Kết thúc hội nghị CG: Cam kết tài trợ 7,9 tỷ USD

Thứ năm, ngày 09/12/2010 13:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam đã kết thúc chiều 8-12, với cam kết tài trợ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mới trong năm 2011 đạt 7,9 tỷ USD.
Bình luận 0

Các đối tác yên tâm rót vốn

Trong số vốn tài trợ mới này, tài trợ song phương chiếm 3,3 tỷ USD và 4,6 tỷ USD đến từ các nguồn tài trợ đa phương. Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn đứng đầu danh sách nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với tổng số vốn 2,5 tỷ USD, Nhật Bản cũng đứng đầu danh sách nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam với 1,76 tỷ USD, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 1,5 tỷ USD.

img
Một phần lớn số vốn tài trợ của WB cho VN sẽ dành đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn.

Phát biểu tại lễ bế mạc, Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc cho rằng, tuy thấp hơn năm 2010, nhưng cam kết 7,9 tỷ USD là con số ấn tượng. Lý giải điều này, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, năm 2010, số tiền tài trợ lên tới 8 tỷ USD nhưng trong đó có tới 1 tỷ USD là khoản viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam để vượt qua khủng hoảng kinh tế tài chính. Bộ trưởng cho biết, xét trên tình hình năm nay nền kinh tế không còn khủng hoảng, khoản viện trợ mới 7,9 tỷ USD được đánh giá là khá cao.

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB cho biết, con số tài trợ năm 2011 không giảm nhiều nếu so với những khuyến cáo trước đây của các nhà tài trợ khi Việt Nam đã thành nước có thu nhập trung bình, điều này cũng cho thấy Việt Nam đã làm rất tốt để tạo niềm tin cho các nhà tài trợ.

Cụ thể, chính sách phát triển kinh tế trong 5 năm tới của Chính phủ Việt Nam cùng với những cam kết thay đổi như kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm, ổn định giá trị tiền đồng, tăng cường minh bạch, chống tham nhũng… của Việt Nam đã làm cho các nhà tài trợ yên tâm khi rót vốn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng nhấn mạnh, đã có sự chuyển đổi, thậm chí thay đổi cơ cấu trong đồng vốn ODA. Trước đây, ODA của WB hay ADB dành cho Việt Nam chủ yếu là nguồn vay ưu đãi, lãi suất chỉ 0,75%, thời gian trả nợ là 40 năm. Tuy nhiên, đến nay, nguồn vốn này chỉ được vay trong thời hạn ngắn hơn và lãi suất cũng cao hơn.

Lo ngại giải ngân chậm

Ông Ayumi Konishi - Giám đốc ADB tại Việt Nam cho biết, năm 2011, ADB cam kết cho Việt Nam vay 1,5 tỷ USD và trong kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 sẽ là 10 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Konishi cũng cho biết, trong số 1,5 tỷ USD này, chỉ có 25 triệu USD là không hoàn lại.

Trả lời câu hỏi, liệu Việt Nam có nên tiếp tục đi vay ODA, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, Việt Nam đang lo ngại sẽ mất đi các khoản vay ưu đãi trong tương lai, tuy nhiên nếu còn được vay ưu đãi, Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng sự giúp đỡ này của cộng đồng quốc tế.

“Nguồn vốn ODA được trích ra từ tiền đóng thuế của người dân và rất khó để giải thích với họ, tại sao Việt Nam đã giàu rồi mà vẫn phải tài trợ” - ông Konishi giải thích về khả năng sẽ phải giảm các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam trong tương lai.

Ông Konishi cũng cho biết, hiện nay, dư nợ của ADB là 6 tỷ USD và trong năm 2010, Việt Nam chỉ giải ngân được 1 tỷ USD. Ông Konishi nhấn mạnh, tình trạng giải ngân chậm là mối lo ngại của ADB.

Bà Victoria Kwakwa cho biết, một phần lớn trong số tiền tài trợ từ WB dành cho Việt Nam được rót cho các dự án phát triển nông thôn, trong đó có dự án điện khí hóa nông thôn. Bà Kwakwa nhấn mạnh, nếu tiến độ giải ngân càng nhanh, người dân nông thôn sẽ càng sớm được hưởng lợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem