Khám phá Bartitsu – Môn võ của thám tử lừng danh Sherlock Holmes
Khám phá Bartitsu – Môn võ của thám tử lừng danh Sherlock Holmes
Thứ năm, ngày 25/06/2020 16:34 PM (GMT+7)
Với những chiêu thức khoan thai, tinh tế, Bartitsu trở thành môn võ tự vệ được giới nhà giàu Anh thế kỉ 19 ưa chuộng. Dù đánh võ, nhưng các quý ông vẫn giữ được vẻ lịch lãm và sang trọng của mình. Đến cả tiểu thuyết gia Conan Doyle còn phải đưa môn võ này vào cuốn tiểu thuyết lừng danh Sherlock Holmes.
Cuối thế kỷ 19, không khí ảm đạm bao trùm xã hội London khi trang nhất của những tờ báo lúc nào cũng đầy tin về cướp bóc, đạo chích, bụi đời. Những kẻ sát nhân hàng loạt, như "Jack the Ripper"; cùng những xó tối tăm của các trại tế bần càng làm London dưới triều đại nữ hoàng Victoria trở nên u ám hơn.
Chính trong bầu không khí đó, Bartitsu, môn võ mà nhiều độc giả sau này biết đến như môn võ của Sherlock Holmes trong tiểu thuyết, đã ra đời như một phương thức võ tổng hợp tự vệ chuyên dành cho các quý ông.
Môn võ chỉ dành cho các quý ông
Khác với thám tử Sherlock Holmes chỉ tồn tại trong những cuốn tiểu thuyết của Conan Doyle, Bartitsu là môn võ hoàn toàn có thật
Được sử dụng để dành cho mục đích tự vệ, Bartitsu được coi như một trong những môn võ đầu tiên của phương Tây, là thành quả sáng tạo của Edward William Barton-Wright. Ông đã đến Nhật Bản vào những năm 1890, từ một kỹ sư đường sắt bình thường, Barton-Wright sau đó trở thành một người có đam mê mạnh mẽ với võ thuật. Ông đã từng tập luyện quyền Anh, vật, đấu kiếm.
Tuy nhiên, ông lại có niềm yêu thích đặc biệt với Jujitsu (Nhu Thuật) của xứ sở Hoa Anh Đào. Barton-Wright trở về Anh vào năm 1899, kết hợp Jujitsu cũng các kiến thức sẵn có về bộ môn đấm bốc, kickboxing để pha trộn và tạo nên môn võ mới. Ông ghép tên mình với hậu tố của "Jiu-jitsu" để tạo ra cái tên: Bartitsu.
Kỹ năng chiến đấu của Bartitsu rất đa dạng, bao gồm cận chiến, chiến đấu bằng gậy đi bộ, sử dụng mũ hoặc chiếc ô cầm tay như một vũ khí thực thụ.
Barton-Wright tóm tắt các nguyên lý của võ tự vệ Bartitsu chỉ trong 3 bước. Đầu tiên phải làm mất thế cân bằng của kẻ tấn công. Thứ hai là phải chiếm quyền chủ động trước khi kẻ tấn công lấy lại cân bằng. Cuối cùng là kiểm soát đổi thủ bằng cách tác dụng lực vào các khớp như khớp bả vai, khuỷu tay, cổ tay, đầu gối, cổ chân,…
Chú trọng vào thực chiến nên nhiều kỹ xảo của Bartitsu được các nhà nghiên cứu hiện đại công nhận là khá hiệu quả.
Là một võ sư nhưng có "máu con buôn" rất nặng, Barton-Wright dùng khá nhiều chiêu trò để thổi phồng võ Bartitsu như biện pháp duy nhất cho tình hình trị an nghèo nàn của London thời đó.
Barton chọn mục tiêu là những nhà quý tộc hoặc thương nhân cần đi qua khu Đông London để giao dịch mà luôn có nguy cơ bị cướp bóc bởi những kẻ lang thang. Quảng cáo cho môn võ của mình, Barton đảm bảo các võ sinh có thể dùng áo và gậy để hạ gọn đối thủ có vũ khí mà vẫn không mất "phong cách quý ông".
Không lâu sau, môn võ trở nên phổ biến tại Anh, thu hút được đông đảo người đến tầm sư học đạo. Học viện và câu lạc bộ võ thuật Bartitsu được thành lập. Giới quý tộc giàu có tại London lúc bấy giờ cũng đổ xô nhau đi học Bartitsu, thỉnh giáo "sư phụ" Barton-Wright.
Sớm nở – tối tàn
Vào những năm 1890, Bartitsu trở nên cực thịnh ở Anh. Nhận thấy được nhu cầu, Barton-Wright đã tập hợp các giáo viên võ thuật từ cả châu Âu và Nhật Bản để phát triển Baritsu, mục đích nhằm dạy cho mọi người một khóa học toàn diện để tự vệ trong trường hợp bị tấn công, cướp bóc hoặc để tỉ thí với ai đó chẳng hạn.
Đến năm 1901, câu lạc bộ đã có cả các bài tập đấu kiếm, bài tập thở, trở thành một phần bắt buộc trong giáo án giảng dạy Bartitsu. Các võ sư thường tổ chức các buổi diễn hoành tráng, phô diễn kỹ thuật và sự hiệu quả của môn võ bằng những ví dụ thực chiến.
Phong cách mà Bartitsu hướng đến là khả năng đối đầu với nhiều đối thủ, riêng "giáo chủ" Barton-Wright đã từng tự mình chứng minh ông có thể một lúc hạ gục 7 đối thủ có thân hình vạm vỡ. Chính vì vậy ông càng nhận được nhiều sự kính nể hơn từ mọi người.
Không dừng lại, Barton-Wright còn được tác giả của Sherlock Holmes là Conan Doyle so sánh kỹ năng võ thuật với nhân vật huyền thoại của mình. Nếu lật lại truyện, các bạn có thể nhận thấy Holmes đã nhắc đến Bartitsu trong tập "Cuộc phiêu lưu của Nhà Trống" được viết vào năm 1903.
Dù việc thành lập Học viện Bartitsu có phần nhờ những chiêu trò quảng cáo, học viện võ tổng hợp này vẫn có sự giảng dạy của những chuyên gia có thực lực ở nhiều môn võ, như Pierre Vigny chuyên võ gậy; đô vật Armand Cherpillod chuyên võ Svingen (võ về vật từ Thụy Điển); đặc biệt có hai võ sư người Nhật rất nổi danh thời đó là Yukio Tani and Sadakazu Uyenishi – những người đầu tiên mang Jiu-jitsu và Judo đến Anh.
Tuy nhiên, càng về sau, mâu thuẫn trong nội bộ Học viện càng ngày càng lớn. Võ sư William Garrud tiết lộ rằng Barton-Wright đã đánh giá sai tiềm năng của thị trường học võ dành cho các nhà quý tộc. Học phí cao chót vót khiến giới trung lưu không thể tiếp cận với Bartitsu, còn giới nhà giàu thì lại ưa quăng tiền cho các dịch vụ bảo vệ chứ không thích tập võ.
Câu lạc bộ Bartitsu bắt đầu trì trệ, mọi người không còn cảm thấy hào hứng nữa, thành viên mới cũng ít dần.Không thu hút được võ sinh mới, "cơn sốt" Bartitsu dần tàn lụi. Barton tiếp tục dạy Bartitsu đến những năm 1920, thậm chí vẫn dùng cái tên Bartitsu cho những dự án… y học cho đến khi qua đời trong cảnh nghèo khó vào năm 1951.
Dù không còn tồn tại, Bartitsu vẫn là một tư liệu quý giá để các chuyên gia nghiên cứu về võ thuật đào sâu tìm hiểu, một ví dụ thú vị về ý tưởng võ thuật dành cho các quý ông của Châu Âu thời xưa.
Đến ngày nay, không chỉ xuất hiện trở lại trên phim ảnh cùng nhân vật Sherlock Holmes, Bartitsu còn thật sự được khôi phục bởi các nhà nghiên cứu võ tự vệ ứng dụng tại Mỹ. Chỉ có điều, các "quý ông" Bartitsu hiện đại buộc phải chuyển sang cầm dù che mưa và gậy bóng chày thay cho baton mà thôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.