Khai mạc giải Anh: Thời của sao trẻ

Thứ bảy, ngày 13/08/2011 06:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm nay (13.8), bất chấp những dư âm khủng khiếp của cuộc bạo loạn, Giải Ngoại hạng Anh sẽ chính thức khởi tranh.
Bình luận 0

Và ngay từ bây giờ, ở Việt Nam, trong “câu chuyện làm quà” ở khắp mọi nơi, mỗi người đều ra sức bảo vệ quan điểm cho tình yêu bóng đá của mình.

Yêu lối bóng đá “canh nông vi bản”

Tuần rồi, nhân dịp về mấy tỉnh miền Bắc công tác, tôi có dịp đàm đạo quanh ấm trà xanh, nước vối với các lão nông ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Cứ tưởng mấy cụ quanh năm gắn bó với ruộng đồng, lo con cháu làm ăn, cày cấy là chính chứ bóng đá Anh ở tận xứ sương mù chắc chẳng ai để ý, quan tâm làm gì. Ấy thế mà tán ra tán vào, hoá ra mấy ông nông dân “ba xoa hai đập” còn hiểu biết và đam mê Giải Ngoại hạng Anh gấp mấy lần tôi.

img
M.U vẫn là đội bóng đáng xem với những gương mặt kỳ cựu và nhiều tân binh ở mùa giải mới.

Ở Tân Yên (Bắc Giang), trong buổi tối xem chương trình điểm lại những trận bóng đá đáng chú ý của Giải Ngoại hạng Anh mùa trước, tôi thì chẳng mấy hào hứng, nhưng bác Nguyễn Bá Quyền thì cứ vỗ tay đôm đốp, hò hét đâu ra đấy. Ý nghĩ “ông này thừa hơi” trôi qua rất nhanh khi bác Quyền hỏi: “Chú phóng viên đừng tưởng tôi không biết gì. Chú có biết thế nào là lối bóng đá “canh nông vi bản” không?”.

Của đáng tội, tôi chỉ biết theo lý thuyết cơ bản kiểu “sách vở” về những lối đá cao siêu cỡ jogo bonito của Brazil, catenaccio của Italia, tổng lực của Hà Lan hay tiqui-taca của Tây Ban Nha hiện tại, chứ “canh nông vi bản” là gì thì chắc chắn tôi… mù tịt.

Hoá ra đơn giản thế này thôi, giải nghĩa cụm từ ấy là “lấy nghề nông làm gốc” nên các “cụ” ở quê rất khoái lối đá chân chất, mỗi cầu thủ lấy đóng góp vào hiệu quả tập thể làm trọng và luôn muốn vào vai “người hùng thầm lặng”.

Vậy cũng dễ hiểu vì sao người dân quê, từ cụ già tới trẻ con yêu mến Giải Ngoại hạng Anh luôn coi những cầu thủ như Paul Scholes, Gary Neville, Frank Lampard, Steven Gerrard… là thần tượng. Nói như anh Vũ Trung Học (Thổ Tang, Vĩnh Phúc) sau khi nhấp ngụm nước vối là: “Anh Paul Scholes cống hiến, đóng góp lặng thầm, chịu thương chịu khó, thậm chí sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì thành công của đội. Nông dân chúng tôi làm nghề nông cũng có sự đồng cảm nên xem phong cách chơi bóng ấy thì sướng lắm. Tiếc là hết mùa trước, anh ấy giải nghệ mất rồi…”.

Thời của sao trẻ

Paul Scholes rút lui, Van der Sar cũng nghỉ, Giggs dính scandal, Gerrard, Lampard đã bước sang sườn dốc bên kia sự nghiệp... Bởi thế, mùa giải này là cơ hội để hàng loạt ngôi sao trẻ thể hiện năng lực và bước những bước đầu tiên vào “ngôi đền” của những huyền thoại.

Rooney mấy năm nay được quen tên nhớ mặt, là gương mặt sáng giá nhất để trở thành tượng đài đương đại của Manchester United trong kỷ nguyên mới với ít nhiều thay đổi. Cesc Fabregas, Carlos Tevez nếu không bị cuốn vào vòng xoáy của chuyện “đi-ở” thì thừa khả năng tạo dựng được thế đứng vững chãi ở Giải Ngoại hạng Anh.

Điều tương tự cũng có thể đúng với những trường hợp của Torres, Drogba, Kuyt, Vidic…, nhưng họ còn thiếu một chút tầm ảnh hưởng cần thiết ở đội bóng để được coi là thần tượng vì đơn giản, tất cả các ngôi sao này không phải là người bản địa. Nhưng điều đó không có nghĩa là, không phải là dân Anglo-Saxon thì không có cơ hội trở thành tượng đài ở Giải bóng đá Ngoại hạng Anh.

Đứng đầu bảng về mặt kỳ vọng của các cổ động viên hiện nay là Javier Hernandez, tiền đạo người Mexico vốn vẫn được biết đến với biệt danh Chicharito. Nếu không bị chấn thương bất chợt ở đợt tập huấn mùa hè, Chicharito đã có vai trò lớn trong quá trình chuẩn bị cho mùa bóng này của M.U sau những màn trình diễn chói sáng của anh ở mùa trước. Mới xuất hiện và cũng rất được chú ý là thủ thành David De Gea, người đứng ở vị trí rất nhạy cảm trong đội hình “Quỷ đỏ” khi cái bóng của Van der Sar và thậm chí là Peter Schmeichel, quá lớn.

Không như dân chuyên nghiệp, mấy bác nông dân nhà mình ra sức dè bỉu anh chàng Aguero (tân binh của Manchester City) đơn giản một điều: Thằng này con rể của Maradona nên mới nổi tiếng thế chứ cái loại “chó chui gầm chạn” thì làm ăn nỗi gì?

Trông ra xung quanh, sự xuất hiện của Aguero tại Manchester City sẽ mang đến chất latin cho bóng đá Anh khi lời giải đáp về vấn đề “cầu thủ Nam Mỹ có đá tốt ở Premier League” đã được Tevez đi tiên phong.

So sánh về mọi mặt, không phải ngẫu nhiên mà Giải Ngoại hạng Anh được dân ta yêu mến nhất. Bất chấp những sự đầu tư theo kiểu “tiền đè chết người” của các tỷ phú dầu mỏ trên toàn cõi châu Âu nói chung và Manchester City nói riêng, bóng đá Anh vẫn giữ được giá trị mang tính căn bản về phong cách cống hiến xen lẫn giải trí. Thế nên, xoay quanh vấn đề thay đổi trật tự của “bộ tứ siêu đẳng” khi Manchester City, Tottenham Hotspur đang tiến bộ rất nhiều, còn Arsenal thì sa sút... là câu chuyện về những thần tượng mới, với những lão nông tri điền hay các cậu nhóc trên mọi miền quê.

Thay cho lời kết là một câu chuyện nhỏ mà phóng viên ghi ở đất trồng rau Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội): Hai chú nhóc mặc những chiếc áo đấu “nhái” của Barcelona và Manchester United đã nhàu nát “lý luận” về thần tượng. Cậu bé mặc chiếc áo số 10 của Barcelona ra sức bảo: “Tao chỉ thích đá như Barcelona mới oách”, còn “đồng nghiệp” mặc cái áo số 18 có ghi tên Scholes ra sức cãi: “Bác Schloes đá mới là oách. Đá kiểu chân đất phải thế mày ơi!”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem