Khám phá làng gói bánh chưng “siêu tốc” giữa Thủ đô, chưa đầy 40 giây xong một chiếc bánh

Hồng Cảnh Thứ hai, ngày 31/01/2022 14:25 PM (GMT+7)
Nếu như những người bình thường phải mất ít nhất từ 5-10 phút để làm xong 1 chiếc bánh chưng thì người dân ở làng Tranh Khúc (Duyên Hà, Thanh trì, Hà Nội) chỉ cần từ 30-40 giây với nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn.
Bình luận 0

Được coi là làng nghề gói bánh chưng nổi tiếng và lớn nhất Hà Nội, những ngày này, các hộ dân tại làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì lại tất bật ngày đêm để làm hàng nghìn chiếc bánh chưng phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô.

Ngay từ cổng làng đi vào đã ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng của lá dong, gạo nếp. Những chiếc xe máy, xe tải lớn nhỏ tấp nập ra vào chở nguyên liệu làm bánh chưng về làng và lại chở bánh từ làng gửi đi khắp các tỉnh, thành phố.

Tại đây, với 116 hộ dân hầu như nhà nào cũng làm bánh. Nhà làm ít thì vài chục cái/ngày, nhà nào nhiều có thể làm vài chục nghìn cái.

img

Dưới bàn tay khéo léo của những người làm bánh lâu năm ở làng  Tranh Khúc, chỉ cần từ 30-40 giây có thể gói xong 1 chiếc bánh.

Chị Trần Thị Dung, trú tại đội 1, thôn Tranh Khúc cho biết, thông thường, mỗi ngày nhà chị chỉ gói từ 200-300 chiếc nhưng bắt đầu từ 23 tháng Chạp, xong lễ cúng ông Công ông Táo là nhà chị làm không hết việc, phải thuê thêm thợ về làm. Hơn 10 người thợ, mỗi người một công đoạn, tập trung hết “công lực” để có bánh chưng trả khách trước Tết Nguyên đán.

“Mấy hôm nay nhà tôi phải gói trên 2.000 bánh/ngày mà vẫn không kịp trả hàng cho khách, vậy nên tôi dừng nhận đơn và chỉ cố gắng làm hết 28 Tết, trả hết đơn cho khách là nghỉ. Bận đến mức không có thời gian nghe điện thoại”, chị Dung nói.

img

Gạo nếp để gói bánh chưng là giống nếp cái hoa vàng.

Theo chị Dung, bánh chưng Tranh Khúc ngon nhờ nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng và tỉ mỉ. Bánh ngon nhất phải được làm từ gạo nếp cái hoa vàng ở vùng Hải Hậu (Nam Định); lá dong phải là lá dong nếp để đảm bảo độ xanh của bánh; đậu xanh phải là loại hạt nhỏ, ruột vàng được đồ chín và giã nhuyễn để bọc lấy thịt thành phên.

“Thịt được làm nhân bánh phải là thịt lợn vai hoặc ba chỉ. Khi bọc đậu vào thịt không được bọc kín mà phải hở, để khi nấu bánh, mỡ từ thịt chảy ra, thấm vào lớp nhân và gạo nếp khiến bánh có vị béo, ngậy”, chị Dung nói.

img

Thịt lợn cũng phải là loại có cả nạc cả mỡ được bọc bên ngoài bằng đậu xanh.

Ngoài ra, để bánh chưng được ráo nước, mềm dẻo, khi luộc phải chú ý không để nồi bánh cạn nước. Nước phải ngập bánh để bánh không bị sống và cứ 2 giờ lại thêm nước một lần. Khi bánh chín thì phải vớt ra, rửa sạch rồi xếp chặt để bánh dền và dẻo.

img

Lá dong dùng để gói bánh cũng phải là lá dong nếp.

Cũng giống như gia đình chị Dung, xưởng bánh nhà chị Trần Thị Vân Thuỳ cũng đang làm thâu đêm suốt sáng để kịp trả hàng cho khách.

“Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến số lượng đặt bánh từ các công ty, trường học giảm 70% nhưng những ngày gần Tết, nhà tôi vẫn phải nhờ thêm 10 người thợ, mỗi người phụ trách một công đoạn để mỗi ngày cho ra lò trên dưới 7.000 chiếc bánh”, chị Thuỳ cho hay.

img

Xưởng sản xuất bánh được trang bị xe nâng, cần cẩu, nồi hơi, nồi điện công suất lớn để làm bánh.

Theo chị Thuỳ, với những nguyên liệu được chuẩn bị sẵn, những người thợ làm bánh chưng lâu năm ở đây có thể gói bánh nhanh “siêu tốc”, chỉ từ 30-40 giây là xong một chiếc bánh, chưa tính thời gian buộc lạt. Đỉnh điểm, có ngày một mình chị Thuỳ gói được gần 2.000 chiếc bánh chưng.

Để việc luộc bánh chưng đỡ vất vả, bánh chín đều mà không phải ngồi canh lửa ngày đêm, nhiều hộ gia đình tại thôn Tranh Khúc đã đầu tư hệ thống nồi hơi, nồi điện công suất lớn có giá hàng trăm triệu đồng. Nhiều xưởng còn trang bị hệ thống máy cẩu giúp quá trình đưa bánh ra vào bếp được thuận tiện và nhanh chóng.

img

Bánh được xếp cẩn thận và luộc từ 8-10 tiếng.

Ngoài ra, các hộ làm bánh còn đầu tư máy hút chân không, có dán nhãn ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày đóng gói, hạn sử dụng trên từng chiếc bánh.

Song song với việc bán hàng cho các mối quen, nhiều gia đình cũng đã ứng dụng thương mại điện tử vào việc bán hàng như chạy quảng cáo trên các nền tảng công nghệ số và rao bán trên các chợ online, chợ chung cư để tiếp cận được nguồn khách hàng đa dạng hơn.

img

Mỗi ngày, những gia đình làm bánh lớn cung cấp ra thị trường từ vài nghìn đến cả chục nghìn chiếc bánh chưng.

Với giá bán từ 40-70 nghìn đồng/chiếc tuỳ theo yêu cầu của khách, ngoài làm bánh chưng truyền thống, nhiều gia đình cũng làm thêm bánh chưng chay, bánh chưng gấc hay bánh chưng nếp cẩm…

Theo tìm hiểu của PV, năm 2009, Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) đã ra Quyết định chấp nhận đăng kí nhãn hiệu làng nghề Tranh Khúc với sản phẩm truyền thống là bánh chưng và bánh dày.

img

Bánh chưng được hút chân không rồi vận chuyển đi khắp các tình, thành phố, phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày Tết của từng hộ gia đình.

Hiện tại, bánh chưng Tranh Khúc đã có mặt ở hầu khắp thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đồng thời một số bà con Việt Kiều ở Thái Lan, Singapore và một số nước châu Âu cũng đã đặt mua bánh chưng Tranh Khúc sang nước ngoài để sử dụng trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem