Kéo dài thêm 1 năm thí điểm cơ chế đặc thù, có đủ thời gian cho TP.HCM tháo gỡ khó khăn?

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 03/12/2022 12:39 PM (GMT+7)
Nghị quyết 54 về cơ chế thí điểm cho TP.HCM có hiệu lực từ 1/2018 đến hết năm 2022. Sau gần 5 năm thực hiện, kết quả chưa đạt được như kỳ vọng. Chính phủ đã đề xuất kéo dài thêm một năm thực hiện cơ chế thí điểm này.
Bình luận 0
Kéo dài cơ chế thí điểm thêm 1 năm, có đủ thời gian cho TP.HCM tháo gỡ khó khăn? - Ảnh 1.

Sau gần 5 năm thực hiện cơ chế thí điểm, TP.HCM vẫn chưa đạt được kỳ vọng như mong đợi. Ảnh: P.V

Chưa được như kỳ vọng

Theo Nghị quyết 54/2017, TP.HCM được trao một số quyền với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: Đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức. Những chính sách đặc thù này được kỳ vọng tăng cường nguồn lực và tạo ra động lực phát triển mới cho TP.HCM

Ngay sau đó, thành phố ban hành nhiều chính sách thực hiện nghị quyết này. Trong đó, nội dung đầu tiên được triển khai là chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức tối đa là 1,8 lần mức lương theo ngạch, bậc, tạo động lực, cải thiện đời sống, khuyến khích cán bộ, công chức gắn bó lâu dài.

Cùng với tạo động lực cho cán bộ, cơ chế uỷ quyền từ thành phố cho cấp huyện được cho đã giúp rút ngắn thời gian của một số loại thủ tục hành chính như quá trình duyệt kế hoạch và thực hiện quỹ lương hàng năm của doanh nghiệp nhà nước giảm từ 22 còn 10 ngày sau khi ủy quyền cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội...

HĐND TP được trao quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, giúp rút gọn quy trình, tiết kiệm thời gian thay vì phải mất khoảng 6 tháng để chờ ý kiến Thủ tướng như trước. Kết quả, từ 2018 đến 2020, HĐND thành phố đã thông qua 32 dự án với tổng diện tích 1.850 ha…

Tuy nhiên thực tế TP.HCM triển khai cơ chế đặc thù chậm so với kế hoạch. Trong gần 5 năm thực hiện, năm đầu tiên thành phố dành thời gian xây dựng kế hoạch, công tác chuẩn bị. Sau đó, TP.HCM lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong hai năm (2020-2021), nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của nghị quyết này.

Chính phủ nhìn nhận, hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt... chưa được TP.HCM tận dụng.

Chẳng hạn, tiến độ thực hiện các công trình, dự án phụ thuộc vào thẩm định, ban hành quyết định của các bộ, ngành có thẩm quyền, cũng như phụ thuộc vào cân đối vốn của chủ đầu tư, trong khi chủ đầu tư lúng túng hoàn thiện các thủ tục để được giao, thuê đất theo quy định... Các khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương... chưa thực hiện.

Quốc hội cho thành phố hưởng toàn bộ số thu từ cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước thay vì phải phân cấp nguồn thu với Trung ương. Tuy nhiên, thực tế sau ba năm, giá trị thu được từ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố chỉ đạt hơn 391 tỷ đồng.

Nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa thể triển khai. Năm 2019, Chính phủ duyệt danh mục 38 doanh nghiệp của thành phố phải cổ phần hoá đến hết năm 2020, song thành phố không thực hiện được do Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa hướng dẫn phương án sử dụng đất khi cổ phần hoá doanh nghiệp.

TP.HCM cũng chưa nhận đồng nào từ chính sách cho phép hưởng 50% tiền bán đấu giá tài sản công của cơ quan Trung ương trên địa bàn. Đến nay, chỉ có hai cơ sở nhà, đất thuộc Trung ương quản lý tại thành phố được duyệt bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng hiện vẫn chưa thực hiện…

Kéo dài cơ chế thí điểm thêm 1 năm, có đủ thời gian cho TP.HCM tháo gỡ khó khăn? - Ảnh 3.

