Kết thân ở chợ trời, bữa cơm đường phố

Trần Thu Dung Thứ sáu, ngày 26/02/2021 05:08 AM (GMT+7)
Từ tháng 12/2020, Paris (Pháp) - nơi tôi sống - nổi lên các dự án kết nối hàng xóm, cộng đồng, vì cách ly xã hội ngăn dịch Covid-19 khiến dân Paris nói riêng và người châu Âu đang rơi vào bức bách tinh thần bởi không được giao lưu, thưởng thức nghệ thuật, giải trí...
Bình luận 0

"Bán anh em xa, mua láng giềng gần". Thành ngữ Việt đầy ý nghĩa không chỉ ở Việt Nam mà cả ở trời Âu. Mặc dù mỗi sáng, người cao tuổi đều được y tá đến thăm sức khỏe hoặc một trợ lý giúp việc do Chính phủ đài thọ hoặc trả theo thuế thu nhập, chỉ thế chưa đủ giúp tan nỗi cô đơn. Cơn nóng kỷ lục năm 2003 làm hơn 300 người già cô đơn mất sớm, đã thức tỉnh tình láng giềng ở Pháp. Tòa Thị chính ủng hộ những giải pháp để con người bớt cô quạnh, tăng tình làng nghĩa xóm.

(xuan) Kết thân ở chợ trời, bữa cơm đường phố - Ảnh 1.

Một góc bày bán tượng, đồ dùng bằng đất nung. Ảnh: T.T.D

Một giải pháp thú vị được nhiều người dân ủng hộ: bữa cơm chung thân mật hàng xóm. Bữa cơm đường phố được tòa Thị chính Paris bật đèn xanh. Một số người thuộc các đảng khác nhau tích cực vận động láng giềng tham gia bữa cơm vui. Thành phố cho mượn bàn ghế, cảnh sát ra giúp chặn một đoạn đường vắng xe thuộc khu vực.

Bữa ăn thường tổ chức vào trưa Chủ nhật. Mọi người tự nấu ăn, tự mang ra ngồi ăn cùng nhau. Trẻ em vốn tự nhiên, cùng học một trường trở thành cầu nối hữu hiệu. Chúng tung tăng chơi giữa đường như Hà Nội những năm 60. Người nào cũng làm 1-2 món ăn đem mời hàng xóm. Ở Pháp, cụng ly vang như ở nông thôn ta mời chén trà, miếng trầu mở đầu câu chuyện. Những ly rượu chúc mừng sức khỏe đi vòng các bàn, vừa làm quen vừa chúc cho tình làng nghĩa xóm.

(xuan) Kết thân ở chợ trời, bữa cơm đường phố - Ảnh 2.

TS văn học Trần Thu Dung (phải) và người bán liềm gặt xưa giống như ở Việt Nam, tại chợ “dọn gác xép”. Ảnh: T.T.D

Chợ dọn gác xép, bữa ăn khu vực gắn liền tình làng nghĩa xóm của người Pháp. Rất tiếc, năm 2020 vì Covid-19, hầu hết hoạt động đông người phải dừng. Hàng xóm gặp nhau vẫn đeo khẩu trang, không dám ôm hôn thắm thiết .

Bữa ăn tập thể còn là dịp để giới thiệu ẩm thực quê hương với chòm xóm, đủ các món ăn dân tộc khác nhau. Người gốc Ý mang món mỳ spagetti hay pizza, người Việt mang nem, người Tunisie mang couscous... ra mời, mọi người đều vui vẻ nếm thử.

Chợ ngoài trời hàng năm do Tòa Thị chính tổ chức cho cư dân cũng trở thành một hình thức kết nghĩa tình láng giềng. Chợ trời đặc biệt với những cái tên đa dạng, hấp dẫn "hội chợ lặt vặt", "hội chợ lạc xoong"... Ai có gì chật nhà, không hợp, không dùng, không thích chỉ việc đăng ký bày ra bán. Thành phố trưng dụng bến đỗ ôtô nơi siêu thị Chủ nhật đóng cửa, quảng trường, một đoạn phố dài nào đó. Tùy số người đăng ký, con phố kéo dài hay thông sang phố khác. Chợ thập cẩm: Từ cây con đánh trong vườn, hạt giống, mèo chó mới sinh, đến bàn ghế tủ, bát đĩa, quần áo... với giá rẻ bất ngờ. Thậm chí người bán gặp hàng xóm thích vừa bán vừa tặng. Trẻ con mang bán hoặc đổi truyện, đồ chơi.

(xuan) Kết thân ở chợ trời, bữa cơm đường phố - Ảnh 4.

Biểu diễn đàn cổ trong chợ. Ảnh: T.T.D

Chợ cũng có khi mở vào đầu mùa Xuân. Đây là dịp hàng xóm gặp nhau, rủ nhau mang đồ ra bán, rủ nhau ăn cơm chung, trông hàng giúp nhau, tán gẫu khi nắng mới lên. Những dịp này, tòa Thị chính thu tiền không phải để cho vào ngân quỹ, mà để đài thọ đội văn nghệ chuyên hay không chuyên của làng, thành phố tham gia làm khuấy động khu vực, thu hút khách du lịch. Chợ trời thành lễ hội quảng bá văn hóa phong phú của các dân tộc như Antille, Martinique, Guadeloupe... Ở đây la liệt những đồ vật cổ, sách cũ giúp tìm hiểu văn hóa lịch sử một thời, vì thế chợ còn có tên chợ "dọn gác xép". Khách có thể tìm hiểu đủ thứ đồ dùng cổ: máy xay cà phê tay, máy cắt cỏ, bẫy chuột, bàn là than... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem