Khắc phục “trên nóng dưới lạnh” mới mong gỡ “thẻ vàng” của EU

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 28/06/2018 13:30 PM (GMT+7)
Cho đến thời điểm này, dù đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để khắc phục “thẻ vàng” do chưa tuân thủ các quy định về đánh cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU), nhưng những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt vẫn còn nhiều.
Bình luận 0

Đặc biệt, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” đang khiến những nỗ lực của ngành chức năng chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Khó khăn do thiếu kinh phí

Ngày 23.10.2017, EC thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Đồng thời, EC đưa ra 9 khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng (từ 23.10.2017 đến 23.4.2018).

img

 Việc gắn thiết bị định vị cho các tàu đánh bắt xa bờ đang gặp khó khăn do thiếu kinh phí (ảnh chụp tại Quảng Nam).  Ảnh: T.L

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tính đến hết năm 2017, Việt Nam có hơn 109.000 tàu cá nhưng hiện mới có 3.000 tàu khai thác xa bờ trên 90CV được lắp đặt thiết bị Movimar trên phạm vi 28 tỉnh ven biển. Được biết, Movimar là công nghệ hiện đại nhất thế giới về giám sát tàu cá và hải dương. Trong khu vực Đông Nam Á, hiện chỉ có 2 quốc gia là Việt Nam và Indonesia đang sở hữu công nghệ Movimar.

Theo đó, 9 khuyến nghị này gồm: Sửa đổi khung pháp lý để đảm bảo tuân thủ các quy tắc quốc tế và khu vực áp dụng cho việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản. Khắc phục những thiếu sót đã được xác định trong thanh tra, kiểm soát và giám sát (MCS) liên quan đến các quy định của quốc tế và khu vực. Cân bằng năng lực khai thác và chính sách đội tàu cá; tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản. Tăng cường hợp tác với các quốc gia khác (đặc biệt là các quốc gia ven biển trong vùng biển mà tàu thuyền treo cờ Việt Nam có thể hoạt động) phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế,…

Từ ngày 15 - 25.5.2018, EC cũng đã cử đoàn kỹ thuật sang Việt Nam để đánh giá thực tiễn, kiểm tra những báo cáo của Việt Nam trong việc giải quyết những khuyến nghị mà EC đưa ra giúp Việt Nam gỡ thẻ vàng. Trao đổi với phóng viên mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, dù ghi nhận những kết quả đã đạt được của Việt Nam nhưng đoàn công tác EC  cũng chỉ ra 3 thách thức rất lớn. Thứ nhất, việc kiểm soát thủy sản đánh bắt, truy xuất nguồn gốc còn nhiều lỗ hổng cần khắc phục. Thứ hai, vấn đề kiểm soát đánh bắt trên biển đang gặp nhiều khó khăn. Việt Nam có khoảng 109.000 tàu đánh bắt trên biển, trong đó có 33.000 tàu đánh bắt xa bờ, nhưng mới chỉ có 3.000 tàu đánh bắt xa bờ được trang bị các thiết bị định vị. Nguyên nhân được cho là… thiếu kinh phí.

“Việt Nam đã công khai và không giấu giếm số lượng tàu được định vị, tuy chưa đủ kinh phí để thực hiện ngay nhưng ngành chức năng và các địa phương đã thực hiện tuyên truyền bằng nhiều cách, chia sẻ thông tin một cách minh bạch” - ông Tuấn nói.

Vẫn còn “trên nóng dưới lạnh”

img

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, điều đáng lo ngại nhất hiện nay không phải là vấn đề kinh phí để gắn thiết bị định vị cho các tàu đánh bắt xa bờ mà là tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC. “Có một vấn đề đoàn công tác của EC phản hồi là họ đã điều tra và thấy rằng, nếu như Trung ương hành động rất quyết liệt bằng việc sửa đổi luật, ban hành các nghị định liên quan..., thì ở dưới địa phương vẫn rất bị động, có tình trạng trên nóng dưới lạnh” - ông Tuấn nêu một thực tế. 

Đơn cử như tại Quảng Bình, những vi phạm như không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản; sử dụng xung điện và chất liệu nổ khi khai thác thủy sản và khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài... vẫn còn tồn tại. Điều này không chỉ gây nguy hại đến tài sản, tính mạng của ngư dân mà còn làm suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Còn tại Bình Thuận, trong 3 năm gần đây, đã có 30 vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, riêng năm 2017 xảy ra 7 vụ với 7 tàu cá và 84 ngư dân. Địa bàn La Gi, Phú Quý là nơi có nhiều tàu cá vi phạm. Điều đáng nói là, dù đã tuyên truyền rất nhiều nhưng ý chức chấp hành các quy định của pháp luật nước ta và tôn trọng chủ quyền vùng biển các nước tiếp giáp của một số ngư dân còn hạn chế.

Để khắc phục tình trạng này, ngoài công tác tuyên truyền, tỉnh Bình Thuận đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá; áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép khai thác thủy sản, chứng chỉ thuyền, máy trưởng và tạm dừng chuyển quyền sở hữu trong vòng 6 tháng đối với tàu cá bị nước ngoài bắt giữ thả về. Không cấp giấy phép khai thác thủy sản vĩnh viễn, không cho đăng ký mới đối với chủ tàu cá đã từng vi phạm vùng biển nước ngoài…

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Việt Nam đã ghi nhận những ý kiến của phái đoàn EC. Hai bên thống nhất tới tháng 1.2019, đoàn công tác của EC sẽ quay lại để xem xét đánh giá một lần nữa về thẻ vàng thủy sản của Việt Nam. “Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, chưa có quốc gia nào gỡ được “thẻ vàng” trước 12 tháng. Điều quan trọng là hai bên đã vào cuộc, bàn bạc và thống nhất không tạo ra những rào cản, gây ách tắc cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai bên trong quá trình tháo gỡ” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem