Khắc tinh của những “con ma” trong giới y dược

Chủ nhật, ngày 17/12/2017 19:02 PM (GMT+7)
Luật sư Daniel Miles được mệnh danh là khắc tinh của giới dược sĩ dởm và những công ty chuyên gian lận tiền bán thuốc. Hàng chục công ty dược phẩm Mỹ đang phải chống đỡ với vị luật sư này.
Bình luận 0

Sinh trưởng trong gia đình với truyền thống làm ngân hàng, Daniel Miles theo quyết định của cha mẹ để chọn học Khoa Kinh doanh, Đại học Alabama ở Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp, Miles không có đủ tiền tiếp tục đi học nhưng lại nung nấu ý định theo đuổi ngành luật nên ông chấp nhận xin làm một chân thanh tra nội bộ Ngân hàng AmSouth ở tiểu bang Alabama với mức lương cao.

Công việc đã giúp ông có nguồn tài chính vững chắc, để rồi sau này ông thi đỗ vào Trường luật Cumberland và tốt nghiệp loại xuất sắc năm 1989. Cuối năm 1991, Daniel Miles sang làm tại hãng luật danh tiếng Beasley. Những vụ án đầu tiên ông thụ lý hầu hết tập trung vào hai lĩnh vực: gian lận bảo hiểm và thế chấp tín dụng. Miles nắm bắt nhanh các giao dịch "chìm bất thường", để từ đó phán đoán và giành chiến thắng về cho thân chủ.

Tuy vậy, không phải lúc nào tên tuổi của Daniel Miles cũng được coi trọng. Đã có thời điểm dư luận tỏ ra hoài nghi về những phán xét có phần vội vã của ông. Trường hợp vụ kiện nhằm vào thịt bò của Hãng Taco Bell là một ví dụ.

Tháng 1.2011, Daniel Miles nhận thay mặt cho một phụ nữ tên Amanda Obney ở California, tuyên bố sẽ khởi kiện hãng Taco Bell vì cho rằng thứ gọi là “bánh mì kẹp thịt bò kiểu Mexico" của hãng này chỉ chứa có 35% thịt bò, thấp hơn tiêu chuẩn của cơ quan quản lý thực phẩm. Ông cho rằng, cách thức quảng cáo và tiếp thị của Taco Bell gây ngộ nhận về chất lượng thịt bò trong bánh mì kẹp thịt.

Hãng Taco Bell đã phản pháo bằng một chiến dịch quảng cáo tiêu tốn 4 triệu USD, đưa ra bằng chứng cho thấy Miles đã "bịa đặt" con số 35% để hạ thấp uy tín của hãng. Theo đó, nhân của món bánh mì kẹp thịt thực chất chứa đến 90% thịt bò, 10% phần còn lại là gia vị và rau.

Trong một tuyên bố phát đi vào giữa tháng 4.2011, Daniel Miles nói rằng, do có sự thay đổi trong cách tiếp thị sản phẩm của Taco Bell nên vụ kiện bị hủy bỏ. Và hiển nhiên, luật sư này cũng yêu cầu thân chủ tự nguyện rút bỏ cáo buộc.

img

Daniel Miles và hãng luật Beasley tham gia đại diện cho 73 vụ kiện các công ty dược phẩm ở Mỹ.

Dù vướng phải vụ ầm ĩ Taco Bell nhưng Daniel Miles vẫn được mệnh danh là khắc tinh của giới dược sĩ "rởm" và những công ty chuyên gian lận tiền bán thuốc. Vài chục công ty dược phẩm Mỹ đang phải chống đỡ với vị luật sư này trong các vụ kiện đòi bồi thường vì đã "thổi" giá bán thuốc cho chương trình y tế cộng đồng Medicaid của Chính phủ Mỹ dành cho các gia đình và cá nhân nghèo.

