Kết thúc thi THPT Quốc gia: Kỳ vọng phổ điểm sẽ “đẹp” hơn năm trước

Khải Huyền Thứ sáu, ngày 28/06/2019 06:49 AM (GMT+7)
Hầu hết các đề thi được đánh giá nhẹ nhàng, sát với các kiến thức trong chương trình giáo khoa nhưng cũng có tính phân hóa cao, nhiều ý kiến cho rằng, kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm nay có thể sẽ có phổ điểm cao hơn năm trước, điểm xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH – CĐ vì thế cũng được dự báo sẽ nhỉnh hơn.
Bình luận 0

Năm 2019 là năm thứ 5 Bộ GD-ĐT thực hiện kỳ thi theo hình thức kỳ thi quốc gia, là năm thứ 3 áp dụng hình thức thi tự luận cho các môn thi, ngoại trừ môn Văn. Theo đánh giá, đề thi năm nay đã có nhiều thay đổi so với 2 năm trước, cả về mức độ dễ - khó và lượng kiến thức trong đề thi.

Sau khi kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vừa kết thúc, ThS Hoàng Hữu Vinh, giảng viên Toán nhận định, với cách ra đề có phần dễ hơn so với năm trước, các kiến thức đề cập trong bài thi cũng nằm chủ yếu trong chương trình lớp 12… nên học sinh dễ dàng được điểm trung bình.

img

Đề thi các môn năm nay đều được đánh giá là nhẹ nhàng hơn so với năm trước. 

Như ở môn Toán, năm nay dự báo sẽ rất ít điểm dưới trung bình, trong khi con số này năm 2018 là hơn 40%. Tuy nhiên, mức độ phân hóa của đề thi năm nay rất tốt nên phải là học sinh khá giỏi mới đạt được 8,5-9, còn phải rất cẩn thận mới đạt điểm 10. Cũng rất khó xảy ra tình trạng mưa điểm 10 môn toán trong kỳ thi năm nay.

Còn theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, từ khi chuyển từ hình thức thi tự luận sang thi trắc nghiệm, tỷ lệ điểm liệt ở các môn đã giảm rất cao. Ví dụ như ở môn Toán, từ năm 2017, khi lần đầu thi trắc nghiệm, số lượng điểm liệt đã giảm hơn 10 lần so với năm 2016.

Hơn nữa, trong khi năm 2018, khối lượng kiến thức năm học lớp 11 được đưa vào đề thi khá nhiều thì năm nay, lượng câu hỏi trong chương trình lớp 11 đã giảm hẳn. Hơn nữa, năm nay định hướng của Bộ GD-ĐT là đề thi chủ yếu để xét tốt nghiệp nên tương đối đơn giản, chỉ có khoảng 10 câu hỏi cuối trong đề thi là câu hỏi, chiếm tỷ lệ khoảng 20% khối lượng đề thi.

img

Thí sinh tươi cười rời khỏi phòng thi.

Ông Nghĩa cũng cho rằng, nếu đề thi năm 2017 là quá dễ, sang năm 2018 lại quá khó thì năm nay, đề thi vừa đủ để thí sinh đạt điểm xét tốt nghiệp và đảm bảo phân loại thí sinh xét tuyển vào đại học.

“Năm nay, đề thi được đánh giá là rất cơ bản, tập trung vào chương trình giáo khoa năm 12 nên có thể tự tin rằng, sẽ có ít thí sinh bị điểm liệt ở các môn thi. Cùng với đó, do điểm trung bình sẽ cao hơn năm trước nên điểm xét tốt nghiệp có thể cũng sẽ cao hơn”, thầy Nghĩa nhận định.

Theo dự kiến, điểm thi năm nay sẽ công bố trễ hơn năm 2018 khoảng 3 ngày. Tới ngày 18/7, Bộ GD-ĐT sẽ công bố chính thức điểm xét tốt nghiệp THPT. Sau đó, từ 19-28/7, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến, ngày 21/7 với thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trên giấy.

img

Dự báo phổ điểm năm nay có thể sẽ "đẹp" hơn năm trước, nhờ đề thi dễ, thí sinh học lực trung bình cũng có thể đạt điểm trên 5.

Sau khi kết thúc môn thi Tổ hợp Khoa học Xã hội, bài thi tại các điểm thi ở một số địa phương đã được đưa về hội đồng chấm, chuẩn bị cho công tác chấm thi. Như tại TP.HCM, trưa 27/6, bài thi đã được tập hợp về hội đồng chấm. Ngay trong buổi chiều 27/6, Sở GD-ĐT TP.HCM bắt đầu tập huấn công tác làm phách, chấm thi, trao đổi đáp án cho cán bộ chấm thi.

Từ ngày 30/6 – 4/7, TP.HCM sẽ chấm thi môn tự luận. Riêng các môn trắc nghiệm, sẽ do 3 trường đại học thuộc ĐHQG TP.HCM đảm trách. TP.HCM cũng huy động gần 2.000 cán bộ tham gia công tác chấm thi, kỳ vọng việc chấm bài sẽ hoàn thành trước thời gian quy định của Bộ GD-ĐT.

Năm nay, cả nước có hơn 887.000 thí sinh tham dự dự kỳ thi THPT quốc gia. Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước trong kỳ thi THPT quốc gia với hơn 74.000 thí sinh, đơn vị đứng thứ hai về số lượng thí sinh đăng ký dự thi là TP.HCM với gần 71.000 thí sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem