Kết nối và làm ấm quan hệ gia đình

Mai An (thực hiện) Thứ tư, ngày 11/06/2014 10:14 AM (GMT+7)
Chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam 28.6 năm nay đã được Bộ VHTTDL công bố là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Phóng viên NTNN trao đổi với ông Trần Hướng Dương - Vụ phó Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) xung quanh chủ đề này.  
Bình luận 0

Ông Trần Hướng Dương cho biết: Chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” bởi trong đời sống gia đình, bữa cơm là một yếu tố vô cùng quan trọng, nó gắn kết các thành viên, tạo tình cảm yêu thương gắn bó. Thế nhưng trong những năm gần đây, mối liên kết giữa các mối quan hệ trong gia đình có sự lỏng lẻo. Nhiều gia đình ở thành thị có tình trạng cả tuần có khi chẳng có bữa cơm nào đông đủ các thành viên, vì công việc bận rộn mà cha mẹ về nhà thì các con đã đi ngủ. Không khí đầm ấm trong gia đình vì thế mà dần dần bị ảnh hưởng. Chọn chủ đề này, chúng tôi chỉ muốn làm thế nào để đánh động vào ý thức của tất cả mọi người về tầm quan trọng của bữa cơm gia đình, hình dung về nó dưới những góc nhìn thật cụ thể.

Theo ông, một bữa cơm gia đình có ý nghĩa quan trọng thế nào đối với cuộc sống người Việt và sự phát triển, hình thành nhân cách trẻ em?

- Rất dễ hình dung bữa cơm gia đình vô cùng thiêng liêng, đầm ấm. Trong bữa cơm, chúng ta trò chuyện với nhau, ông bà, cha mẹ có thể thông qua các câu chuyện để giáo dục cho con trẻ tình yêu thương, đạo hiếu, kính trọng biết ơn các bậc sinh thành và những kinh nghiệm ứng xử. Một bữa cơm dạy cho chúng ta rất nhiều điều, các cụ đã nói: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Trên kính dưới nhường”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”… Bữa cơm đầm ấm tình cảm của ông bà, cha mẹ với con cái sẽ để lại ấn tượng không phai trong tâm trí trẻ.

Tôi nhớ năm 2012, khi tổ chức cuộc thi vẽ “Hạnh phúc gia đình trong ánh mắt trẻ thơ”, phải có đến gần 80% bài thi của các em là vẽ về đề tài bữa cơm gia đình. Từ thành thị đến nông thôn, trẻ em đều mơ ước một bữa cơm đầy đủ mẹ cha, ông bà, con cháu quây quần bên nhau. Trong mỗi bữa cơm, truyền thống văn hóa, đạo đức, kể cả những tình cảm rất thiêng liêng như tình yêu Tổ quốc cũng sẽ được nối dài, được tiếp truyền mãi mãi qua các thế hệ.

Với chủ đề này, Bộ VHTTDL sẽ có những chương trình hành động cụ thể nào để nó thực sự đi vào đời sống và nhận được sự hưởng ứng của mọi người, không chỉ trong Ngày Gia đình mà sẽ kéo dài liên tục?

- Chúng tôi sẽ tập trung vào truyền thông để mọi người hiểu hết được ý nghĩa của Ngày Gia đình năm nay, đồng thời muốn có một chiến dịch cụ thể hơn, ví dụ chọn thời điểm từ 17 - 19 giờ ngày 28.6, cổ động, khuyến khích tất cả các gia đình phải dành thời gian để ăn cùng nhau một bữa cơm với sự có mặt của đông đủ các thành viên. Hôm đó là ngày thứ 7, cũng khá thuận lợi cho một sự sum họp.

Chúng ta giờ hay đổ lỗi cho sự tiện lợi của các hàng quán, sự bận rộn của công việc, giờ giấc học tập để ngày càng rời xa các bữa cơm gia đình, đó là điều rất không nên và là một sai lầm. Đừng hỏi tại sao trẻ em giờ ích kỷ thế, con người vô cảm thế, đừng đổ lỗi cho xã hội, cho trò chơi điện tử, tất cả là ở sự nỗ lực của mỗi chúng ta. Nếu cha mẹ sát sao quan tâm đến con, trò chuyện, tìm hiểu những sở thích tâm lý của con, uốn nắn con thì chúng ta sẽ có những công dân tốt. Vì thế chúng ta hãy bắt đầu từ những việc cụ thể nhất, đó là khơi lại hơi ấm của những bữa cơm gia đình.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem