Theo Bulgarian Military, chính quyền Reagan của Mỹ từng đề xuất một kế hoạch táo bạo, mặc dù có nhiều rủi ro, để giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh giữa bối cảnh Liên Xô dẫn đầu cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Theo kế hoạch được vạch ra, Mỹ sẽ tấn công phủ đầu Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân.
Mục tiêu là để cho Liên Xô thấy rằng Mỹ không sợ chiến tranh hạt nhân và sẵn sàng tấn công Liên Xô trước. Những tuyên bố của chính quyền Reagan đã gióng hồi chuông cảnh báo giới lãnh đạo Liên Xô.
Nếu Mỹ tấn công phủ đầu Liên Xô và có thể bắn hạ tên lửa Liên Xô phóng đi để trả đũa, Mỹ rất có thể sẽ giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Các nhà lãnh đạo Liên Xô tin rằng Mỹ sẽ phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân và họ bị dồn vào chân tường. Vì thế họ đã nhanh chóng phát triển một hệ thống đảm bảo đòn trả đũa hạ nhân, bao gồm các loại vũ khí và kỹ thuật quân sự được xây dựng cả trên mặt đất, trên không và trên biển.
Hệ thống này mang tên "Perimeter", được biết đến ở phương Tây với cái tên "Mertvaya Ruka" hay còn gọi là "Dead Hand" (tức "Bàn tay thần chết").
Về bản chất, Perimeter là một hệ thống với mạng lưới liên lạc thay thế của Lực lượng Hạt nhân Chiến lược Nga - một hệ thống bí mật và đáng tin cậy không thể bị vô hiệu hóa.
Đây là một tổ hợp hoàn toàn tự động để kiểm soát cuộc tấn công hạt nhân khổng lồ và được xem là biện pháp phòng vệ cuối cùng chống lại kẻ xâm lược.
Nó được thiết kế để bảo đảm rằng, ngay cả khi các cơ quan đầu não bị hủy diệt bởi đòn đánh đầu tiên, Liên Xô vẫn có khả năng trả đũa để khiến đối thủ cũng bị hủy diệt theo.
Theo Bulgarian Military, Perimeter được thiết kế để ở trong trạng thái không hoạt động cho đến khi một quan chức quân sự cấp cao kích hoạt nó vào thời điểm xảy ra khủng hoảng.
Khi đó, các trung tâm chỉ huy của hệ thống Perimeter sẽ giám sát các yếu tố thiên nhiên, địa chấn và bức xạ; đồng thời theo dõi dữ liệu của hệ thống cảnh báo tên lửa, chặn thu liên lạc trên các tần số mà đối phương sử dụng để tìm dấu hiệu của vụ nổ hạt nhân. Nếu được kích hoạt, chính hệ thống sẽ đưa ra quyết định có tấn công hạt nhân để trả đũa hay không.
Trước khi quyết định tấn công trả đũa, hệ thống phải kiểm tra điều kiện cần và đủ bao gồm cuộc tấn công hạt nhân đó có xảy ra trên lãnh thổ Liên Xô hay không. Nếu có, hệ thống sẽ kết nối với các quan chức quốc phòng cấp cao, nếu có kết nối mà sau 15 phút đến 1 giờ không có lệnh tấn công - hệ thống sẽ tự động tắt. Nếu không có kết nối - đồng nghĩa với việc những người có đủ thẩm quyền ra lệnh tấn công hạt nhân đã chết hết - Perimeter sẽ tự ra quyết định phản đòn.
Với Perimeter, ngay cả khi chỉ huy quân sự cao nhất của đất nước, các chính trị gia, các nhà lãnh đạo... đều không còn sống, Liên Xô vẫn đảm bảo khả năng trả đũa.
Cựu Tổng tham mưu trưởng Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga - Tướng Viktor Yesin cuối năm 2019 từng cảnh báo rằng, hệ thống Perimeter được Liên Xô phát triển từ thời Chiến tranh Lạnh hiện vẫn hoạt động và sẽ được kích hoạt khi Nga lâm vào tình thế có ít phương tiện để phòng thủ sau cuộc tấn công đầu tiên của kẻ thù.
“Đây là một phương tiện trả đũa chứ không phải tấn công”, ông Yesin nhấn mạnh.
Minh Nhật (Bulgarian Military)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.