Ngang nhiên khai thác nhựa thông
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Lạng Sơn, trong 5 năm gần đây mỗi năm tỉnh trồng mới được khoảng 8.000ha thông, chủ yếu tập trung ở huyện Lộc Bình, Đình Lập, Văn Lãng… Các hộ ở đây đều có từ 0,5 đến hàng chục ha. Trước đó, cây thông đã bén rễ trên đất Lạng Sơn từ hàng chục năm nay, từ cây “phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn”, thông đã trở thành cây thoát nghèo và làm giàu của người dân nơi đây. Theo ông Hoàng Văn Hiền – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Lộc Bình, ngoài cây lúa, ngô, thông cũng được xem là cây trồng chủ lực của huyện. Ưu điểm của cây này là đầu tư ít, cho thu nhập ổn định và lâu dài, thông còn có tác dụng chống xói, cải tạo môi trường sinh thái…
Những cây thông mới chỉ 10 năm tuổi đã bị lâm tặc khoét sâu vào thân để lấy nhựa (ảnh chụp tại xã Tam Gia, Lộc Bình). Ảnh: Việt Tùng
Ông Hoàng Văn Hùng, ở xã Tam Gia (Lộc Bình) hiện đang có gần 5ha thông mã vĩ chuẩn bị đến kỳ thu hoạch cho biết: “Theo quy định, cây thông phải ít nhất 16–18 năm tuổi mới được phép khai thác nhựa. Nhưng gần đây do giá nhựa thông tăng, nạn “thông tặc” (những kẻ trộm nhựa thông) hoành hàng khắp nơi, cứ hở là chúng cạo nhựa, không kể cây to, nhỏ. Mấy hôm nay tôi phải làm lều trong rừng để canh, song cũng rất khó giữ và nguy hiểm. Các hộ ở các khác không giữ được, cứ sáng sớm lên rừng nhìn thấy những cây thông non bị cứa tứa nhựa là xót như đứt từng khúc ruột”.
Có lẽ thiệt hại nặng nhất phải kể đến Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập. Hai đơn vị này đang sở hữu tới gần 10.000ha thông. Ông Vương Văn Thi – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình cho biết: “Gần đây, mỗi năm chúng tôi chỉ thu được vài trăm kg nhựa, thu không đủ chi, vì bị khai thác trộm hết nhựa, đặc biệt là ở khu vực các xã Tam Gia, Tĩnh Bắc, Khuổi Lý…”.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập cũng cho biết, hiện công ty đang sở hữu gần 10.000ha thông từ 10 – 20 năm tuổi, trước đây mỗi năm công ty khai thác được khoảng 30 tấn nhựa, nhưng gần đây chỉ thu được vài tấn, có vụ gần như mất trắng.
Chặt cả cây thông bán cho Trung Quốc
Thời gian gần đây, “thông tặc” không chỉ lén lút khai thác nhựa, chúng còn ngang nhiên cưa hàng loạt cây thông non chưa đến kỳ thu hoạch để bán gỗ sang TQ. Ông Hoàng Văn Tạ - Phó Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn (Lộc Bình) thừa nhận, trên địa bàn có xảy ra hiện tượng này. Theo ông Tạ, hầu hết các diện tích thông trên đại bàn đều giao cho người dân quản lý, chăm sóc để các hộ hưởng lợi. Song do hám lợi, nhiều người đã khai thác nhựa, rồi chặt thông non đem bán sang TQ. Phần chúng tôi tuyên truyền, phần đẩy mạnh kiểm tra, tuy nhiên do rừng cách xa khu dân cư nên rất khó kiểm soát.
Không chỉ các công ty mất thông, mà nhiều hộ dân cũng chịu chung cảnh này. Trước tình hình này các hộ dân đã làm lán trông coi, còn các công ty thì tăng cường thêm bảo vệ. Tuy nhiên, các đối tượng hoạt động rất tinh vi, liều lĩnh nên công tác bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn. Ông Hoàng Quang Chinh – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lạng Sơn nhận định: “Do hám lợi, nên một số đối tượng đã ngang nhiên khai thác nhựa và chặt thông, kể cả ở cánh rừng phòng hộ, đầu nguồn. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, phức tạp, hơn nữa có khi người dân khai thác trên chính diện tích được giao khoán, nên việc đấu tranh, quản lý gặp rất nhiều khó khăn”.
Theo ông Chinh, tình trạng khai thác gỗ thông non trái phép rộ từ cuối năm 2014 và 2 tháng gần đâu. Sau khi hạ cây, họ cắt ra thành khúc 2-3m, rồi dùng xe bán tải, đầu ngang chở theo đường mòn thuộc xã Tam Gia và một số xã khác sang TQ bán". Theo tìm hiểu của PV, gỗ thông khi vận chuyển sang TQ có giá từ 2,2-3 triệu đồng/m3, sau đó được xẻ ra làm ván...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.