Kết tinh sức mạnh của cả dân tộc

Đức Hiếu – Hải Phong (thực hiện) Thứ ba, ngày 01/09/2015 07:01 AM (GMT+7)
“Thành quả Đổi mới là kết quả của đường lối đổi mới của Đảng. Nhưng người thực hiện đường lối đổi mới là toàn dân tộc, gồm công nhân, nông dân, trí thức, đồng bào định cư ở nước ngoài… Tất cả cùng hợp sức mới có được thành quả Đổi mới như hôm nay”.
Bình luận 0

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cùng NTNN nhìn lại chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được khởi đầu bằng bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ ngày 2.9.1945.

Giá trị của bản Tuyên ngôn

Bản Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trong ngày Quốc khánh 2.9.1945 được xem là bản tuyên ngôn thứ 3 trong chiều dài lịch sử Việt Nam và mang những giá trị đặc biệt. PGS có thể phân tích rõ hơn điều này?

img

Bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước đồng bào ngày 2.9.1945. Ảnh: T.L

- Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố trong ngày 2.9.1945 là kế thừa những bản tuyên ngôn độc lập trong lịch sử dân tộc ta, đặc biệt là bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt. Đó là kết tinh của khát vọng độc lập dân tộc, ý chí và chủ quyền của dân tộc đã được xác định từ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Kế thừa thứ hai là tư tưởng tích cực, tiến bộ của lịch sử nhân loại. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ đã dẫn ra Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp.

Về nội dung, Tuyên ngôn Độc lập có mấy điểm quan trọng gồm: Bản Tuyên ngôn đã cổ vũ, tán thành quyền con người. Vì thế, Bác Hồ khi bắt đầu vào Tuyên ngôn đã trích Tuyên ngôn độc lập của Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Nhưng điều cực kỳ quan trọng là từ quyền con người, Bác Hồ nâng lên thành quyền của dân tộc. Trong Tuyên ngôn nêu: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Đây là vấn đề lớn của thời đại, không chỉ đúng ở thời điểm lịch sử năm 1945. Đến bây giờ, các nước trên thế giới cũng đang đấu tranh vì nhân quyền và dân quyền.

Nhưng từ chỗ ta tuyên bố là một quốc gia độc lập, có chủ quyền đến chỗ được thế giới công nhận là một quốc gia độc lập cũng lại là một bước đi dài, thưa PGS?

- Đúng vậy. Sau khi ta tuyên bố độc lập, trong 5 năm, các nước không công nhận ta là một nước độc lập. Ta xin gia nhập Liên Hợp Quốc tháng 10.1945 nhưng không được chấp thuận. Đến đầu năm 1950, Trung Quốc, Liên Xô và một số nước khác mới công nhận quyền độc lập của ta. Đến Hội nghị Geneve năm 1954, ta mới được công nhận độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Hội nghị sơ bộ tháng 3.1946, Pháp chỉ công nhận ta là một nước tự do chứ chưa công nhận độc lập. Khi chúng ta được Pháp công nhận là một nước tự do thì ta vẫn nằm trong Liên bang Đông Dương và thuộc khối Liên hiệp Pháp, chưa có quyền ngoại giao. Đó là sự khác nhau căn bản giữa “Tự do” và “Độc lập”. Từ tự do đến độc lập thực sự ta đã mất 9 năm.

Nhưng lúc đó Mỹ vẫn chưa công nhận nên mới xâm lược nước ta. Đến Hội nghị Paris năm 1973, trong điều 1 của Hiệp định Paris, Mỹ mới công nhận quyền độc lập của Việt Nam. Khi cựu Ngoại trưởng Mỹ H.Kissinger sang thăm Việt Nam, lúc được nghe nhân viên Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đọc “Nam quốc sơn hà”, ông ta đã nói ngay: “Đây chính là điều 1 của Hiệp định Paris”.

Đổi mới trong tư duy nhận thức

70 năm qua có thể chia thành 2 giai đoạn là trước Đổi mới và sau Đổi mới. PGS đánh giá thế nào về vai trò của Đảng trong 2 giai đoạn này?

img

"Cần nhớ rằng, trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Lý Thường Kiệt có câu “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” tức là “Rành rành đã định ở sách trời”. Thời đó ai biết “sách trời” là gì? Thời đại hiện nay thì “sách trời” chính là Hiến chương Liên Hợp Quốc. Bây giờ cũng vậy, tất cả các nước đấu tranh giành độc lập đều phải dựa vào Hiến chương Liên Hợp Quốc."

PGS - TS Nguyễn Trọng Phúc

- Trong 2 giai đoạn này thì sự lãnh đạo của Đảng đều tuân thủ mấy điểm lớn: Một là phải có cương lĩnh, đường lối đúng đắn. Thậm chí trước Cách mạng Tháng Tám, phải có đường lối đúng thì mới dấy lên phong trào cách mạng và giành được thắng lợi. Từ khi cầm quyền thì phải hoàn thiện, cả trước Đổi mới và sau Đổi mới. Bây giờ phải hoàn thiện cương lĩnh và đường lối cho tốt. Đấy là điểm mấu chốt đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng.

Trước Đổi mới, Đảng ta cũng có sai lầm về chủ trương, chính sách, nhất là về kinh tế, có nhiều thứ nóng vội, duy ý chí. Từ công cuộc Đổi mới đến nay, Đảng ta đã có đường lối đúng đắn, phát triển kinh tế nhiều thành phần, công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Có nhiều cái đúng nhưng trong quá trình thực thi cũng không thể tránh khỏi những khuyết điểm.

Điểm thứ hai là phải xây dựng hệ thống tổ chức, hệ thống chính trị tốt. Điều nữa là năng lực tổ chức thực tiễn của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng. Nếu không có năng lực thì đường lối có đúng đến mấy cũng không hiện thực hóa được. Ngoài ra phải luôn đổi mới phương thức lãnh đạo từ ra quyết định đến tổ chức thực hiện, giám sát, tổng kết thực tiễn… để điều chỉnh.

Bài học về sức mạnh đoàn kết toàn dân đã đem lại thành công  cho cuộc cách mạng 70 năm trước. Theo PGS, chúng ta nên áp dụng bài học này ra sao khi thế giới đang có nhiều biến chuyển?

- Cách mạng Tháng Tám là kết tinh sức mạnh, sự vùng dậy của cả dân tộc. Đúng như tinh thần Bác Hồ chỉ đạo là toàn thể quốc dân đứng lên đem sức ta tự giải phóng cho ta. Đấy là ý chí và sức mạnh của cả dân tộc. Từ bài học này, năm 1941, Bác Hồ về Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi Bác: Bắt đầu từ đâu? Bác Hồ đã trả lời: Bắt đầu từ dân. Có dân thì sẽ có súng, có dân thì sẽ có tất cả. Nên Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện đúng tư tưởng đó. Sau này, Bác Hồ đi đến tổng kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Đấy chính là bài học của lịch sử.

Chúng ta đã tiến hành công cuộc Đổi mới được 30 năm và cần khẳng định thế này: Thành quả Đổi mới là kết quả của đường lối đổi mới của Đảng. Nhưng người thực hiện đường lối đổi mới là toàn dân tộc, gồm công nhân, nông dân, trí thức, đồng bào định cư ở nước ngoài…, tất cả cùng hợp sức mới có được thành quả đổi mới như hôm nay.

Nghị quyết 7 của Bộ Chính trị tháng 11.1993 đã nêu: Chúng ta xóa bỏ hận thù, xóa bỏ mặc cảm, với tinh thần hướng tới tương lai với tinh thần đoàn kết mọi lực lượng vì mục tiêu chung, lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng. Mục tiêu chung tức là xây dựng và phát triển đất nước.

Khi tôn trọng mục tiêu chung thì đồng thời cũng tôn trọng lợi ích riêng của từng giai cấp, từng bộ phận trong dân tộc mà không trái với lợi ích chung của dân tộc.

 Xin cảm ơn PGS - TS!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem