Khám phá bầu khí quyển Trái đất, NASA đưa ra cảnh báo đáng sợ

Thứ sáu, ngày 12/11/2021 14:00 PM (GMT+7)
Mới đây, các vệ tinh của NASA đã công bố một khám phá đáng kinh ngạc về trạng thái bầu khí quyển Trái đất.
Bình luận 0
Khám phá bầu khí quyển Trái đất, NASA đưa ra cảnh báo đáng sợ - Ảnh 1.

Phát hiện mới khiến các nhà khoa học lo lắng. Ảnh: NASA

Theo dữ liệu tổng hợp từ ba vệ tinh của NASA, tầng trung lưu của Trái đất đang nguội dần trong suốt 30 năm qua. Tầng trung lưu kéo dài từ 50 đến 80 km trên bề mặt hành tinh và mỏng hơn nhiều so với lớp khí quyển mà chúng ta đang sống - tầng đối lưu. Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng đáng lo ngại này là do tác động của biến đổi khí hậu và sẽ tiếp tục diễn ra trừ khi có biện pháp nào đó để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

James Russell, đồng tác giả nghiên cứu và là nhà khoa học khí quyển tại Đại học Hampton ở Virginia, cho biết: "Xuống gần bề mặt Trái đất, bầu khí quyển dày đặc. Trong đó carbon dioxide có nhiệm vụ giữ nhiệt giống như chăn bông giữ ấm cơ thể bạn vậy".

Khám phá chỉ ra rằng nhiệt đang truyền dần từ bề mặt đến các phần trên của bầu khí quyển. Khi ở đó, bất kỳ nhiệt lượng nào do các phân tử carbon dioxide (CO2) thu được sẽ tan vào không gian, khiến không khí lạnh đi và co lại. NASA đã ví hiệu ứng này giống như một quả bóng bay co lại khi cho vào tủ đông.

Khám phá bầu khí quyển Trái đất, NASA đưa ra cảnh báo đáng sợ - Ảnh 2.

Dữ liệu vệ tinh cho thấy tầng đối lưu đang giảm nhiệt và co lại. Ảnh: NASA

Trên thực tế, đây không phải là khám phá khí quyển đáng lo ngại duy nhất mà các nhà khoa học thực hiện. Theo một báo cáo mới được công bố trên tạp chí Science Advances, các tầng thấp hơn của bầu khí quyển hành tinh đã tăng tới 60m mỗi năm trong 20 năm qua.

Khám phá được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto ở Canada, phát hiện ra thay đổi ở tầng đối lưu, là tầng thấp nhất của bong bóng khí bảo vệ Trái đất. Tầng đối lưu là yếu tố quan trọng để duy trì sự sống trên Trái đất vì nó chứa oxy mà chúng ta hít thở và khoảng 85% khối lượng tổng thể của khí quyển. Đây cũng là nơi hầu hết thời tiết xuất hiện, mây hình thành, và chu trình nước mang đến mưa và tuyết.

Thông thường, tầng đối lưu là ấm nhất gần bề mặt Trái đất, sau đó nhiệt giảm dần cho đến tầng bình lưu. Tầng bình lưu là nơi chứa ôzôn, tầng này giữ nhiệt và khiến nhiệt độ tăng trở lại.

Nhưng các nhà khoa học lo ngại rằng biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính đang làm thay đổi sự cân bằng nhiệt độ trong tầng đối lưu. Theo Jane Liu, một nhà khoa học khí quyển tại Đại học Toronto, các vụ phun trào núi lửa và bão đều có thể ảnh hưởng đến độ cao của tầng đối lưu. Bà nói: "Về lâu dài, hai yếu tố quan trọng nhất là nhiệt độ tầng đối lưu và nhiệt độ tầng bình lưu".

Việc đốt nhiên liệu hóa thạch không kiểm soát kể từ cuộc cách mạng công nghiệp đã khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên mức báo động. NASA ước tính hành tinh này đã ấm lên kể từ năm 1880 và nhiều dự báo cho thấy hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra trừ khi có điều gì đó được thực hiện để hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Các khí nhà kính, như carbon dioxide (CO2) và methane (CH4) đang được bơm vào bầu khí quyển, nơi chúng giữ nhiệt và khiến nhiệt độ tầng đối lưu tăng lên.

Theo nghiên cứu mới, tầng đối lưu đã tăng cùng tốc độ trong giai đoạn 1980-2000, 2000 và 2020 - khoảng 50m mỗi thập kỷ. Giáo sư Liu nói: "Tất cả các dữ liệu quan sát trong khoảng thời gian 4 thập kỷ này đều cho thấy rằng hành tinh này có thể sẽ nhận một hậu quả tàn khốc".

Lê Phương (express.co.uk)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem