Tiềm năng và con số
|
Du khách nước ngoài thăm phố cổ Hội An. |
Theo TS Hà Văn Siêu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Việt Nam được đánh giá là nước nằm trong khu vực năng động nhất, có sức hút du lịch mạnh mẽ và khả năng phát triển, tăng trưởng du lịch nhanh.
Trong 5 năm gần đây, lượng khách du lịch luôn duy trì được mức tăng trưởng với 2 con số. Nếu năm 1990, du lịch Việt Nam mới đón được 250.000 lượt khách quốc tế thì kết thúc năm Canh Dần 2010, con số này đã chính thức lên 5 triệu 50 nghìn lượt người. Gấp 20 lần! So với năm 2009, du lịch Việt Namcũng đã vượt tới 32% so với con số kế hoạch (4,3 triệu lượt khách).
Du lịch Việt Nam đã có một năm số lượng khách tăng trưởng cao chưa từng có và vượt ngưỡng 5 triệu khách quốc tế, phá vỡ mọi kỷ lục về lượng khách quốc tế du lịch nước nhà trước đó. Thu nhập từ du lịch 2010 dự kiến đạt khoảng 96 nghìn tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2009, ước đóng góp 4,5% GDP.
Những gì đã làm nên thế mạnh của du lịch Việt Nam? Một bờ biển dài với vô số những bãi tắm đẹp nhất, nhì thế giới? Một thiên nhiên tươi đẹp với vô số kỳ quan? Một nền văn hiến và những con người cởi mở mến khách? Tất cả những điều đó đều đúng.
Và có lẽ, đó cũng là cơ sở để đề ra chiến lược ngành du lịch, giai đoạn 2010 – 2020. Theo đó, ngành du lịch phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế từ 10 - 15%/năm và khách du lịch nội địa từ 15 - 18%/năm. Năm 2015, phấn đấu thu hút được 7 - 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 35 - 36 triệu lượt khách nội địa; thu nhập du lịch đạt 9-10 tỷ USD; GDP du lịch chiếm 6,0 - 6,5% tổng GDP cả nước, tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lao động.
Cần sự thay đổi cách nghĩ, cách làm!
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Trong thập niên tới, ngành du lịch tập trung phát triển du lịch theo hướng hiện đại, bền vững, có chất lượng, có thương hiệu, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển đồng thời du lịch nội địa và quốc tế.
“Không cần tiềm năng vẫn có thể làm du lịch” là cách thay đổi tư duy làm du lịch được rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này ủng hộ. Làm du lịch là không phải chỉ dựa vào những cái có sẵn. Nhiều quốc gia trên thế giới đã minh chứng cho một thực tế, đó là không cần phải có tiềm năng thiên nhiên vẫn có thể phát triển ngành công nghiệp du lịch như Singapore, Hongkong…
“Làm du lịch là phải đầu tư như bất cứ một ngành kinh tế nào khác, thiếu đi bất cứ yếu tố nào cũng khó có thể phát triển tốt ngành du lịch” - bà Lê Quỳnh Chi - giảng viên khoa Du lịch, Đại học Mở HN nói.
Còn nhớ cách đây chưa lâu, khi bãi biển Nha Trang và Mũi Né được xếp loại là một trong số những bãi biển tồi nhất trên thế giới, đã dấy lên cuộc tranh luận. Một câu hỏi đã được đặt ra khi đó: Bao giờ thì du lịch Việt Nam hết “nạn tiềm năng” và một câu hỏi lớn hơn, nhức nhối hơn, kéo dài nhiều năm hơn: Bao giờ thì chấm dứt cảnh khách du lịch đến VN “một đi không trở lại” vì chất lượng du lịch quá tồi tệ và dịch vụ du lịch quá nghèo nàn? Nếu như chúng ta say sưa với con số 5,5 triệu khách của ngày hôm nay mà quên đi trách nhiệm “chủ nhà”, thì rõ ràng, lời giải vẫn chưa thể đưa ra.
Theo TS Hà Văn Siêu, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng nhanh và liên tục trong nhiều năm nhưng chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Thu nhập du lịch chiếm tỉ trọng đáng kể trong GDP nhưng giá trị gia tăng còn thấp. Sản phẩm du lịch đã có đổi mới, phát triển đa dạng hơn nhưng chất lượng còn hạn chế… Phải thay đổi những điểm này để có tăng tốc du lịch. Nếu chỉ có một cái tên thương hiệu, lo go, thì đấy mới chỉ là bề ngoài.
Hương Thuỷ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.