Song với quan điểm của Bộ Công Thương, nếu việc miễn giảm phí trước bạ và ưu đãi thuế ô tô đối với xe nội địa không được đưa ra bàn thảo và Chính phủ không quyết định sớm, chắc chắn đây là sự thất vọng lớn của các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng xe hơi trước những kỳ vọng giá xe giảm đi trong thời gian tới.
Bộ Tài Chính bác bỏ hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành ô tô
Bộ Tài Chính bác bỏ đề xuất
Trong tờ trình mới nhất dự thảo Nghị quyết các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong COVID-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, một trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với người mua xe ô tô trong nước trong năm 2020 và chính sách ưu đãi về thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội. Đây cũng là ý kiến mà trước đó rất nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Bộ Công Thương nêu ra trong báo cáo gửi Thủ tướng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính không đồng tình giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ.
Bộ Tài chính lý giải, đây là thuế gián thu, người tiêu dùng là đối tượng phải nộp thuế. Còn với doanh nghiệp, toàn bộ VAT đầu vào được khấu trừ với thuế giá trị gia tăng đầu ra khi xác định số thuế phải nộp nên không ảnh hưởng đến chi phí.
Về việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 cũng không được Bộ Tài chính đồng ý vì nếu thông qua sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu.
Bộ Tài chính chỉ chấp thuận giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay để cứu ngành hàng không vì ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Với ngành vận tải khác, Bộ Tài chính cho rằng Luật Bảo vệ môi trường không quy định việc miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường nên không đưa vào dự thảo Nghị quyết.
Trong khi đó, nội dung tại dự thảo tờ trình về thực hiện ưu đãi, hỗ trợ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội, Bộ Công Thương cho rằng sản xuất, lắp ráp ô tô là một trong những ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Trong dài hạn, ngành sản xuất ô tô nội địa cũng sẽ gặp phải sự cạnh tranh vô cùng gay gắt trước làn sóng ô tô nhập khẩu giá rẻ trong khu vực ASEAN tràn vào thị trường trong nước khi các hàng rào thuế quan và kỹ thuật đã được gỡ bỏ.
Do đó, nếu không quyết liệt có chính sách kịp thời và đủ mạnh để vực dậy, duy trì ngành sản xuất ô tô trong nước trong bối cảnh dịch bệnh cũng như trong dài hạn, ngành sản xuất ô tô (đặc biệt là ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi) sẽ có nguy cơ sụp đổ, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến ngân sách, việc làm và phát triển bền vững nền kinh tế.
Sẽ là thất vọng lớn của thị trường?
Đối với việc đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020, Bộ Công Thương khẳng định, đây là biện pháp cần thiết để kích cầu tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Bộ Công Thương cho rằng, nếu việc miễn giảm phí trước bạ và ưu đãi thuế ô tô đối với xe nội địa không được quyết định sớm, sẽ là sự thất vọng lớn của các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng xe hơi
"Nếu áp dụng chung cho cả ô tô nhập khẩu, rất có thể người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang tiêu thụ mạnh ô tô nhập khẩu khi giá bán xe nhập khẩu hạ xuống do lệ phí trước bạ giảm, gây tác dụng ngược đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước" - Bộ Công Thương cho biết.
Về đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội, Bộ Công Thương đề nghị quy định chi tiết chính sách này tại dự thảo Nghị quyết. Cụ thể, áp dụng chính sách gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (với thời hạn tối đa 6 tháng) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Bộ Công Thương giải thích lí do là giúp tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước, đồng thời góp phần kích cầu tiêu thụ ô tô nội địa - tương tự như đề xuất chính sách giảm lệ phí trước bạ.
Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp Quốc hội gần nhất về chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô, cụ thể là không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với giá trị sản xuất nội địa, áp dụng đối với cả ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu.
Bộ Công Thương dẫn giải, hiện tại chi phí sản xuất ô tô trong nước cao hơn so với các quốc gia trong khu vực từ 10-20% khiến giá thành xe sản xuất trong nước chịu nhiều bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN trong bối cảnh hàng rào thuế qua và kỹ thuật được gỡ bỏ.
"Nếu không có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm giảm giá thành xe sản xuất, lắp ráp trong nước, cụ thể là các ưu đãi về phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt, so với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, ngành ô tô Việt Nam, đặc biệt là ngành sản xuất, lắp ráp ô tô con sẽ không thể cạnh tranh được với làn sóng ô tô nhập khẩu trong thời gian tới" - Bộ Công Thương nói rõ.
Với lí do trên, Bộ Công Thương cho biết việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khắc phục bất lợi về giá bán của ô tô sản xuất trong nước là hết sức cấp bách.
Bên cạnh đó, "để đảm bảo tuân thủ cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, đề nghị xem xét việc áp dụng chính sách ưu đãi trên đối với cả ô tô nhập khẩu trong trường hợp chứng minh được trong cấu thành giá ô tô nhập khẩu có chứa giá trị sản xuất nội địa của Việt Nam" -Bộ Công Thương nêu rõ đề nghị với Bộ Tài chính.
Được biết, hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đang bị đánh vào cả xe nhập, xe trong nước, các linh kiện nhập và linh kiện trong nước. Mức thuế đánh vào xe ô tô theo dung tích xy-lanh tối thiểu 35% và tối đa đến 150% tùy theo giá trị xe, tùy vào dung tích xy-lanh.
Nếu việc miễn giảm phí trước bạ và ưu đãi thuế ô tô đối với xe nội địa không được đưa ra bàn thảo và Chính phủ không quyết định sớm, chắc chắn đây là sự thất vọng lớn của các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng xe hơi đang rất kỳ vọng giá xe giảm đi trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.