TP.HCM cần có Nghị quyết mới phù hợp thực tiễn hơn Nghị quyết 54. Ảnh: P.V

Sau gần năm TP.HCM áp dụng Nghị quyết 54, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đánh giá, bên cạnh một số kết quả, thành phố còn nhiều việc chưa làm được, thậm chí có thể chưa tận dụng hết 50% cơ chế mà nghị quyết này đề ra.

Trong khi đó, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết quá trình thực hiện Nghị quyết 54, thành phố đã nhìn thấy nhiều vướng mắc trong luật, cơ chế nên "nhiều chuyện đề ra nhưng chưa làm được". Thành phố đang soạn thảo nghị quyết thay thế và đã có dự thảo lần hai.

Dự thảo nghị quyết mới từ thực tế 5 năm thí điểm

UBND TP.HCM vừa có tờ trình Chính phủ việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM).

Theo đó, dự thảo Nghị quyết được xây dựng từ những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc quy định không phù hợp thì cho làm thí điểm theo tinh thần các nghị quyết và kết luận của Bộ Chính trị. Các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố phải không làm ảnh hưởng đến sự điều hành chung của Chính phủ và lợi ích của các địa phương khác, mà chủ yếu nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị TP.HCM.

Dự thảo xây dựng các cơ chế nhằm giải phóng các nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân, tham gia vào phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch của thành phố. Đặc biệt, theo dự thảo, không tăng tỷ lệ điều tiết của ngân sách chung về thành phố, mà xây dựng cơ chế tạo ra nguồn thu để tăng chi, nhất là chi cho đầu tư; Hình thành các cơ chế để thành phố có thêm nguồn thu cho ngân sách chi cho đầu tư phát triển, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Dự thảo Nghị quyết gồm 11 điều, trong đó 7 điều đề xuất cơ chế cụ thể về quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường; quản lý văn hóa - xã hội và trật tự xã hội; tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cơ chế xây dựng phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM; cơ chế phân cấp phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy hành chính TP.Thủ Đức.

Kéo dài cơ chế thí điểm thêm 1 năm, có đủ thời gian cho TP.HCM tháo gỡ khó khăn? - Ảnh 4.

Bên trong tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sắp đưa vào khai thác. Ảnh: B.D

UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết 54 theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất.

Các nội dung chính của Nghị quyết 54 bao gồm:

Về công tác quản lý đất đai, HĐND TP.HCM được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên nhưng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về quản lý đầu tư, HĐND thành phố được quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố theo quy định của Luật đầu tư công (hiện thuộc thẩm quyền Thủ tướng), trừ một số loại dự án di tích quốc gia đặc biệt, quốc phòng an ninh...

TP.HCM cũng được thí điểm phân cấp quyết định hình thức và phương án chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đối tác công tư (PPP) trong trường hợp xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư quy định của Luật đấu thầu.

Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, HĐND TP được đề xuất để Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.

Nghị quyết tăng mức dư nợ vay của thành phố không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp (hiện là 70%). Việc tăng mức giới hạn dư nợ vay bảo đảm cho thành phố có thêm dư địa được vay, và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước, thay vì cấp phát như hiện nay.

Ngoài ra, HĐND thành phố được quyết định áp dụng trên địa bàn các khoản phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí theo quy định hiện hành; quyết định điều chỉnh tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí so với mức thu của danh mục Luật phí, lệ phí.

Ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất do các cơ quan Trung ương quản lý trên địa bàn; khoản này dùng để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố.

Ngân sách thành phố cũng được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố quản lý; phần thu từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do thành phố làm đại diện chủ sở hữu. Thành phố sử dụng nguồn thu này và ngân sách thành phố để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, Chủ tịch UBND TP.HCM được ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện và thủ trưởng cơ quan chuyên môn trong phạm vi quyền hạn của Chủ tịch thành phố.

HĐND thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn theo hiệu quả công việc; mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố do HĐND quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem