xác định động cơ, mục đích đạp xe của đối tượng là gì, ý thức chủ quan và diễn biến hành vi khách quan của đối tượng ra sao.

Nếu việc đạp xe chỉ là đạp bừa để nhằm tẩu thoát, đối tượng sẽ có thể bị xử lý về Tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật hình sự 2015.

Còn nếu đối tượng nhận thức được hành vi đạp xe của mình có thể gây nguy hiểm chết người, nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, đối tượng có thể bị xử lý về Tội giết người người theo Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 với tình tiết định khung là giết người đang thi hành công vụ.

Ngoài ra, nhóm người này còn có thể phải còn bị xử lý về tội trộm cắp tài sản vì trước đó là nghi phạm của một vụ trộm cắp tài sản.

Vị luật sư cho biết, Điều 330 quy định về Tội chống người thi hành công vụ như sau: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Trong khi đó, Điều 123 quy định về tội giết người như sau: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp như giết 2 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức; Vì động cơ đê hèn… sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Nếu phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này sẽ bị phạt tù từ 7 đến 15 năm. Người chuẩn bị phạm tội giết người bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

"Như vậy, tùy tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào tội danh bị truy tố mà đối tượng đạp vào xe máy khiến đại úy Hồ Tấn Dương có thể phải đối mặt với các khung hình phạt như đã phân tích ở trên" – luật sư Khuyên nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem