Ông Ngô Văn Liên - Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên cho biết, năm nay, do tình hình dịch Covid-19, địa phương chỉ mời họa sĩ trong tỉnh vẽ nên số lượng trâu cũng hạn chế với khoảng 10 "lão" trâu tốt, khỏe đã được chọn để tham gia Lễ Tịch điền.
Ngày 6/2/2022, trao đổi thêm về thông tin này, ông Ngô Văn Duệ (63 tuổi, Giám đốc HTX Tiên Ngoại) cho biết, do tình hình dịch bệnh nên số lượng trâu giảm xuống 10 con.
"Chúng tôi đã lựa chọn rất khắt khe. Những "lão" trâu tại Duy Tiên thuần, khỏe mạnh, dáng bệ vệ, oai phong nhất đã được chọn để xuống cày.
Những năm trước đây xã chúng tôi có 45 trâu (kể cả nghé) để phục vụ lễ Tịch điền. Sau nhiều vòng tuyển chọn, 22 con trâu đẹp nhất, thuần nhất được lựa chọn ra cày. Tuy nhiên năm nay số lượng giảm bớt, toàn Lễ Tịch điền chỉ còn 10 con", ông Duệ thông tin.
Theo ông Duệ bảo, ở Hà Nam, 2 người là ông Nguyễn Trung Đắc (68 tuổi) và ông Nguyễn Văn Cương (hơn 60 tuổi) có thâm niên trong việc tham gia lễ hội Tịch điền và trâu hai nhà này luôn xếp thứ hạng rất cao.
"Năm nay nhà ông Đắc góp mặt 1 con, ông Cương 2 con. Ba "lão" trâu này đều có kinh nghiệm tham gia Lễ Tịch điền. Trâu nhà ông Cương đã 30 năm tuổi, sừng dài, đẹp, trâu nhà ông Đắc thì khoảng 15 tuổi dáng bệ vệ lắm.
Hiện chưa biết trâu nhà ai sẽ được chọn để vua đi cày, ngày mai tại lễ chính mới biết được", ông Duệ nói với chúng tôi.
Ông Nguyễn Trung Đắc cho biết, ông và ông Cương là những người tham gia lễ hội từ những ngày đầu khôi phục. Con trâu là đầu cơ nghiệp, năm nào cũng được dắt trâu cho Vua đi cày, về mặt tinh thần không có gì để thay thế được.
"Trâu nhà tôi đã gần 15 tuổi, ai cũng đánh giá nó có cặp sừng rất đẹp. Có những năm trời lạnh, chúng tôi cắm cả nước nóng để tắm cho trâu, trước ngày khai hội, chúng tôi đánh xà phòng tắm rửa trâu sạch sẽ để hôm sau Vua cày", ông Đắc vui vẻ nói.
Được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế kỷ, Lễ Tịch điền (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) diễn ra vào ngày mùng 7 Tết hàng năm đã trở thành sự kiện văn hóa lớn của đất nước dịp Tết đến xuân về.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) có nguồn gốc từ rất xa xưa do vua Thần Nông khai mở.
Mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền.
Từ đó, hàng năm vào đầu xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm Lễ tịch điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng), cầu được mùa và các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày tịch điền với các hình thức khác nhau. Sau một thời gian gián đoạn, từ năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại cho đến ngày nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.