Trong chiến thắng gần đây nhất, cuối tháng 10 vừa qua, Daniel Miles đã phản biện thành công tại tòa, khiến hãng Dược phẩm Watson bị cáo buộc đã nâng cao trái phép giá bán của một loạt các danh mục thuốc và dụng cụ y tế để vơ vét hàng triệu USD từ ngân sách y tế bang Mississippi. Hãng Watson đã phải bồi thường 12,4 triệu USD và công khai toàn bộ các hóa đơn chứng từ mờ ám đi kèm.

Cách đây không lâu, cũng tại bang Mississippi, Daniel Miles đã phanh phui vụ gian dối công bố giá thuốc của công ty dược phẩm lớn nhất tiểu bang Mississippi, khiến công ty này phải mất một khoản đền bù lên tới gần 30 triệu USD, cộng thêm 4 triệu USD tiền phạt.

Cho đến nay tiểu bang Mississippi đã nhận đền bù và thắng trong hai vụ kiện quan trọng nêu trên, tổng cộng 120 triệu USD từ các công ty dược phẩm liên quan tới việc nâng khống giá thuốc bán cho chương trình Medicaid của tiểu bang.

Cho đến nay, Miles đã thay mặt cho 7 bang kiện hàng trăm công ty ra tòa về tội gian lận giá bán dược phẩm gây thiệt hại cho người nghèo, hy vọng sẽ đòi lại hàng tỉ USD ngân sách bị bòn rút.

Ông bị coi là "kẻ thù" của hàng trăm công ty dược khi danh sách số lượng các công ty bị kiện ở từng bang ngày càng dài thêm: Mississippi - 86 công ty, Louisiana - 108, Nam Carolina - 18, Kansas - 33, Utah - 43, Hawaii - 44 và Alaska - 34. Miles gây xôn xao dư luận khi tiết lộ âm thầm tiến hành một cuộc điều tra dựa trên bảng giá do các công ty dược công bố. Kết quả cho thấy mức chênh lệch rất lớn giữa giá bán buôn trung bình dành cho các chương trình y tế cộng đồng Medicaid với giá thực dành cho các nhà phân phối truyền thống của họ.

Một công bố khác của Daniel Miles cho biết nhiều bác sĩ, công ty dược phẩm, công ty cung cấp dụng cụ y tế đã và đang ăn cắp hàng tỉ USD qua ngả Medicaid bằng cách bịa ra những công ty ma, những bệnh nhân, bác sĩ "ma" và những cuộc giải phẫu chỉ có trên giấy tờ. Theo đó, tội gian trá của những "tay ma đầu" làm những chuyện giả mạo chứng từ rất dễ phát hiện. Chúng chế tạo ra khoảng 50.000 hồ sơ tính tiền, dùng tên của những vị y sĩ già đã qua đời từ hàng chục năm trước.

Cuối tuần trước, Daniel Miles và các đồng nghiệp tại Beasley Allen cũng quyết định đại diện cho bang Alamaba trong 73 vụ kiện khác nhằm vào các công ty dược với cùng một tội: "Thổi" giá bán thuốc cho chương trình Medicaid của bang này. Kể từ năm 2008 đến nay, họ đã giành được thắng lợi ở một số trường hợp với tổng số tiền 352,4 triệu USD bồi thường cho ngân sách, chưa kể 123,15 triệu USD tiền bồi thường khác được dàn xếp trực tiếp bên ngoài tòa án với các công ty sản xuất dược bị kiện tại bang Alabama.

Điều đáng tiếc là tệ nạn ăn cắp tiền của chương trình Medicaid diễn ra bừa bãi ở khắp mọi nơi. Những luật sư như Daniel Miles, dù tài năng đến mấy, cũng chẳng thể nào có đủ sức để theo dõi, phân tích toàn bộ hồ sơ trong cả một hệ thống y tế công.

Chính Miles đã thất vọng thốt lên khi Hiệp hội Chống gian lận y tế Mỹ ước tính rằng có khoảng 60 tỷ USD bị thất thoát vì những vụ gian lận này…

PV (Cảnh sát toàn cầu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem