Kết luận bản quyền truyền hình được bảo mật tới phút chót

Thứ năm, ngày 16/02/2012 08:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trao đổi với Dân Việt chiều 15.2, ông Tô Văn Động - Chánh văn phòng, phát ngôn viên của Bộ VHTTDL nói: “Mọi thông tin nội bộ đều được bảo mật và chúng tôi sẽ chỉ công bố vào ngày 16.2”.
Bình luận 0

Chiều nay (16.2), Bộ VHTTDL sẽ họp báo công bố kết luận thanh tra bản hợp đồng chuyển nhượng thương quyền bóng đá giữa VFF với AVG. 

Lẽ phải thuộc về VFF-AVG

Trao đổi với Dân Việt chiều 15.2, ông Tô Văn Động - Chánh văn phòng, phát ngôn viên của Bộ VHTTDL nói: “Mọi thông tin nội bộ đều được bảo mật và chúng tôi sẽ chỉ công bố vào ngày 16.2”.

img
Các ông bầu kiêm lãnh đạo VPF sẽ đón nhận tin “thua cuộc” chiều nay?

Theo tìm hiểu của Dân Việt, trong cuộc họp chiều qua với VPF, Bộ VHTTDL đã thông báo kết luận thanh tra, trong đó có nội dung quan trọng nhất là tính hợp pháp của hợp đồng giữa VFF và AVG.

Theo đó, căn cứ khoản 2 điều 53 Luật Thể dục, Thể thao năm 2006; Điều 12, Nghị định số 112/2007 quy định chi tiết Luật Thể dục, Thể thao; Khoản 14, điều 4 Điều lệ VFF quy định VFF “sở hữu tất cả các quyền phát sinh từ các giải đấu và sự kiện thuộc quyền quản lý, tổ chức, điều hành của VFF, trong đó gồm các quyền về tài chính, quyền thu thanh, ghi hình, sản xuất, phát thanh, truyền hình...”, thì VFF có quyền sở hữu đối với thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp do mình tổ chức.

Thứ hai, căn cứ điều 75, khoản 1, 2 điều 74 Điều lệ VFF thì VFF hoàn toàn có thẩm quyền trong việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với các giải bóng đá chuyên nghiệp thuộc VFF cho các đối tác. VFF cũng đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và Điều lệ của VFF liên quan đến quy trình, thủ tục ký kết hợp đồng chuyển nhượng thương quyền bóng đá với AVG: Xin ý kiến và được Bộ VHTTDL chấp thuận, thông qua Ban chấp hành VFF, Đại hội thường niên VFF…

Thứ ba, qua nghiên cứu pháp luật hiện hành của Việt Nam về dân sự, thương mại, chưa thấy có quy định nào giới hạn về thời hạn của hợp đồng. Do đó, căn cứ vào nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 4 và Điều 389 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì có thể nhận định rằng thỏa thuận thời hạn 20 năm về chuyển nhượng thương quyền bóng đá giữa VFF và AVG không trái pháp luật.

VPF sẽ không dễ dàng chịu thua?

Không có gì ngạc nhiên nếu kết luận của Thanh tra Bộ VHTTDL ủng hộ lẽ phải của bản hợp đồng giữa VFF-AVG.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp mặt báo chí đầu năm của VPF, bầu Kiên từng tuyên bố với báo chí: “Nếu đoàn thanh tra Bộ VHTTDL có kết luận chưa rõ, VPF sẽ yêu cầu chính Bộ VHTTDL phúc tra. Nếu vẫn chưa thỏa mãn, có thể kiến nghị tới Tổng Thanh tra Chính phủ, rồi sau đó mới đến tòa án. Phương án cuối cùng, các CLB có thể yêu cầu VFF tổ chức Đại hội bất thường xem xét các điều khoản thanh lý hợp đồng bản quyền truyền hình”.

Để tăng thêm sức mạnh cho lời nói của mình, ông Kiên còn khẳng định: “Vì vấn đề bản quyền truyền hình là chuyện lớn, ảnh hưởng đến tương lai của bóng đá Việt Nam nên chúng tôi đã làm việc rất thận trọng suốt thời gian qua. Tôi sẵn sàng bỏ cả kinh doanh để đi đến cùng với bóng đá”.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, nhận dự thảo kết luận của Thanh tra Bộ VHTTDL, lãnh đạo VFF và AVG đều tỏ ra khá hài lòng. Thanh tra chỉ đề nghị AVG làm rõ một vài chi tiết nhỏ trong điều khoản về tài chính của hợp đồng, các nội dung còn lại đều được xác định là hợp pháp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem